Quyết định Ban hành Quy định thực hiện nếp sống văn hóa học đường trong Trường Đại học Yersin Đà Lạt
26/11/2012

QUYẾT ÐỊNH

V/v Ban hành Quy định thực hiện nếp sống văn hóa học đường

trong Trường Đại học Yersin Đà Lạt

 HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG ĐẠI HỌC YERSIN ĐÀ LẠT

       Căn cứ Quyết định số 175/2004/QĐ-TTg ngày 01 tháng 10 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Trường Đại học Yersin Đà Lạt;

      Căn cứ Quyết định số 5969/QĐ-BGD&ĐT ngày 15 tháng 10 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc công nhận Hiệu trưởng Trường Đại học Yersin Đà Lạt;

      Xét đề nghị của ông Trưởng phòng Tổ chức – Hành chính,

QUYẾT ĐỊNH 

         Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về thực hiện nếp sống văn hóa học đường trong Trường Đại học Yersin Đà Lạt.

      Điều 2. Các Đoàn thể Chính trị: Công đoàn cơ sở, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Hội Sinh viên có trách nhiệm vận động, thuyết phục, góp phần thực hiện tốt nếp sống văn hóa học đường trong nhà trường.

        Điều 3. Các phòng, khoa, đơn vị, các Đoàn thể Chính trị, cán bộ, giảng viên, nhân viên và học sinh, sinh viên chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.

QUY ĐỊNH

      Về thực hiện nếp sống văn hóa học đường trong Trường Đại học Yersin Đà Lạt

(Ban hành kèm theo Quyết định số …  /QĐ-DYD  ngày 16/11/2012

của Hiệu trưởng Trường Đại học Yersin Đà Lạt)

 
   

 Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

         Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

      Văn bản này qui định về trang phục, giao tiếp, ứng xử, bảo vệ tài sản và giữ gìn vệ sinh môi trường của lãnh đạo các đơn vị, thầy cô giáo, cán bộ, chuyên viên, nhân viên, học sinh, sinh viên các hệ đào tạo đang học tập tại Trường Đại học Yersin Đà Lạt.

      Điều 2. Mục tiêu chung

1.Hình thành môi trường giáo dục kỷ cương, văn minh, tiến bộ, thân thiện, lành mạnh, hướng tới mục tiêu giáo dục toàn diện, thực hiện khẩu hiệu đã xác định:

“TRƯỜNG ĐẠI HỌC YERSIN ĐÀ LẠT – NƠI TẠO DỰNG TƯƠNG LAI CHO THẾ HỆ TRẺ”

2.Góp phần giáo dục phẩm chất chính trị, đạo đức và lối sống lành mạnh; xây dựng phong cách ứng xử, giao tiếp chuẩn mực của lãnh đạo các đơn vị, thầy cô giáo, cán bộ, chuyên viên, nhân viên (Gọi tắt là CBGV), học sinh, sinh viên (HSSV) trong làm việc, nghiên cứu và học tập.

3.Xây dựng hình ảnh đẹp đẽ, xây dựng nét văn hóa đặc trưng để quảng bá thương hiệu Trường Đại học Yersin Đà Lạt với công chúng.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

         Điều 3. Những quy ước văn hóa ứng xử thể hiện văn hóa học đường

1. Một số quy định chung

a) Tuyệt đối nói “Không” với các hành vi tiêu cực, gian lận trong thi cử nhằm tạo môi trường giáo dục lành mạnh, tiến bộ, thực chất.

b) CBGV đi làm đúng thời gian quy định. HSSV đến lớp đúng giờ, ăn mặc chỉnh tề, đầu tóc gọn gàng, giữ trật tự trong lớp học, tích cực tham gia vào các hoạt động học tập do giảng viên đề ra, không làm việc riêng; ra vào lớp phải xin phép.

c)  Quan hệ nam nữ trong sáng, phù hợp với truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc, không ngồi trong các khu vực bóng tối, vắng vẻ hoặc có những hành vi không lành mạnh trong khuôn viên trường.

