https://admin.yersin.edu.vn//Uploads/files/2022-06/2.-logo-website01(4).png

Tin tức - Sự kiện

Trang chủ Tin tức - Sự kiện

90 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam

Ngày đăng 16/05/2017 | Lượt xem: 2366

Ngày 21/6/1925, Báo Thanh Niên - cơ quan ngôn luận của Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, tờ báo do Nguyễn Ái Quốc sáng lập đã ra số đầu tiên, đánh dấu sự ra đời của Báo chí Cách mạng Việt Nam.

 

     Ngày 21/6/1925, Báo Thanh Niên - cơ quan ngôn luận của Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, tờ báo do Nguyễn Ái Quốc sáng lập đã ra số đầu tiên, đánh dấu sự ra đời của Báo chí Cách mạng Việt Nam.

 

 

      Trải qua 90 năm xây dựng và phát triển, Báo chí Cách mạng Việt Nam luôn là vũ khí sắc bén của giai cấp công nhân, là ngọn cờ của cách mạng, đem của Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh soi đường, cổ vũ lớp lớp đồng bào, chiến sỹ vượt qua mọi hy sinh gian khổ, giành độc lập tự do và xây dựng đất nước. Trong gần 30 năm đổi mới, nhất là 10 năm trở lại đây, báo chí đã phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng. Theo thống kê mới đây, cả nước có 845 cơ quan báo in với 1.118 ấn phẩm báo chí, 1 hãng thông tấn quốc gia, 67 đài phát thanh - truyền hình Trung ương và địa phương, 179 kênh phát thanh truyền hình, 98 cơ quan báo chí điện tử và 1.525 trang thông tin điện tử, 420 mạng xã hội, gần 18.000 nhà báo được cấp thẻ.

 

 

      Công tác chỉ đạo, quản lý báo chí có bước đổi mới theo hướng chủ động, kịp thời hơn. Số lượng ấn phẩm, chất lượng và hình thức các loại hình báo chí, không ngừng được nâng cao, nội dung thông tin ngày càng phong phú, hiệu quả, hình thức ngày càng đẹp, sinh động và hấp dẫn, đội ngũ các nhà báo ngày càng đông đảo, có bước trưởng thành về chính trị, tư tưởng và nghiệp vụ. Bên cạnh đó, hệ thống báo chí còn bộc lộ những hạn chế, bất cập, khuyết điểm như: Cơ cấu, quy mô chưa hợp lý, khuynh hướng xa rời tôn chỉ, mục đích, chạy theo thương mại, coi nhẹ chức năng tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, né tránh đề cập hoặc đề cập hời hợt những chủ đề, sự kiện chính trị quan trọng của đất nước. Trong khi đó, lại khai thác nhiều tin, bài không cần thiết và những chuyện giật gân, câu khách, thông tin không chuẩn xác chưa, năng lực cán bộ của nhiều cơ quan chỉ đạo, quản lý, chủ quản và cơ quan báo chí chưa đáp ứng yêu cầu. Đội ngũ người làm báo còn những bất cập, còn tồn tại một bộ phận không nhỏ các nhà báo xa rời “Quy ước đạo đức nghề nghiệp”, gây tác hại đến uy tín của báo chí, vai trò trách nhiệm của nhiều cơ quan chủ quản còn mờ nhạt, hoạt động kinh tế của nhiều cơ quan báo chí khó khăn… Tất cả những vấn đề trên, đòi hỏi báo chí phải không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng thông tin, hình thức trình bày để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của quần chúng nhân dân.  Đứng trước yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong quá trình hội nhập quốc tế và bùng nổ thông tin, báo chí Việt Nam cần phải kiên định mục tiêu lý tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, thực hiện tốt chức năng báo chí là phương tiện thông tin, công cụ tuyên truyền, vũ khí tư tưởng quan trọng của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp, là diễn đàn của nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, hoạt động trong khuôn khổ pháp luật.




      Phát triển báo chí đi đôi với quản lý tốt, nâng cao năng lực, hiệu lực, xây dựng nền báo chí nước ta cách mạng, chuyên nghiệp, hiện đại, nhân văn, đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân, đoàn kết toàn dân tộc, tạo đồng thuận xã hội. Sắp xếp hệ thống báo chí gắn với đổi mới mô hình, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý báo chí. Xây dựng một số cơ quan báo chí chủ lực, đa phương tiện làm nòng cốt, có vai trò định hướng thông tin báo chí, thông tin trên mạng Internet, khắc phục tình trạng chồng chéo, dàn trải đầu tư, buông lỏng quản lý, xa rời tôn chỉ, mục đích. Xác định rõ trách nhiệm lãnh đạo, quản lý báo chí của các cấp ủy đảng, chính quyền, nhất là của cơ quan chủ quản, người đứng đầu cơ quan chủ quản và cơ quan báo chí. Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển báo chí trong tình hình mới.   




      Trong chặng đường lịch sử 90 năm, Báo chí Cách mạng Việt Nam đã góp phần to lớn vào cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Báo chí thực sự là công cụ, vũ khí sắc bén của Đảng và Nhà nước trên mặt trận tư tưởng - văn hóa. Những thành tựu mà đất nước đạt được trong 30 năm đổi mới, có phần đóng góp to lớn của báo chí. Bước vào thời kỳ mới, trước những đòi hỏi, yêu cầu của đất nước, báo chí cần tiếp tục đổi mới, xứng đáng là cơ quan ngôn luận của Đảng và Nhà nước, là diễn đàn của nhân dân.

 

 

Hà Hữu Nết

Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng

Đăng ký tư vấn