Một trong những người Pháp được nhiều người Việt biết đến đó là Bác sĩ Alexandre Yersin (1863 – 1943). Alexandre Yersin từng là Giám đốc của Viện Pasteur tại Đông Dương.
Alexandre Yersin là một nhà khoa học nổi tiếng thế giới. Ông đã sống và làm việc tại Việt Nam hơn 50 năm và đã chọn Việt Nam làm quê hương thứ hai cho mình. Năm 2013 là năm kỷ niệm sinh nhật nhật thứ 150 của Alexandre Yersin. Ngày 01/3/2013 là ngày tưởng niệm 70 năm Alexandre Yersin qua đời. Nhân dịp này xin giới thiệu với bạn đọc về tiểu sử của Alexandre Yersin.
Một trong những người Pháp được nhiều người Việt biết đến đó là Bác sĩ Alexandre Yersin (1863 – 1943). Alexandre Yersin từng là Giám đốc của Viện Pasteur tại Đông Dương. Ông cũng là người sáng lập và là Viện Trưởng đầu tiên của Viện Đại Học Y Khoa Hà Nội. Bác sĩ Alexandre Yersin cũng là một nhà thám hiểm, một nhà nghiên cứu về canh nông và là một khoa học gia nổi tiếng trên thế giới về vi trùng học. Alexandre Yersin là người Thụy Sĩ, gốc Pháp, nhưng ông sống phần lớn cuộc đời của ông tại Việt Nam và chọn Việt Nam làm quê hương. Trong khi nhiều người biết Alexandre Yersin là một nhà khoa học nổi tiếng thì rất ít người biết ông là người Tin Lành, và ít người biết động cơ chính yếu đã thúc đẩy Alexandre Yersin đến Việt Nam.
Theo Giáo sư Đoàn Xuân Mựu, cựu Giám đốc Viện Dịch Tễ Đà Lạt và là một người gần gũi với Alexandre Yersin đã khẳng định Alexandre Yersin là một tín hữu Tin Lành có niềm tin sâu sắc. Sau vụ thảm sát những người Tin Lành Huguenots tại Pháp vào năm 1572, Hoàng đế Henry Đệ IV ban sắc chỉ cho phép người Tin Lành được phép thờ phượng trong giới hạn tại Pháp (Edict of Nantes – 1598). Tuy nhiên, đến năm 1685, vua Louis XIV thu hồi chiếu chỉ này, ban hành một chiếu chỉ mới gọi là Edict of Fontainnebleau. Sắc lệnh của vua Louis XIV đặt người Tin Lành ra ngoài vòng pháp luật, cho các tín hữu Tin Lành Pháp hai sự chọn lựa: Một là từ bỏ đạo Tin Lành trở lại Công giáo, hai là rời khỏi nước Pháp. Trước hoàn cảnh đó, tổ tiên của Yersin đã lánh nạn sang Thụy Sĩ. Yersin là hậu duệ đời thứ tám của những người Tin Lành Huguenots này. Học giả Thái Văn Kiểm, cựu Tỉnh Trưởng tỉnh Khánh Hòa, trong bài viết Thân Thế và Sự Nghiệp Bác Sĩ Alexandre Yersin (1863 – 1943) cũng xác nhận chi tiết trên.
1. Tiểu Sử
Alexandre Yersin sinh ngày 22/9/1863 tại Lavaux, một làng nhỏ tại tổng Vaud của Thụy Sĩ. Vào nửa đầu của thế kỷ thứ 19, các nhà truyền giáo Tin Lành tại Trung Hoa thường kêu gọi những thanh niên có trình độ học vấn tham gia vào chương trình truyền giáo qua phương tiện y khoa. Đáp lời kêu gọi đó, sau khi tốt nghiệp trung học, Yersin theo học y khoa tại Đại học Lausanne được một năm (1883-1884). Năm 1884, Yersin sang Đức học y khoa tại Đại học Marburg. Đây là trường đại học xưa nhất do người Tin Lành sáng lập từ năm 1527, là trường đại học y khoa rất uy tín tại Đức. Tại đây, Yersin theo học với Emil Adolf von Behring, người vài năm sau đó đã đoạt giải Nobel Y Khoa đầu tiên của thế giới (1901). Một thời gian sau, Alexandre Yersin sang Paris (1885 – 1888) thực tập.
