Nói đến bác sĩ (BS) A.Yersin, mỗi người dân Nha Trang đều luôn cảm thấy tự hào. Ông là nhà khoa học vĩ đại của nhân loại, đồng thời là một công dân ưu tú của Nha Trang.
Nha Trang – quê hương thứ hai
BS A.Yersin sinh ngày 22-9-1863 tại Thụy Sĩ, năm 1888 ông nhập quốc tịch Pháp và thi đỗ BS y khoa tại Paris. Năm 1891, ông đặt chân đến Nha Trang và đã có khoảng thời gian gần nửa thế kỷ sinh sống và làm việc ở đây cho đến ngày mất (1-3-1943). Những năm tháng chọn Nha Trang làm quê hương thứ hai của mình cũng là khoảng thời gian ghi dấu sự nghiệp của ông, một nhà khoa học vĩ đại của nhân loại, cũng như những đóng góp to lớn của ông đối với dân tộc Việt Nam.
Cách đây hơn 120 năm, Nha Trang vẫn còn là một vùng đất hoang sơ, xung quanh là rừng rậm, thú dữ, dân cư thưa thớt. Những xóm chài sống rải rác ven biển, đông nhất vẫn là khu vực Xóm Cồn hiện nay. Một ngày cuối tháng 3-1891, trên mảnh đất này xuất hiện một người đàn ông phương Tây lạ lẫm, đó chính là A.Yersin. Vốn là một người có niềm say mê thám hiểm, sau khi vượt qua chặng đường dài từ nước Pháp đến nhiều nước trên thế giới, ông đã quyết định dừng chân ở đây. Điều gì đã níu bước chàng trai trẻ Yersin ở lại xóm chài nghèo này? Đó có lẽ là khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp với phong cảnh sông núi kỳ thú, thời tiết, khí hậu thích hợp cho công việc nghiên cứu của ông. Hành trang ông mang theo là tấm bằng BS y khoa cùng những kinh nghiệm khi làm việc chung với nhà bác học Louis Pasteur; Emile Roux và bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ với suy nghĩ “khi người ta còn trẻ, hình như không có gì là không làm được”.
Người đặt móng cho nền tây y ở Việt Nam
Đến Nha Trang, ông dựng một ngôi nhà nhỏ làm cơ sở nghiên cứu, thí nghiệm vi trùng học đầu tiên tại Việt Nam. Năm 1893, nạn dịch hạch bùng nổ khắp vùng Viễn Đông, Yersin quyết định đi thẳng đến Hồng Kông để nghiên cứu. Tháng 6-1894, BS Yersin đã thành công khi tìm ra vi trùng dịch hạch và được thế giới đặt tên là Yersinina Pestis (vi trùng mang tên ông). Trở về Việt Nam, BS Yersin đã phối hợp với BS Calmette (người sáng lập chi nhánh đầu tiên của Viện Pasteur Paris tại Sài Gòn) lập phòng thí nghiệm vào tháng 8-1895, tiền thân của Viện Pasteur Nha Trang.
Theo Giáo sư Nguyễn Thị Thế Trâm – nguyên Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang, Chủ tịch Hội Ái mộ Yersin: “Phương tiện làm việc của BS Yersin lúc đầu thật quả khiêm tốn. Một căn nhà làm bằng vật liệu tạm bợ, chừng 20 con ngựa để làm huyết thanh và duy nhất một BS thú y”. Những ngày đầu, phòng thí nghiệm của ông gặp nhiều khó khăn khi BS thú y Pescas qua đời, nhiều con ngựa dùng để sản xuất huyết thanh cũng ngã chết vì dịch bệnh không rõ nguyên nhân. Nhưng Yersin vẫn không nản lòng, ông tiếp tục nâng cấp phòng thí nghiệm của mình và hướng tới việc lập chi nhánh ở khu vực Suối Dầu hiện nay. Từ chăn nuôi bò, ngựa, khai thác các loại cây dùng làm thuốc, ông đã biến phòng thí nghiệm của mình thành một cơ sở đa năng. Từ đó dần phát triển thành Viện Pasteur Nha Trang. “Viện Pasteur Nha Trang những ngày đầu đã có khuynh hướng đặc biệt là chuyên nghiên cứu về các bệnh nhiễm trùng của gia súc, cách phòng và điều trị”, Giáo sư Nguyễn Thị Thế Trâm cho biết.