2. Quy định về giao tiếp và ứng xử

a)   Trong giao tiếp và ứng xử, CBGV và HSSV phải luôn thể hiện thái độ hòa nhã, trung thực, khiêm tốn, lịch sự, hợp tác, thân thiện và tôn trọng lẫn nhau, thể hiện nét văn minh.

b) Cách chào hỏi: Giữ tư thế lưng thẳng, gật đầu chào, thái độ niềm nở, tươi cười để thể hiện sự thân thiện.

Giữa lãnh đạo với cấp dưới: Cấp dưới chào trước thể hiện sự kính trọng; lãnh đạo cũng đáp lại với cử chỉ thân thiện.

Nếu cùng cấp thì người ít tuổi chào trước.

c)  Cách thức bắt tay:

Dùng một tay và chủ yếu dùng tay phải. Khi bắt tay nhìn thẳng vào mắt người đó và thể hiện niềm vui.

Bắt tay với tư thế đứng thẳng. Không cúi lưng hay cầm cả hai tay người đối diện. Chỉ nên siết nhẹ bàn tay để biểu hiện sự nồng ấm thân thiết.

Bắt tay lần lượt từng người theo thứ tự: Người đến trước, người cao tuổi hơn, người có chức vụ cao hơn.

Không bắt tay quá lâu, lắc mạnh hoặc lắc nhiều lần. Không buông lỏng tay hoặc thể hiện sự hời hợt khi bắt tay.

d) Văn hóa nói chuyện: Diễn đạt bằng những câu nói ngắn gọn, dễ hiểu và truyền cảm. Từ ngữ đơn giản, rõ ràng, chính xác. Nói đủ nghe, không nên nói nuốt lời, nói khi đang ăn.

3. Văn hóa trong giao tiếp điện thoại

a) Trả lời không quá 3 hồi chuông.

b) Khi nghe điện thoại: Xưng tên phòng/khoa/đơn vị/tên cá nhân xin nghe; nói với giọng vui vẻ, rõ ràng và lịch sự.

c)  Khi gọi đi, câu đầu tiên là: Chào hỏi + Xưng danh.

d) Khi nói chuyện qua điện thoại: Nói ngắn gọn, rõ ràng, lịch sự, không để ảnh hưởng đến người xung quanh; giọng nói vui vẻ thể hiện sự hợp tác. Không nên tranh luận trên điện thoại, không cắt ngang câu nói của người khác, phải lắng nghe để trả lời.

e) Không nói những thông tin thừa và những điều bí mật qua điện thoại.

f)  Kết thúc cuộc gọi bằng một lời chào hoặc cảm ơn.

g) Nếu người gọi để lại lời nhắn, người nhận điện thoại có trách nhiệm truyền đạt lại lời nhắn sớm nhất có thể.

4. Văn hóa làm việc

a) Đối với nơi làm việc cá nhân

– Giữ gìn nơi làm việc sạch sẽ, gọn gàng. Sắp xếp các thiết bị, hồ sơ, vật dụng cá nhân ngăn nắp và khoa học.

– Khi đứng dậy khỏi nơi làm việc, tài liệu phải được xếp lại ngay ngắn.

b) Đối với môi trường làm việc chung

– Không tụ tập tán gẫu, trò chuyện (Kể cả sử dụng điện thoại di động) gây ồn ào ảnh hưởng đến người xung quanh.

– Chỉ đến nơi làm việc của người khác nếu cần liên hệ công việc hoặc khi có việc thật sự cần thiết.

– Không hút thuốc, ăn quà vặt tại nơi làm việc. Không được uống rượu bia trước và trong giờ làm việc. Không đi ăn sáng, uống cafe hoặc làm việc riêng trong giờ làm việc.

c)  Văn hóa xử lý và giải quyết công việc

– Chấp hành nghiêm sự phân công công việc của lãnh đạo.

–  Có ý thức trách nhiệm, luôn chủ động, sáng tạo và tích cực học tập để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

– Phối hợp với các đơn vị hoặc cá nhân liên quan để hoàn thành công việc với hiệu quả cao nhất và nhanh nhất có thể.

– Luôn có thái độ chân thành, thẳng thắn và cầu thị khi giải quyết công việc.

– Liên lạc để báo cáo và xin phép cán bộ quản lý khi vắng mặt hay đi làm muộn.