Năm 1886, Yersin gặp Louis Pasteur nhà nghiên cứu vi trùng học nổi tiếng nhất thế giới vào thời đó. Ngưỡng mộ tài năng của Pasteur, Yersin xin vào làm nhân viên kỹ thuật của phòng thí nghiệm Pasteur tại École Normale Supérieure để có cơ hội nghiên cứu. Tại đây, Yersin trở thành phụ tá của Emile Roux, một học trò thân tín của Pasteur. Năm 1888, Yersin hoàn tất luận án tiến sĩ với đề tài Etude sur le Développement du Tubercule Expérimental (Nghiên Cứu Về Sự Phát Triển Của Bệnh Lao Bằng Thực Nghiệm). Luận án của Yersin rất ngắn chỉ hơn 20 trang với 6 minh họa, nhưng đây là những khám phá mới và quan trọng của ngành y khoa nên Yersin được ban Giáo sư của trường Đại Học Y Khoa Paris tặng huy chương đồng vào năm 1889. Trong thời gian chờ bảo vệ luận án, Alexandre Yersin cộng tác với nhóm nghiên cứu của Emile Roux nghiên cứu về các độc tố bạch hầu. Alexandre Yersin và Emile Roux sang Đức làm việc vài tháng, đây là những nghiên cứu tiên phong của ngành vi trùng học vào thời đó. Như đã nói ở trên, vị giáo sư dạy ông trong lĩnh vực này về sau đã được trao giải Nobel về y khoa là Emil Adolf von Behring (Nobel 1901).
Louis Pasteur và Emile Roux quí mến ý chí, tính tình và tài năng của Yersin. Hai khoa học gia này muốn mời Yersin cùng nghiên cứu lâu dài nên đã khuyên Yersin nhập quốc tịch Pháp để được phép ở lại làm việc tại Pháp. Yersin đã làm theo lời khuyên của những người bảo trợ mình. Yersin nhập tịch Pháp vào năm 1888, tuy nhiên ông có một dụng ý xa hơn. Hơn một năm sau khi Alexandre Yersin tốt nghiệp, ngày 14/11/1889 Viện Pasteur tại Paris được khánh thành. Yersin được mời vào làm việc tại đây với vai trò là cộng sự viên của Emile Roux. Ngoài việc nghiên cứu, Alexandre Yersin còn có trách nhiệm dạy môn vi sinh vật cho các sinh viên. Emile Roux và Alexandre Yersin là những người đầu tiên soạn giáo trình và dạy môn vi sinh vật trên thế giới.
2. Động Lực Đến Đông Dương
Mới 26 tuổi, tốt nghiệp với văn bằng tiến sĩ y khoa, được mời làm việc trong một viện nghiên cứu y khoa nổi tiếng, tại một thành phố tráng lệ vào thời đó, cuộc sống tốt đẹp và tương lai sáng lạng dọn sẵn cho nhà khoa học trẻ tuổi. Tuy nhiên, Alexandre Yersin không dừng lại ở đó, ông đi theo một tiếng gọi cao cả hơn. Từ nhỏ, Alexandre Yersin ngưỡng mộ David Livingstone (1813 – 1873), một bác sĩ và là một nhà truyền giáo Tin Lành người Anh. David Livingstone là một trong những người đã sốt sắng hưởng ứng việc truyền giáo qua phương tiện y khoa. Đáp ứng lời kêu gọi của Mục sư Charles Gützlaff, một nhà truyền giáo Tin Lành tại Trung Hoa, David Livingstone đã thuyết phục cha của ông cho ông học y khoa và sau đó sẽ tình nguyện đi truyền giáo qua lãnh vực y khoa tại Trung Hoa. Chẳng may sau khi David Livingstone tốt nghiệp, cuộc Chiến tranh Nha Phiến diễn ra tại Trung Hoa. Vì tình hình tại Trung Hoa bất an nên Hội Truyền Giáo London quyết định gởi Livingstone sang Châu Phi.