Từ việc sáng lập Viện Pasteur Nha Trang, ông đã có những đóng góp vào việc thành lập các Viện Pasteur ở Hà Nội, Đà Lạt, và làm quản lý hệ thống các Viện Pasteur ở Đông Dương. BS Yersin còn là người sáng lập Trường Y khoa Đông Dương (tiền thân của Trường Đại học Y Hà Nội) vào ngày 27-2-1902 và là hiệu trưởng đầu tiên của trường. Bằng cái tâm và tầm nhìn của một nhà khoa học, vào thời bấy giờ, BS Yersin đã vượt qua những âm mưu của chính quyền thực dân để cơ sở đào tạo này có sự phát triển toàn diện. Ông cho sinh viên học tất cả các môn cơ bản để nâng dần kiến thức về phương Tây chứ không theo ý định dạy những môn thuần túy y học của nhà cầm quyền. Học sinh Trường Y khoa Đông Dương khi đi học được đeo thẻ bài ngà như những quan lại trong triều đình. Quy chế của trường được ông xây dựng tương đương như quy chế ở Trường Y khoa Paris. Các sinh viên xuất sắc của trường được gửi sang Pháp thi BS thử sức với sinh viên Pháp. Nhờ thế, Việt Nam đã có nhiều BS tài giỏi như: Hồ Đắc Di, Đặng Văn Ngữ, Tôn Thất Tùng… Đây chính là những nền tảng để xây dựng nên một nền y học phương Tây ở Việt Nam phát triển như hôm nay.
Công đầu trong trồng cây cao su và di thực cây canh ki na
Năm 1895, BS Yersin lập trại chăn nuôi Suối Dầu (huyện Cam Lâm). Ở đây, ông đã trồng thử nhiều loại cây khác nhau, nhưng chỉ thực sự bị cây cao su chinh phục. Năm 1897, ông mang 200 cây cao su đầu tiên trồng thử trong đồn điền của mình và nhanh chóng nhận thấy triển vọng từ loại cây này. Trong một bức thư gửi cho Emile Roux ở Pháp, ông khẳng định: “Tôi tin chắc cây cao su hiện nay là cây mọc tốt nhất trong đồn điền của chúng ta… Tôi ước mong, một cây cao su trưởng thành cho trên 1kg mủ khô mỗi năm và mỗi héc-ta có tối thiểu 400 cây”. Sở dĩ nói Yersin có công đầu trong việc trồng cây cao su, đó là ngoài việc trồng thành công cây cao su ở Suối Dầu cho năng suất, chất lượng mủ cao, ông còn có sự liên kết chặt chẽ giữa đồn điền với các phòng thí nghiệm và các công ty tiêu thụ cao su. Nhờ vậy, sau hơn thế kỷ có mặt ở Việt Nam, cây cao su đang là một trong những cây công nghiệp cho nguồn thu lớn.
Với cây canh ki na (quinquina), trước khi được BS Yersin nhập vào trồng ở miền Nam, Toàn quyền Đông Dương Paul Bert cũng đã thí điểm trồng ở miền Bắc vào năm 1886, nhưng không thành công. Bản thân BS Yersin dù biết đưa cây canh ki na vào sẽ rất có lợi cho người dân Đông Dương và một số thuộc địa khác, nhưng những thử nghiệm ban đầu của ông cũng không phải đã nhận được kết quả tích cực. Từ ước vọng đưa cây canh ki na vào trồng ở Việt Nam, ông đã bỏ công đi tìm được vùng đất phù hợp với tập tính sinh trưởng và kết quả Yersin đã tìm ra Hòn Bà (huyện Cam Lâm) ở độ cao 1.500m. Những hạt giống và 30 cây canh ki na ghép nhanh chóng được đưa từ vườn thực vật Buitenzorg (Pháp) lên trồng ở Hòn Bà. Thời gian đầu, những cây ghép mọc không tốt, còn những cây ươm hạt đều phát triển khỏe. Tuy nhiên, tốc độ phát triển của tất cả các cây dần chậm lại, lá cây nhiễm nấm mốc. Không nản lòng, ông quyết định chuyển việc thực nghiệm sang vùng Đồng Nai Thượng (Lâm Đồng). Kết quả, cây canh ki na đã phát triển tốt ở vùng đất này.
Có thể nói, việc chủ động trồng được cây canh ki na cũng đồng nghĩa với việc chủ động được nguồn sunfat kí ninh kết tinh dùng để bào chế thuốc chống sốt rét, một căn bệnh phổ biến ở Việt Nam trong một thời gian dài. Điều này cho thấy sự cống hiến của BS Yersin vào nền nông nghiệp, y học Việt Nam là rất to lớn.
Nhân Tâm