Alexandre Yersin – Nhà khoa học chân chính
07/07/2010

Alexandre Yersin sinh năm 1863, người Thụy Sĩ, Quốc tịch Pháp – Ông mồ côi cha từ trong bụng mẹ. Ngoài sự thiếu một người cha, Yersin còn chịu ảnh hưởng của một sự giáo dục theo thánh giáo và tiếp xúc hàng ngày toàn là phụ nữ; vì sau khi cha ông quá cố, để nuôi ông ăn học, mẹ ông đã mở lớp dạy bếp núc, âm nhạc, hội họa…

Alexandre Yersin (1863 – 1943)

Ngày nay, các nhà doanh nghiệp, các nhà đầu tư, học sinh sinh viên học tập nghiên cứu ở Đà Lạt, cư dân thành phố Đà Lạt, du khách trong nước và Quốc tế hẳn không quên Bác sĩ Alexandre Yersin – Nhà khoa học chân chính, mà tên tuổi ông gắn liền với sự hình thành thành phố Đà Lạt từ cuối thế kỷ XIX.

Alexandre Yersin sinh năm 1863, người Thụy Sĩ, Quốc tịch Pháp – Ông mồ côi cha từ trong bụng mẹ. Ngoài sự thiếu một người cha, Yersin còn chịu ảnh hưởng của một sự giáo dục theo thánh giáo và tiếp xúc hàng ngày toàn là phụ nữ; vì sau khi cha ông quá cố, để nuôi ông ăn học, mẹ ông đã mở lớp dạy bếp núc, âm nhạc, hội họa… cho các thiếu nữ đến từ Đức và nhiều vùng của Thụy Sĩ.

Quá trình trưởng thành của ông, sự phát triển về trí tuệ tạo nên thiên hướng say mê nghiên cứu khoa học. Suốt cuộc đời của ông dành cho khoa học.

Tuổi trẻ của A. Yersin đã có thành công vang dội đầu tiên với việc bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Paris 1888, đề tài ngành y khoa: “Nghiên cứu sự phát triển chứng nhiễm trùng huyết của bệnh lao thực nghiệm”, được Đại học y khoa Paris tặng huy chương đồng, lúc đó ông mới 25 tuổi. Ngay sau đó, hợp tác cùng bác sĩ Roux, Yersin tìm ra độc tố của vi trùng bệnh bạch hầu, thành công đó làm tên tuổi Yersin thêm lừng lẫy.

Năm 1894, sau nhiều kỳ công nghiên cứu tìm tòi thí nghiệm, Yersin đã tìm ra vi trùng dịch hạch, nghiên cứu bào chế thuốc điều trị và phòng bệnh dịch hạch được chính phủ Pháp tặng huân chương Bắc đẩu bội tinh. Đến năm 1896 lúc bệnh dịch hạch tái phát tràn lan ở Trung Quốc, Hồng Kông, Quảng Đông… 80% người bệnh được cứu sống nhờ loại thuốc của bác sĩ Yersin bào chế.

Bệnh dịch hạch đã giết chết trên 50 triệu người trên thế giới, từ đó không còn là bệnh nan y.

Tại hội nghị vi sinh vật học thế giới lần thứ 10 năm 1970 đã quyết định cho vi khuẩn dịch hạch mang tên người khám phá ra nó: Yersinia Pestis.

Nhân loại mang ơn bác sĩ Yersin về bệnh dịch hạch, cũng như mang ơn nhà Bác học Louis Pasteur về bệnh chó dại.

Năm 1902, bác sĩ A. Yersin đã làm Hiệu trưởng trường thuốc Hà Nội, nay là Đại học Y khoa Hà Nội. Ông là Giám đốc viện Pasteur Đông Dương, gồm cả viện Pasteur Nha Trang và viện Pasteur Sài Gòn. Kế thừa thành tựu của ông, ngày nay, các viện Pastuer Việt Nam vẫn đang phát huy hiệu quả phòng, chữa bệnh cho nhân dân ta.