Khi đến Châu Phi, bên cạnh chức vụ giáo sĩ trong lĩnh vực y khoa, David Livingstone đã trở thành một nhà thám hiểm. Ông thực hiện nhiều chuyến hành trình xuyên Châu Phi. Ông khám phá thượng nguồn sông Nile và giúp cho thế giới biết về vẻ đẹp và sự phong phú của châu Phi. Sau khi nổi tiếng, David Livingstone dùng uy tín của mình để đấu tranh cho việc bãi bỏ nô lệ, cải tổ chế độ phong kiến và cổ võ cho việc kinh doanh. Để thay đổi Phi Châu, lúc đó được gọi là lục địa đen, khỏi tình trạng hoang sơ, David Livingstone đã hoạt động với phương châm bắt đầu bằng ba chữ C: “Christianity, Commerce and Civilization” (Cơ Đốc giáo, Kinh Doanh và Khai Hóa).
Noi gương David Livingstone, Alexandre Yersin cũng học y khoa và chờ ngày đi truyền giáo. Ông giấu kín ý định đi truyền giáo của mình cho bạn bè và những người cộng sự. Ngoài chuyện học hành nghiên cứu, Yersin đã dành nhiều thì giờ nghiên cứu bản đồ Trung Hoa và Đông Dương. Thế kỷ 19 là thế kỷ phấn hưng của phong trào truyền giáo Tin Lành. Các giáo sĩ tiên phong thường kêu gọi các thanh niên Châu Âu tận hiến cuộc đời để truyền bá tình yêu của Chúa cho những dân tộc tại các quốc gia xa xôi. Phong trào phục hưng trong cộng đồng Tin Lành khởi đầu từ thập niên 1730 tại Anh với các Mục sư John Wesley và George Whitefield. Trong suốt hơn 150 năm kế tiếp, các giáo sĩ Tin Lành đã hoạt động gần như mọi miền trên thế giới, tuy nhiên có vài nơi có đông dân nhưng các giáo sĩ Tin Lành vẫn chưa đặt chân tới.
Vào cuối thế kỷ 19, các tạp chí truyền giáo thường đăng lời kêu gọi: Sudan, Tây Tạng và Đông Dương là những khu vực rộng lớn đông dân nhưng vẫn chưa có giáo sĩ Tin Lành nào đến hoạt động. Alexandre Yersin và Albert Schweitzer – người nhận giải Nobel Hòa Bình 1952 – là những bác sĩ Tin Lành đã đáp ứng lời kêu gọi đó. Alexandre Yersin đến Đông Dương và Albert Schweitzer đến Gabon, Châu Phi. Bên cạnh việc chia xẻ tình yêu của Chúa cho những dân tộc đang sống trong vùng đất xa xôi, những người này đã dùng những kiến thức y tế và khoa học nâng cao cuộc sống của các dân tộc đó.
Làm việc tại Viện Pasteur Paris chưa trọn một năm, tháng 9 năm 1890 Alexandre Yersin từ chức lên tàu Messangeries Maritimes sang Đông Dương. Vì không hiểu động lực sâu kín của Yersin, các cộng sự viên và bạn bè ông kinh ngạc khi ông từ bỏ công việc nghiên cứu, giảng dạy và một vị trí quan trọng tại viện Pasteur nổi tiếng tại Paris để làm một bác sĩ trên một chiếc tàu viễn dương. Sau khi Yersin ra đi, Louis Pasteur viết trong nhật ký vào ngày 21/10/1890 như sau: “Sự thôi thúc đi đến các quốc gia xa xôi thình lình cuốn hút Yersin, và không có cách nào để giữ anh ở lại với chúng ta.”