–  Trong giao tiếp với HSSV, phụ huynh và khách đến liên hệ công tác phải nhã nhặn, lắng nghe ý kiến, giải thích, hướng dẫn rõ ràng, cụ thể các quy định liên quan đến giải quyết công việc; không có thái độ hách dịch, gây khó khăn, phiền hà khi thực hiện nhiệm vụ. Giải quyết công việc với phụ huynh và khách phải đảm bảo nhanh chóng, thuận lợi, thủ tục hành chính gọn nhẹ, thể hiện nét văn minh.

5. Văn hóa hội họp

a) Đến trước thời gian quy định ít nhất 5 phút.

b) Hiểu rõ những yêu cầu, nội dung và trách nhiệm bản thân trong buổi họp. Trong trường hợp vì lý do chính đáng mà không thể tham gia cuộc họp hoặc đi trễ thì cần báo với người tổ chức cuộc họp ngay khi có thể.

c)  Tuân thủ quy tắc điều hành của người chủ trì cuộc họp.

d) Không làm việc riêng trong giờ họp như: Đọc sách, báo, chơi trò chơi, nói chuyện riêng…

e) Tôn trọng ý kiến người khác, chú ý lắng nghe, không thể hiện thái độ tiêu cực, thiếu tinh thần xây dựng trong khi họp.

f)  Luôn chuẩn bị kỹ trước khi trình bày ý kiến cá nhân và khi được chủ trì chấp thuận mới phát biểu.

g) Không để chuông điện thoại. Trường hợp cần phải nghe điện thoại thì ra ngoài và trở lại ngay sau khi kết thúc cuộc gọi.

h) Phải đảm bảo bí mật thông tin các cuộc họp theo quy định.

Điều 4. Về trang phục, lễ phục

  1. Đối với CBGV: Thực hiện theo đúng quy định về trang phục của trường Đại học Yersin Đà Lạt (có quy định riêng).

Tinh thần chung phải đảm bảo: Mặc áo sơ mi, quần tây và bỏ áo vào quần thể hiện tác phong gọn gàng, lịch sự, kín đáo (nam thắt cà vạt; nữ mặc bộ veston nữ, quần áo dài hoặc mặc váy dài quá đầu gối trở xuống), đi giầy hoặc dép có quai hậu, đeo bảng tên.

Đối với thầy giáo: Mặc comple khi lên lớp; đối với cô giáo: Mặc trang phục theo quy định hoặc áo dài khi lên lớp.

Lễ phục (sử dụng trong những buổi lễ, cuộc họp trọng thể, các cuộc tiếp khách nước ngoài): Nam: Mặc comple, áo sơ mi, cravat, đi giầy; Nữ: áo dài truyền thống.

  2. Đối với HSSV: Mặc đồng phục của trường Đại học Yersin Đà Lạt, của Khoa hoặc của trường THPT Yersin khi đến trường (có quy định riêng).

Tinh thần chung phải đảm bảo: Mặc áo sơ mi (không mặc áo thun cổ tròn), quần tây và bỏ áo vào quần, ống quần dài phủ mắt cá chân, nữ sinh có thể mặc váy dài quá đầu gối trở xuống, đi giầy hoặc dép có quai hậu, mang theo Thẻ sinh viên, Thẻ học viên.

Đồng phục của Khoa và Trường THPT Yersin: Mẫu mã, màu sắc, kiểu dáng của người học do các đơn vị tự thiết kế, nhưng phải đảm bảo tinh thần chung trên đây.

Ngày đoàn viên (thứ Hai hàng tuần): Toàn bộ đoàn viên, thanh niên mặc áo xanh thanh niên khi đến trường (học sinh Trường THPT Yersin có quy định riêng).

Trang phục trong giờ học giáo dục thể chất: Mặc đồng phục thể dục thể thao theo hướng dẫn của giáo viên giáo dục thể chất.

Lễ phục (sử dụng trong những buổi lễ, cuộc họp trọng thể, các cuộc tiếp khách nước ngoài): Có thông báo riêng cho từng buổi lễ, tuy nhiên yêu cầu chung là phải đảm bảo phải lịch sự và thể hiện nét đẹp văn minh.

3. Trường hợp học tập và làm việc trong phòng thí nghiệm, khu vực sản xuất dịch vụ hoặc theo đặc thù môn học, ngành học thì sử dụng trang phục theo quy định riêng.

