https://admin.yersin.edu.vn//Uploads/files/2022-06/2.-logo-website01(4).png

GƯƠNG SÁNG SINH VIÊN

TRANG CHỦ Trang Sinh viên GƯƠNG SÁNG SINH VIÊN
GƯƠNG SÁNG SINH VIÊN
Ngày đăng 16/08/2011

Nguyễn Thị Dung – Vượt lên từ nghị lực

Nếu một từ có thể diễn tả cùng lúc cảm giác hạnh phúc, ngưỡng mộ, xót xa, hổ thẹn, bất lực, vui mừng, yêu thương, căm tức, thì đó sẽ là từ tôi cần đến lúc này để diễn đạt cảm xúc của tôi mỗi khi tôi nghĩ về cuộc sống của em

Nếu một từ có thể diễn tả cùng lúc cảm giác hạnh phúc, ngưỡng mộ, xót xa, hổ thẹn, bất lực, vui mừng, yêu thương, căm tức, thì đó sẽ là từ tôi cần đến lúc này để diễn đạt cảm xúc của tôi mỗi khi tôi nghĩ về cuộc sống của em – cô sinh viên khoa Điều dưỡng trường Đại học Yersin Đà Lạt, nơi tôi đang công tác.

Tên em là Nguyễn Thị Dung. Quê em ở Thanh Hóa, vùng đất anh hùng mặn đắng nước mắt chiến tranh nhưng thơm ngát mùi hương của nhựa sống và nghị lực. Nghị lực! Người ta nói nhiều, viết nhiều về nghị lực, nhưng không phải ai cũng may mắn có được nghị lực hoặc được trực tiếp cảm nhận cái trong lành, bền bỉ và mạnh mẽ của nó. Dung là một sinh viên giàu nghị lực sống và phấn đấu hơn tất cả những sinh viên tôi biết. Tôi thấy mình may mắn vì đã biết em, may mắn vì đã thực sự hiểu thế nào là nghị lực sống.

Dung từng viết về bản thân mình: “Mặc dù sống trong một gia cảnh nghèo khó và gặp nhiều gian nan nhưng chưa có một giây phút nào tôi không tự hào về nó. Tôi là con gái út trong nhà nhưng giờ đây thì tôi lại là một trụ cột, là niềm tin duy nhất của gia đình mình”. Dung sinh ra trong một gia đình có 4 chị em. Trước đây bố em là một chiến sĩ, một anh bộ đội cụ Hồ. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bố em đã bị nhiễm chất độc màu da cam, gây ảnh hưởng nặng nề đến hệ thần kinh. Bóng ma chiến tranh có cái tên là “màu da cam” ấy đã cướp đi lý trí và tâm thần của ông, làm cho ông không nhận biết được mọi người xung quanh, dù đó là vợ con – những người thân yêu nhất của mình. Từ bé em đã không được nghe tiếng bố nói, chưa từng được nói chuyện với bố. Bóng ma ấy còn đè nặng lên gia đình của em khi người chị lớn của em cũng chịu ảnh hưởng của di chứng chất độc màu da cam, bị tật nguyền ở đôi mắt và bị tổn thương nặng nề ở hai lá phổi. Hai người chị tiếp theo của em chỉ được học đến cấp 2 hoặc cấp 3 và đã lập gia đình ở xa. Người mà Dung xót thương hơn cả chính là mẹ, người đã luôn tần tảo lo từng bữa ăn cho cả gia đình, người đã hy sinh tuổi thanh xuân của mình để chăm sóc anh thương binh bị nhiễm chất độc màu da cam – người mà sau đó bà đã lấy làm chồng. Cả gia đình gồm ông bà nội, bố, chị và em đều trông nhờ vào sự tảo tần của mẹ. Trong 4 chị em, chỉ có mình Dung được học đại học. Quyết định đi học đại học là một quyết định khó khăn, bởi điều đó có nghĩa là em đã phải chấp nhận vay tiền để được học, sau khi tốt nghiệp sẽ đi làm để trả nợ. Tuy vậy, em vẫn xin mẹ được đi học đại học để theo đuổi ước mơ của mình và quan trọng hơn là hi vọng vào ngày mai tươi sáng hơn, hi vọng sau khi tốt nghiệp, em sẽ có điều kiện để giúp đỡ một phần khó khăn cho gia đình và làm được nhiều điều có ích cho xã hội. Để lo cho em được học đại học, mẹ em đã phải vay mượn khắp nơi, tìm cả đến những nơi cho vay nặng lãi. Và rồi hàng tháng, vừa phải lo cho người chồng và người con gái đầu ốm nặng, vừa phải lo cho em học xa nhà, bà chỉ có thể gửi cho em một triệu đồng. Khoản tiền này Dung luôn nâng niu và chắt chiu sử dụng, trang trải cho tất cả mọi sinh hoạt, chi tiêu trong tháng của mình.