Là người Tin Lành gốc Pháp, Alexandre Yersin hiểu được những khó khăn mà người Tin Lành phải đối diện khi sống trong lãnh thổ Pháp. Yersin biết được lý do lúc đó vì sao tại Đông Dương những nhà truyền giáo Tin Lành không được phép hoạt động. Do đó, Yersin không xin làm giáo sĩ cho Hội truyền giáo Luân Đôn hoặc Pari, những cơ quan truyền giáo Tin Lành. Yersin chỉ xin nhập quốc tịch Pháp như Sứ Đồ Phao Lô trong Thánh Kinh dùng quốc tịch Roma và nghề may trại của mình đi từ nơi này sang nơi khác hầu việc Chúa, Alexandre Yersin đến Đông Dương với tư cách là một khoa học gia Pháp chứ không phải là một nhà truyền giáo Tin Lành thuần túy. Tháng 10 năm 1890, Yersin đến Sài Gòn, tháng 7 năm 1891, trên chuyến tàu từ Sài Gòn đi Hải Phòng, Yersin bị chinh phục bởi vẻ đẹp của bờ biển Nha Trang. Yersin đã chọn thị trấn ven biển này làm nơi định cư.
3. Thời Gian Đầu Tại Việt Nam
Theo gương David Livingstone, vài tháng sau khi đến Nha Trang, Yersin bắt đầu chuyến thám hiểm đầu tiên. Vì đã đi lại nhiều lần dọc bờ biển Việt Nam bằng đường thủy, Yersin tin rằng ông sẽ tìm được đường bộ từ Nha Trang vào Sài Gòn. Từ Nha Trang, Yersin cưỡi ngựa vào Phan Rí (Bình Thuận). Từ đây, ông thuê một người sắc tộc giúp ông vượt rừng lên cao nguyên Lâm Đồng. Trong cuộc thám hiểm này, Yersin dự định tìm đường lên thượng nguồn sông Đồng Nai rồi từ đó xuôi dòng về Sài Gòn. Đoạn đường dài khỏang 500 cây số. Sau hai ngày gian nan, người dẫn đường dẫn Yersin đến Djiring (Di Linh), nhưng người này từ chối không chịu đi tiếp vì nguy hiểm. Yersin phải một mình quay lại Phan Thiết rồi từ đó trở ra Nha Trang. Thất bại không làm Yersin nản lòng, ông đã chuẩn bị chuyến thám hiểm khác. Năm 1891, Albert Calmette, một học trò của Emile Roux, được cử sang Đông Dương thành lập phòng thí nghiệm của Viện Pasteur tại Sài Gòn. Biết được Alexandre Yersin là một nhân tài, Louis Pasteur và Emile Roux đã dặn Albert Calmette cố gắng mời Alexandre Yersin quay lại con đường nghiên cứu. Trước lời khuyên của các đồng nghiệp, Alexandre Yersin nhận lời làm việc cho Sở Y Tế Thuộc Địa tại Sài Gòn. Mối quan hệ giữa Albert Calmette và Alexandre Yersin được hình thành từ đó. Luận án tiến sĩ của Yersin nghiên cứu về nguồn gốc bệnh lao. Về sau, Albert Calmette cùng với Camille Guérin đã nghiên cứu và chế ra thuốc chủng ngừa bệnh lao mang tên Bacillus Calmette-Guérin (BCG).
4. Thám Hiểm Đông Dương
Động lực khiến Yersin đến Đông Dương không lọt khỏi tầm mắt của chính quyền Pháp. Biết được khả năng của Yersin, chính quyền Pháp tại Đông Dương đã khéo léo dùng ông cho mục đích của họ. Toàn quyền Đông Dương Jean Marie Antoine de Lanessan đã nhờ Yersin lãnh đạo ba cuộc thám hiểm xuyên vùng cao nguyên Việt Nam và về sau chính quyền Pháp yêu cầu Yersin làm những công việc cao quý khác, có lợi cho chính quyền Pháp và để ông không còn nhiều thời giờ cho việc truyền giáo. Ngày 29/3/1892, chính quyền Đông Dương yêu cầu Alexandre Yersin thực hiện chuyến thám hiểm đầu tiên. Tại Châu Phi có sông Nile, tại Đông Dương có sông Cửu Long. Từ Nha Trang, Yersin ra Ninh Hòa rồi vượt vùng núi Pleiku (Gia Lai), Kon Tum, theo hướng tây bắc tiếp tục đi đến sông Cửu Long tại Stung Treng thuộc miền bắc Campuchia. Từ đó, Yersin thuê thuyền xuôi dòng xuống Phnom Penh vào ngày 15/5/1892. Sau đó, Yersin đi tiếp ra Phú Quốc rồi từ đó về Sài Gòn. Thành công của chuyến thám hiểm đầu tiên khiến Toàn quyền Jean Marie Antoine de Lanessan trao cho Yersin trách nhiệm khảo cứu việc mở một con đường từ Sài Gòn lên cao nguyên Trung Phần (Tây Nguyên). Trong chuyến thám hiểm thứ hai này, Yersin đi đường bộ từ Biên Hòa ra Đồng Nai, lên Di Linh rồi đi tiếp đến cao nguyên Lâm Viên (Lâm Đồng). Trong nhật ký ngày 21/6/1893 ghi lại hành trình chuyến đi, Yersin cho biết, có vài làng của người sắc tộc Lạch (D’Lat) nằm rải rác trong vùng này. “Từ trong rừng thông bước ra tôi sửng sờ khi đối diện một bình nguyên hoang vu giống như mặt biển tràn đầy những làn sóng màu xanh lá cây. Sự hùng vĩ của rặng Lang Bian hòa lẫn vào đường chân trời tây bắc tạo nên bối cảnh tráng lệ, gia tăng vẻ đẹp của vùng đất này.”