4. Trường hợp tham dự các hoạt động Đoàn, Hội hoặc các hoạt động khác thì thực hiện theo quy định của Ban Tổ chức. Tinh thần chung phải đảm bảo đẹp, lịch sự, văn minh.

   Điều 5. Giữ gìn an ninh trật tự

  1. Phải nghiêm chỉnh chấp hành các nội quy, quy định của trường và đơn vị nơi đến làm việc, học tập, nghiên cứu.

  2. Phải thực hiện đúng những quy định tạm trú, tạm vắng.

  3. Tập luyện thể dục, thể thao đúng nơi quy định trong khuôn viên trường.

  4. Không tự ý tập trung đông người gây rối trật tự công cộng, phao tin đồn nhảm; không chứa chấp các loại tội phạm; cấm đánh bạc, cá độ, trộm cắp dưới mọi hình thức; không tự ý tổ chức uống rượu, bia trong khuôn viên trường.

  5. Không giảng dạy, phát ngôn hoặc có các hình thức, hành vi xuyên tạc nội dung giáo dục, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

  6. Không truyền bá tôn giáo, tiến hành các nghi thức tôn giáo, tuyên truyền chống phá Nhà nước; không tham gia biểu tình, lập hội và các hình thức hoạt động khác trái với quy định của pháp luật.

  7. Không tham gia tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm, mê tín dị đoan; cấm in sao, phát tán, sử dụng các tài liệu có nội dung phản động, bạo lực, đồi trụy.

  8. Không tàng trữ, vận chuyển, trao đổi, mua bán, sử dụng, mang vũ khí, hung khí, chất cháy, nổ, các loại hóa chất độc hại trái phép trong khuôn viên trường.

  9. Không đi lại trong khuôn viên trường trong khoảng thời gian từ 23 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau, ngoại trừ lực lượng bảo vệ đang làm nhiệm vụ và các trường hợp cấp cứu, hoặc các trường hợp đặc biệt khác có đăng ký trước.

   Điều 6. Về bảo vệ tài sản

  CBGV và người học có trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ và sử dụng an toàn, tiết kiệm, có hiệu quả tài sản của nhà trường và của cá nhân.

Không xé hoặc làm nhàu nát tài liệu, sách báo; không làm hư hỏng các trang thiết bị và các tài sản khác của nhà trường; tắt đèn, quạt khi ra khỏi phòng làm việc; tắt đèn, quạt trong các phòng học sau khi tan học; tắt điện, nước sau khi sử dụng.

Điều 7. Về an toàn giao thông

  1. CBGV và người học phải tuyệt đối chấp hành đúng luật giao thông đường bộ, các biển báo, chỉ dẫn giao thông trong khu vực trường và hướng dẫn của lực lượng bảo vệ.

  2. Trong khuôn viên của trường cần chạy xe chậm. Không chở vượt quá số người quy định, chạy ngược chiều, chạy xe thành nhiều hàng, lạng lách, đánh võng, chở đứng, chở đòn, đậu xe lấn chiếm lòng lề đường.

  3. Phải để xe đúng nơi quy định, không để xe trong văn phòng, sân trường, đường đi trong khuôn viên, hành lang nơi làm việc, học tập.

  4.  Đối với xe ô tô phải đưa xe vào bãi đậu hoặc thực hiện theo sự hướng dẫn của lực lượng bảo vệ; không đậu xe gây cản trở giao thông, làm hư hỏng hành lang đường sá, khuôn viên, cây cảnh.

   Điều 8. Giữ gìn vệ sinh, cảnh quan, môi trường

   1. CBGV và người học phải chấp hành đúng nội quy, quy định của trường và đơn vị, có trách nhiệm giữ gìn vệ sinh, cảnh quan, môi trường góp phần xây dựng Trường Đại học Yersin Đà Lạt xanh, sạch, đẹp. Nghiêm cấm việc vứt rác bừa bãi.

  2. Các cơ sở sản xuất, phòng thí nghiệm có hóa chất độc hại, nguy hiểm… phải có nội quy, quy trình xử lý phù hợp, không gây tiếng ồn, khói bụi, không để rơi vãi và đổ các vật phế thải sai quy định.

