Sự tích hoa Mimosa
21/10/2013

         Ngày xửa ngày xưa, ở Australia (nước Úc) tươi đẹp có đôi trai tài gái sắc yêu nhau say đắm, thề sống với nhau trọn đời. Chàng là con ngư dân nghèo, thân hình vạm vỡ, nước da đen bóng, thông minh, tài giỏi tuyệt vời. Nàng là con nhà quý tộc giầu sang, da trắng tóc vàng, cực kỳ xinh đẹp và nhân hậu. Họ đã trao nhau tình yêu đầu đời trên bờ biển Sydney thơ mộng. Nhưng rồi, cha mẹ đã ép nàng lấy vị Công tước quyền quý. Sau bao lần phản đối không thành, nàng đành buông xuôi số phận. Được tin nàng sắp lên xe hoa, chàng lặng lẽ lên vùng núi cao làm nghề bảo vệ rừng, để cố quên mối tình tuyệt vọng. Một ngày nọ, trận hỏa hoạn dữ dội xảy ra, chàng bất chấp hiểm nguy, lao vào lửa để cứu rừng và những con Kangaroo (Chuột túi) tội nghiệp. Miệt mài dập lửa đến ngất xỉu và bị thiêu sống mà chàng không hay biết. Khi nghe tin chàng bỏ biển lên rừng, trong đêm tân hôn nàng đã bỏ trốn để tìm người yêu. Nhưng, hỡi ơi! Khi gặp chàng, thì nàng không tin vào mắt mình nữa, chỉ thấy xác chàng cháy rụi trong đống tro tàn. Nàng quỳ xuống khóc than thảm thiết đến kiệt sức và gục chết bên chàng. Thời gian trôi qua, tại nơi chàng và nàng quyên sinh, mọc lên một loài cây thân mộc, lá xanh biếc, lấp lánh hoa vàng, thơm mát rất kỳ lạ. Thổ dân địa phương đặt tên cho loài hoa ấy là Mimosa – một cái tên thật đẹp! Sự tích hoa Mimosa là vậy. Ngày nay, những cặp tình nhân trao nhau hoa Mimosa để khẳng định sự chung thủy trọn đời. Còn con gái Đà Lạt, thường ép hoa Mimosa vào trong sách, gửi tặng người yêu để bày tỏ sự trong trắng, thủy chung. Dù hoa đã khô, nhưng vẫn tỏa mùi thơm nhẹ nhàng, thanh khiết, quyến rũ. Hoa Mimosa tượng trưng cho tình yêu chung thủy và bất diệt.

        Mimosa (tên khoa học Acacia Podalyriaefolia Cunn Mimosaceae) du nhập vào Đà Lạt hơn 100 năm nay. (Ở Việt Nam duy nhất Mimosa trồng tại Đà Lạt nở hoa). Do khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp ở Đà Lạt, Mimosa rất dễ trồng (cao từ 5-7m, tán lá rộng 3-4m) thường ươm bằng hạt, thân mảnh, cành nhiều, rễ ăn cạn nên rất yếu, phải cắt tỉa bớt cành, giảm độ cao để tránh gẫy đổ vào mùa mưa. Mimosa thường nở quanh năm, nhưng nở rộ nhất vào mùa khô (từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau). Khoảng 3 tuổi, Mimosa bắt đầu nở hoa, hoa hình cầu, mầu vàng óng như tơ, từng chùm chi chít nụ, nở hết đợt này đến đợt khác. Ngắm hoa Mimosa mọi thời khắc đều đẹp, nhưng ngắm dưới ánh trăng thật lung linh và huyền ảo. Ở Đà Lạt, Mimosa không phải là loài hoa thương phẩm (để bán) mà được trồng nhiều hai bên đường đèo Mimosa, trong các công viên, trường học, nhà thờ, chùa chiền, công sở, biệt thự, khu du lịch… để làm đẹp thành phố. Mimosa – như bụi phấn vàng lóng lánh tô điểm nhan sắc Đà Lạt thật mộc mạc, dễ thương. “Mimosa vì sao em tới đất này? Đà Lạt đồi núi trập trùng…”. Lời bài hát ấy, đã lay động bao trái tim đã từng yêu Đà Lạt. Loài hoa dung dị ấy, âm thầm khoe sắc, tỏa hương nhẹ như không, đã từng “mê hoặc” biết bao lữ khách. “…Vì em yêu nước hồ Xuân Hương, yêu thành phố muôn hoa, đã từng lưu luyến trái tim ta. Mimosa… hoa Mimosa”. Cùng với các loài hoa đặc hữu khác, Mimosa đã góp phần làm nên thương hiệu “Thành phố Festival hoa Đà Lạt”.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hà Hữu Nết

 

Trà My
Phòng tuyển sinh - Truyền thông trường Đại học Yersin Đà Lạt.
27 Tôn Thất Tùng, Phường 8, Tp. Đà Lạt
0911 66 20 22 - 0981 30 91 90

Tin tức liên quan