Trước phong cảnh xinh đẹp, khí hậu mát dịu, có hồ, thác nước, rừng thông, Yersin nhớ lại quê hương tại Thụy Sĩ. Yersin nghĩ rằng đây là một nơi rất tốt để xây dựng một thành phố nghỉ mát. Ông đề nghị chính quyền Pháp tại Đông Dương nên làm điều đó. Về sau Toàn quyền Paul Doumer trong nỗ lực phát triển kinh tế Đông Dương đã thực hiện đề nghị của Yersin. Vùng đất của người D’Lat đã ở là thành phố Đà Lạt ngày nay. Cuối thập niên 1930, người Pháp dự định phát triển Đà Lạt thành thủ đô mới của Đông Dương. Sau đó chiến tranh thế giới thứ II diễn ra và Pháp không còn kiểm soát Đông Dương nên dự án này bị hủy bỏ.
Nhiều người muốn biết tên Đà Lạt xuất phát từ đâu? Có người cho rằng đó là chữ viết tắt của Dat Aliis Laetitiam Aliis Temperem – “Nơi mang lại niềm vui cho một số người và đem lại sức khỏe cho những người khác.” Tuy nhiên, tên Đà Lạt xuất phát từ chữ D’Lat trong nhật ký của Yersin. Theo Mục sư Phạm Xuân Tín, một nhà truyền giáo Tin Lành kỳ cựu tại cao nguyên miền Trung Việt Nam và cũng là một nhà ngôn ngữ học đã đặt chữ viết cho các sắc tộc thiểu số, Đa có nghĩa là xứ, Lạt là Lạch. Đa Lạt là xứ của người Lạch (một nhánh của sắc tộc Cơho). Về sau, người Việt viết thành Đà Lạt. Thành ngữ La Tinh là do những người Châu Âu đặt ra từ tên Đà Lạt khi họ kinh nghiệm được những ích lợi của thành phố này. Một tên khác cũng có cùng nguồn gốc tương tự. Dran hay Đơn Dương là tên một thị trấn nhỏ thuộc tỉnh Lâm Đồng và D’Ran hay Đà Rằn là tên một con sông nhỏ ở Di Linh.
Cuối năm 1893, Yersin thực hiện cuộc thám hiểm thứ ba dọc cao nguyên Trường Sơn. Từ Biên Hòa đến Đà Lạt, Yersin đi tiếp đến cao nguyên Đắc Lắc, vào tỉnh Attopeu phía nam của nước Lào. Từ đó, ông đi về hướng đông ra biển. Yersin đến Đà Nẵng vào ngày 17/5/1894. Cuộc khảo sát lần thứ ba này thăm dò một vùng đất rộng lớn trải rộng từ vĩ tuyến 11 ở phía nam đến vĩ tuyến 16 ở phía bắc, và từ sông Mekong ở phía tây đến bờ biển Việt Nam ở phía đông.
