https://admin.yersin.edu.vn//Uploads/files/2022-06/2.-logo-website01(4).png

Tin tức - Sự kiện

Trang chủ Tin tức - Sự kiện

Bác học A. Yersin – Vĩ đại mà nhân ái!

Ngày đăng 16/05/2017 | Lượt xem: 1060

Bằng những lời văn dung dị, gần gũi, phù hợp với cốt cách dễ mến, dễ gần và trái tim nhân ái, bao dung hiếm có của A.Yersin; tác giả đã thu gọn 80 năm cuộc đời đầy ước mơ, hoài bão và sự nghiệp khoa học lẫy lừng của Yersin qua 250 trang sách.

       Kỷ niệm 149 năm ngày sinh (22-9-1863) và tiến tới kỷ niệm 70 năm ngày mất (01-3-1943/01-3-2013) của Nhà Bác học – Bác sĩ thiên tài, nhà thám hiểm lừng danh Đông Dương, nhà hoạt động xã hội, nhà tư tưởng nhân văn cao cả Alexandre Yersin; nhà văn Nguyễn Gia Nùng và Hội Ái mộ Yersin vừa cho ra mắt cuốn sách “Những mẩu chuyện về Yersin”.

       Bằng những lời văn kể chuyện dung dị, gần gũi, phù hợp với cốt cách dễ mến, dễ gần và trái tim nhân ái, bao dung hiếm có của A.Yersin; tác giả đã thu gọn 80 năm cuộc đời đầy ước mơ, hoài bão, thích khám phá và một sự nghiệp khoa học lẫy lừng, chói sáng của Yersin qua 250 trang sách, cùng nhiều ảnh tư liệu quý hiếm khiến người đọc bị cuốn hút, xao xuyến, luyến tiếc một nhân cách vĩ đại. Cuốn sách giúp người đọc có hiểu biết đầy đủ hơn về tầm vóc của một con người, một nhà khoa học đã từng sống, làm việc và nghiên cứu trên chính mảnh đất Việt Nam yêu dấu của chúng ta.

                  

                Bìa cuốn sách “Những mẩu chuyện về Yersin”

       Alexandre – John – Emile Yersin, sinh ngày 22-9-1863, có mẹ là người Pháp, bố là giáo viên, người Thụy Sĩ, nhưng đã mất 3 tuần trước khi ông chào đời. Năm 1883, ông vào học ngành y thuộc Viện hàn lâm Lausanne tại Đức rồi sang Paris. Tại Pháp ông may mắn được gặp và làm việc tại Phòng thí nghiệm vi trùng với các nhà khoa học nổi tiếng như, Giáo sư Louis Pasteur, Bác sĩ Roux. Một cộng sự của Pasteur đã nhìn thấy Yersin có những biểu hiện tài năng bẩm sinh. Mặc dù được thừa hưởng cả “thư viện” khoa học, được học tập và nghiên cứu với hàng loạt nhà bác học nổi tiếng thời đó, như: Monod, Walfe (đã đạt giải thưởng Nobel về Y học), nhưng một ngày kia ông quyết định “đi thám hiểm” trong sự bàng hoàng, tiếc nuối của cả thầy và các cộng sự.

       Tháng 7-1891, Yersin bước lên bờ biển Nha Trang, cảnh đẹp của núi rừng, biển xanh và thiên nhiên trù phú, ban mai trong lành êm ả… đã cuốn níu chân ông ở lại. Trong những năm tháng sống, nghiên cứu khoa học và thám hiểm, đặc biệt là trong hơn 50 năm (1891 – 1943) ở Nha Trang, Bác học A. Yersin đã cống hiến cho loài người 55 công trình, 40 tác phẩm về y học; trong đó có 13 đề tài chuyên cứu về dịch hạch, 15 đề tài chuyên về nông nghiệp trồng cây quinquina và héveá. Yersin được mệnh danh là nhà thám hiểm lừng danh Đông Dương, nhà hoạt động xã hội, nhà tư tưởng nhân văn cao cả. Ông từng là Hiệu trưởng Trường thuốc Đông Dương tại Hà Nội (nay là Trường Đại học Y Hà Nội) và khai giảng khóa học đầu tiên (1902). Là người đặt nền móng xây dựng Viện Pasteur Nha Trang và hệ thống Viện Pasteur tại Đông Dương; ông được suy tôn là “Cụ tổ” của ngành y tế dự phòng Việt Nam. Ông là người đầu tiên tìm ra TP. Đà Lạt, cũng là người đầu tiên đưa cây cao su, cây canh-ki-na, chà là… vào trồng tại Việt Nam và cả Đông Dương; đưa kính thiên văn về nghiên cứu và giúp thông báo thời tiết khí hậu cho người dân địa phương, nhất là người dân đi biển.

       Những lời văn mà nhà văn Nguyễn Gia Nùng kể về Yersin khi ở Nha Trang và cốt cách dung dị, gần gũi của ông khiến người đọc liên tưởng tới hình ảnh một ông lão hiền từ, gần gũi mà chúng ta thường gặp trong các câu chuyện cổ tích, truyền thuyết của dân tộc, chứ không phải một "ông Tây" xa lạ... Ông đã vượt lên tất cả mọi gian khó, sự bất đồng ngôn ngữ và thói quen sinh hoạt, xa Tổ quốc, quê hương để hòa vào tập tục của những người dân vạn chài nghèo khổ xóm Cồn, xóm Bóng, Nha Trang; ông giúp người dân học tránh thiên tai, chữa bệnh và thích nói tiếng Việt. Cảm mến tình đất, tình người xứ Trầm, biển Yến, lúc cuối đời ông đã “xin được an nghỉ vĩnh viễn nơi đây”. Đáp lại trái tim nhân hậu của ông, người dân Nha Trang yêu mến, kính trọng đã dành một ngọn đồi, xung quanh là cây xanh và cỏ, hoa để ông yên nghỉ vĩnh hằng. Đến nay, nhiều vùng quê cả nước, nhiều đường phố, công viên, trường học được mang tên ông. Khu mộ và ngôi chùa thờ ông tại Suối Cát, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa và bảo tàng A. Yersin (tại Viện Pasteur Nha Trang) được Nhà nước ta xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1990.

       Chúng ta và nhất là các bạn trẻ, hãy một lần đọc sách để biết đến thân thế, sự nghiệp vĩ đại và một trái tim nhân hậu, dung dị, rất đời thường của Nhà Bác học Yersin qua cuốn sách: “Những mẩu chuyện về Yersin” do NXB Trẻ vừa phát hành

Đăng ký tư vấn