  3.  Không treo, dán áp phích, băng rôn, biểu ngữ khi chưa được phép.

  4. Không tự ý viết, vẽ, dán trên tường, bàn, ghế trong các phòng học, phòng họp, phòng ở ký túc xá và các khu vực khác trong khuôn viên trường.

  5. Không chặt, phá cây, kiểng, săn bắt chim, cá, buôn bán trái phép trong trường.

   Điều 9. Khen thưởng và xử lý vi phạm

   1. Việc thực hiện quy định này là một trong các tiêu chí trong xem xét thi đua, khen thưởng đối với tập thể, CBGV và người học.

  2. Tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện quy định này sẽ được nhà trường xem xét khen thưởng hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng theo quy định.

  3. Tập thể, cá nhân vi phạm một trong các nội dung của quy định này sẽ bị xử lý theo các hình thức dưới đây:

TT

Nội dung

vi phạm về

Hình thức xử lý

I. Đối với CBGV

1

Trang phục

Tùy theo mức độ vi phạm và hậu quả để xử lý ở các mức: Nhắc nhở, phê bình trước toàn đơn vị, khiển trách, cảnh cáo…

2

Giao tiếp và ứng xử

3

An ninh trật tự

4

An toàn giao thông

5

Giữ gìn vệ sinh, cảnh quan, môi trường

II. Đối với người học

1

Trang phục

Tùy theo mức độ vi phạm và hậu quả để xử lý ở các mức: Nhắc nhở, phê bình trước lớp, khiển trách, cảnh cáo, đình chỉ học tập, buộc thôi học…

2

Giao tiếp và ứng xử

3

An ninh trật tự

4

An toàn giao thông

5

Giữ gìn vệ sinh, cảnh quan, môi trường

       Trường hợp vi phạm lần thứ tư trở đi sẽ bị xử lý ở mức cao hơn.

III. Đối với người bên ngoài trường

            Tùy theo mức độ, hậu quả do hành vi vi phạm gây ra, xử lý bằng các hình thức: Nhắc nhở, mời ra khỏi khu vực cơ quan hoặc đề nghị cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.

4. Trường hợp vi phạm gây tổn thất tài sản nêu ở Điều 6 sẽ bị xử lý theo quy định riêng.  Ngoài ra, tùy theo mức độ vi phạm và hậu quả do hành vi vi phạm gây ra sẽ bị xử lý kỷ luật với hình thức cao hơn hoặc đề nghị cơ quan chức năng xử lý vi phạm hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

  5. Các trường hợp để xe sai quy định ngoài việc bị xử lý theo Khoản 3 của Điều này còn phải chịu chi phí bốc vác, vận chuyển và chi phí lưu giữ xe theo quy định của trường.

6. Lực lượng bảo vệ hoặc CBGV được phân công ở đơn vị có trách nhiệm nhắc nhở, hướng dẫn mọi người thực hiện đúng quy định; trường hợp không chấp hành sự nhắc nhở, hướng dẫn thì có quyền lập biên bản vi phạm và báo cáo cấp trên xử lý. Đối với những trường hợp phức tạp thì báo ngay với Tổ Bảo vệ trường để phối hợp xử lý hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý.

7. Tổ Bảo vệ trường có trách nhiệm tuần tra, kiểm tra nhắc nhở, hướng dẫn mọi người thực hiện đúng quy định; lập biên bản, xử lý các trường hợp vi phạm hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định.

 

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

   Điều 10. Điều khoản thi hành

  1. Quy định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký Quyết định ban hành. Những quy định trước đây trái với quy định này đều bãi bỏ.

  2. Trong quá trình triển khai, phòng Tổ chức – Hành chính và Trung tâm Thông tin và Truyền thông cần tập hợp ý kiến trong nội bộ và ngoài xã hội để đề xuất bổ sung, chỉnh sửa cho phù hợp với thực tế của nhà trường./.

 

 

Trà My
Phòng tuyển sinh - Truyền thông trường Đại học Yersin Đà Lạt.
27 Tôn Thất Tùng, Phường 8, Tp. Đà Lạt
0911 66 20 22 - 0981 30 91 90

Tin tức liên quan