Bác sĩ A.Yersin say mê nghiên cứu khoa học trên nhiều lĩnh vực. Ngoài y học, ông còn thành công trong sinh học, nông học, thiên văn học, vật lý học và ưa thích thám hiểm mạo hiểm. Ông đã trồng thử nghiệm và thành công cây cao su ở Suối Dầu; cây canh kyna ở Hòn Bà, ở Dran, ở cao nguyên Langbian để bào chế thuốc chữa bệnh sốt rét rất hiệu quả. Tại Suối dầu thuộc Diên khánh, cách Nha Trang 20 km, với diện tích gần 4000 ha là nơi ông đã lập đồn điền cao su, trồng bắp, lúa, thuốc lá… nuôi ngựa, trâu, bò, dê, cừu. Đặc biệt, ngựa là loài vật được chăm sóc kỹ để lấy nguyên liệu sản xuất vacxin phòng bệnh dịch hạch.

Tháng 2 năm 1893, trong chuyến thám hiểm vùng núi rừng hoang sơ, đầy thú dữ ở Nam Trung bộ, A. Yersin đã phát hiện cao nguyên LangBian và đề nghị Toàn quyền Đông Dương P. Doumer chọn Đà Lạt – Đan Kia xây dựng trạm nghỉ dưỡng, vì nơi đây đầy đủ điều kiện cần thiết về đất đai, thời tiết khí hậu, nguồn nước, có khả năng xây dựng đường giao thông nối liền Biên Hòa, Đồng Nai và ven biển Trung bộ. Từ đó, Đà Lạt bắt đầu hình thành phát triển, cho đến nay đã 115 năm.

Thành phố Đà Lạt trong quá trình hình thành và phát triển đã có những mái trường mang tên Yersin, như trường trung học Lycée Yersin thành lập tháng 6 năm 1935 (Nay là trường cao đẳng sư phạm Đà Lạt). Trường Đại học Yersin Đà Lạt thành lập tháng 10 năm 2004, trường THPT Yersin thành lập tháng 12 năm 2005, có đường phố, công viên mang tên Yersin. Đặc biệt, ngày 07/3/2008 “Lễ ký kết hợp tác chiến lược giữa Đại học Yersin – Ngân hàng Sài Gòn thương tín” đã diễn ra long trọng tại Đại học Yersin Đà Lạt.

Như vậy, các nhà lãnh đạo, quản lý, các nhà đầu tư, các nhà khoa học, các cổ đông và cán bộ nhân viên của hai bên đã đóng góp trí tuệ công sức xây dựng Trường Đại học Yersin có một vị trí xứng đáng trong nền giáo dục Đại học Việt Nam. Đó cũng là sự ghi nhận công lao của nhà khoa học, bác sĩ A. Yersin đối với Đà Lạt, đối với sự phát triển của đất nước, của nền khoa học thế giới.

Gần 50 năm sống và làm việc ở Việt Nam, 57 năm hoạt động khoa học. A. Yersin đã nghiên cứu thành công 55 công trình khoa học, gồm 40 công trình về y học (trong đó 13 công trình chuyên nghiên cứu về bệnh dịch hạch), 10 công trình nghiên cứu về các lĩnh vực sinh học, nông học (trong đó có 5 công trình nghiên cứu việc trồng và bào chế Canhkyna chữa bệnh sốt rét). Đến nay còn lưu giữ được khoảng 60 bài báo khoa học của bác sĩ A. Yersin đăng trên các tạp chí thời đó.

Thành phố Đà Lạt được như ngày nay, chúng ta vẫn nhớ đến Bác sĩ A. Yersin – Nhà khoa học chân chính mà sự nghiệp khoa học rất vẻ vang; ông rất giản dị, khiêm nhường, không hợm hĩnh háo danh. Tên tuổi, sự nghiệp của ông vẫn còn vang mãi trong giới trí thức thực thụ, và in đậm trong lịch sử hình thành thành phố Đà Lạt. Đà Lạt ngày một đẹp hơn, xứng đáng là một trung tâm văn hóa, giáo dục – đào tạo, nghiên cứu khoa học, du lịch và nghỉ dưỡng nổi tiếng của Việt Nam, các thế hệ sau sẽ mãi nhắc đến tên ông với tấm lòng cảm phục sâu sắc.

ThS. Ngô Mạnh Phụng

Trưởng phòng Công tác Sinh viên

Trà My
Phòng tuyển sinh - Truyền thông trường Đại học Yersin Đà Lạt.
27 Tôn Thất Tùng, Phường 8, Tp. Đà Lạt
0911 66 20 22 - 0981 30 91 90

Tin tức liên quan