5. Cống Hiến Cho Y Khoa Thế Giới
Yersin chuẩn bị cho cuộc thám hiểm thứ tư, ông dự định khảo cứu các vùng núi cao tại Cao Bằng, Lạng Sơn qua các tỉnh Quảng Đông, Vân Nam Trung Hoa tìm đến thượng nguồn sông Cửu Long. Tuy nhiên, chuyến khảo cứu thứ tư này phải bỏ dỡ vì trong năm 1894, dịch hạch bộc phát tại Quảng Đông giết chết khoảng 60.000 người. Sau đó, dịch hạch lan tràn tại Hong Kong và có nguy cơ lây sang Đông Dương. Tỷ lệ tử vong của trận dịch năm 1894 rất cao: 95% người nhiễm bệnh chết. Trước tình hình đó, chính quyền Pháp cử Yersin đến Hong Kong để nghiên cứu và tìm cách giúp đỡ.
Yersin rời Sài Gòn đi Hải Phòng ngày 02/6/1894, từ đó ông đón tàu đi Hong Kong. Khi Yersin đến nơi, gần phân nửa dân số Hong Kong đã di tản. Yersin lập một phòng thí nghiệm dã chiến tại Hong Kong và tập trung nghiên cứu nguồn gốc dịch hạch. Với khả năng chuyên môn về vi trùng học, chỉ trong một tuần lễ, ngày 20/6/1894, Yersin đã phát hiện ra mầm bệnh hạch. Về sau các khoa học gia đặt tên trực khuẩn đó là yersina pestis, theo tên của Yersin. Yersin là người đầu tiên chứng minh trực khuẩn này sống trong chuột và có thể lây sang người. Nguồn gốc dịch hạch đã giết hàng trăm triệu người trên thế giới suốt mấy ngàn năm qua đã được Yersin khám phá. Việc khám phá ra vi trùng bệnh dịch hạch làm Yersin nổi tiếng, tuy nhiên, điều quan trọng đối với ông không phải là việc tìm ra mầm bệnh mà là làm thế nào để tìm thuốc chữa bệnh. Là một người nhạy cảm và đầy lòng yêu thương, trước việc chứng kiến hàng chục ngàn người phải chết vì dịch hạch vào năm đó, năm 1895 Alexandre Yersin gạt bỏ những dự tính khác qua một bên, ông trở lại Viện Pasteur Paris cộng tác với Émile Roux, Albert Calmette và Amédée Borrel tìm cách chế huyết thanh chữa bệnh dịch hạch. Sau khi việc nghiên cứu hoàn tất, vài tháng sau, Yersin quay lại Nha Trang thành lập một phòng thí nghiệm để chế tạo huyết thanh tại Đông Dương. Yersin tin rằng nếu Đông Dương có khả năng sản xuất đủ huyết thanh với lượng lớn thì giúp ích rất nhiều cho việc chữa trị khi dịch bệnh xảy ra tại Trung Hoa, bởi vì chỉ trong vài ngày thuốc có thể đến tay người bệnh, trong khi đó, nếu chở thuốc từ Pháp gởi sang thì phải mất hằng tháng và người nhiễm bệnh sẽ không sống sót trong khoảng thời gian đó. Cùng với phòng thí nghiệm của Albert Calmette ở Sài Gòn, cơ sở nghiên cứu tại Nha Trang là tiền thân của Viện Pasteur Đông Dương.
Để có huyết thanh chế tạo thuốc, cần phải có nhiều máu. Với uy tín sẵn có, Yersin xin chính quyền Đông Dương cấp đất để ông lập một trại nuôi ngựa cho mục đích này. Năm 1896, chính quyền Đông Dương cấp cho Yersin trại Suối Dầu. Ba năm sau (1899), Thường Trú Sứ của Pháp tại Trung Kỳ cấp cho Yersin thêm 500 mẫu đất tại Khánh Hiệp gần Diên Khánh (Khánh Hòa). Huyết thanh sản xuất từ những trại nuôi ngựa này đã giúp cứu sống hằng trăm người mắc bệnh dịch hạch tại Ấn Độ và Trung Hoa trong những năm về sau.
Alexandre Yersin tại Amsterdam – Hà Lan