Một cô bé có nụ cười tươi hiền lành, đôi mắt trong sáng sau cặp kính cận, dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, luôn khoác trên mình chiếc áo xanh thanh niên tình nguyện là một hình ảnh bình thường chúng ta dễ bắt gặp trong bất cứ một trường Đại học nào của Việt Nam. Nhưng một cô bé như vậy mà có một tính cách chân thành, mộc mạc, chan hòa với mọi người; một đạo đức trong sáng và một trí tuệ sắc sảo thì đó quả là một người đáng để chúng ta ngước nhìn bằng ánh mắt yêu quý và ngưỡng mộ, và là một sinh viên đáng để mọi trường Đại học phải hãnh diện. Và Dung đúng là niềm tự hào mà trường chúng tôi may mắn có được.

Đầu năm học 2009 – 2010, sau khi tốt nghiệp phổ thông, Dung chọn trường Đại học Yersin Đà Lạt để theo học bậc học đại học vì nơi đây có ngành điều dưỡng – ngành học mà em yêu thích từ khi còn là đứa trẻ và cũng bởi qua lời kể của những người lớn tuổi, em đã yêu thích khí hậu và con người Đà Lạt. Sau học kỳ đầu tiên, em đã thật sự yêu quý ngôi trường này.

Đôi khi người ta phải đánh đổi điều gì đó để đạt được điều gì đó. Nhưng đôi khi người ta chỉ cần cố gắng sống tốt không tham vọng, để rồi những điều tốt đẹp sẽ tự nhiên đến với họ. Với mong muốn sẽ thực sự có ích cho xã hội, với ước ao có thể cống hiến cho sự nghiệp của một điều dưỡng viên lành nghề, và với quyết tâm sẽ sống xứng đáng với sự kỳ vọng của gia đình, cô sinh viên Nguyễn Thị Dung của trường chúng tôi đã miệt mài học tập, rèn luyện. Cuộc đời đáp lại sự phấn đấu tốt đẹp vô tư của cô bé ấy bằng những bằng khen, những danh hiệu không nhỏ, có sức mạnh động viên và tiếp bước cho những thành công trong tương lai của em. Với kết quả học tập luôn đạt hơn 8.5, Dung là sinh viên có kết quả học tập cao nhất mà khoa Điều dưỡng của trường chúng tôi từng có. Không muốn đề cao thành tích và coi đó là thước đo năng lực của một con người nhưng tôi phải nói thêm rằng bản chất và nguyên liệu làm nên những thành tích học tập của Dung là một thái độ học tập hết sức nghiêm túc, một phương pháp học tập rất tích cực, một nỗ lực tìm tòi, luyện tập và tiếp thu sâu kiến thức. Em đã được nhà trường khen tặng danh hiệu “Sinh viên Giỏi” qua các học kỳ, năm học và được nhận học bổng Ươm mầm ước mơ của Ngân hàng Sài gòn Thương tín Sacombank trao tặng trong dịp Lễ khai giảng năm học 2010 – 2011.

Bên cạnh việc nỗ lực, phấn đấu đạt kết quả cao trong học tập, rèn luyện, em còn tích cực tham gia công tác Đoàn, Hội của Trường. Em tâm sự: “Từ khi tham gia công tác Đoàn của trường, em như tìm thấy niềm vui sống và niềm động viên lớn. Em không còn thức dậy với chiếc gối ướt đẫm nước mắt nữa. Em coi đây là môi trường giúp em rèn luyện, tu dưỡng bản thân. Hoạt động Đoàn, Hội còn giúp em trang bị những kỹ năng mềm cho cuộc sống. Tham gia hoạt động Đoàn, Hội, em được thầy cô, bạn bè, đồng chí chỉ bảo, hướng dẫn, giúp đỡ và chia sẻ những khó khăn trong học tập, công tác”.

Không chỉ được tín nhiệm bầu giữ chức phó Bí thư Đoàn khoa Điều dưỡng, với những cố gắng, nỗ lực của bản thân, Dung đã vinh dự được bầu giữ chức vụ Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trường Đại học Yersin Đà Lạt khóa III (Nhiệm kỳ 2011 – 2013); được Ban Chấp hành Đoàn trường Đại học Yersin Đà Lạt khen thưởng “Có thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên năm học 2009 – 2010”.

Là thành viên Ban Chủ nhiệm câu lạc bộ Sinh viên tình nguyện, em thường xuyên tổ chức cho các thành viên trong câu lạc bộ tham gia chăm sóc các em nhỏ tại trường trẻ em thiểu năng Hoa Phong Lan; dạy học cho các em nhỏ tại Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Lâm Đồng. Em còn là Phó Chủ nhiệm câu lạc bộ Kỹ năng – Trường Đại học Yersin Đà Lạt. Ở cương vị này, em đã luôn chủ động, tích cực cùng với Ban chủ nhiệm đề ra phương hướng hoạt động của câu lạc bộ. Câu lạc bộ là nơi rèn luyện kỹ năng của đội ngũ cán bộ Đoàn, Hội chủ chốt của trường và đã có nhiều đóng góp cho hoạt động Đoàn, Hội của trường Đại học Yersin Đà Lạt ngày càng sôi nổi, thu hút hơn. Giống như các phong trào khác do Đoàn trường phát động, trong phong trào hiến máu tình nguyện, Dung luôn tích cực tham gia và vận động các bạn đoàn viên, sinh viên cùng tham gia hưởng ứng phong trào tình nguyện hết sức tốt đẹp này. Trong năm 2010, em đã tham gia cả 02 lần hiến máu tình nguyện tại trường.

Giống như tôi đã nói ở trên, hình ảnh của Dung luôn gắn liền với hình ảnh của chiếc áo xanh tình nguyện. Đó cũng là hình ảnh đẹp đẽ và ấm áp mà Dung để lại trong tôi. Với tinh thần xung kích tình nguyện vì cộng đồng, tháng 07.2010 em đã tham gia chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh tại xã Romen, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng. Hình ảnh em với chiếc áo xanh ướt đẫm mồ hôi đang say sưa cùng đồng bào dân tộc thiểu số ở đây cấy mạ trong cái nắng hè gay gắt đẹp tựa bức tranh vẽ người chiến sĩ đem mùa xuân về với buôn làng. Đồng bào nơi đây nhớ tới em theo cách của họ. Họ nhớ tới cô thanh niên tình nguyện cấy mạ rất giỏi, nhiệt tình, trìu mến đã đem lại cho họ một mùa hè vui vẻ, ý nghĩa và một nếp sống mới. Còn Dung, em lại coi đây là nơi giúp em rèn luyện bản thân và giúp em càng thấu hiểu hơn những giá trị của cuộc sống.

Năm học 2010 – 2011, em vinh dự được Ban Thư ký Hội Sinh viên trường Đại học Yersin Đà Lạt trao tặng danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” cấp trường và được Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn Lâm Đồng trao tặng danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” cấp tỉnh Lâm Đồng. Trong rất nhiều danh hiệu đạt được, danh hiệu mà em vinh dự hơn cả khi nhận được, đó là danh hiệu “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác” cấp Trung ương năm 2011 do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng.

Trong bài viết tâm sự về bản thân mình, Dung đã viết: “Tôi chỉ mong nước mắt sẽ ngừng lăn trên má mẹ”. Tôi mong sao mình có thể làm được gì đó cho người sinh viên ưu tú này, có thể làm vơi đi nỗi đau của em, có thể làm nhẹ đi gánh nặng đang đè lên đôi vai nhỏ bé của em. Tôi mong cho tương lai của em sẽ thật rạng rỡ, xứng với những nỗ lực, hy vọng và sự tin tưởng mà em đã dành cho cuộc sống này.

Cuộc sống của gia đình Dung là một bản hùng ca về sự hy sinh, chiến đấu, nghị lực và niềm tin vào cuộc sống. Nếu không có một nghị lực phi thường, tôi tin rằng không ai có thể vượt qua những khó khăn đến vậy để vươn lên sống ý nghĩa như Dung. Dung như cơn gió của mùa xuân và như vầng trăng của mùa thu trên cao nguyên Langbiang xinh đẹp. Cơn gió mùa xuân ấy khơi dậy nhựa sống của thanh niên chúng tôi, giúp chúng tôi biết quý cuộc sống, biết quý tuổi trẻ của mình hơn. Vầng trăng mùa thu ấy lại dạy chúng tôi biết ước mơ và giục chúng tôi biến ước mơ thành hiện thực. Em là tấm gương trong trẻo, sáng đẹp mà mỗi thanh niên như chúng tôi cần noi theo, một tấm gương của trí tuệ xanh và trái tim thắm đỏ. 

Nguyễn Thanh Sơn – Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh

Trường Đại học Yersin Đà Lạt

Đăng ký tư vấn