Những mẩu chuyện về Yersin
16/05/2017

 

       Sau nhiều ngày thực hiện, bộ phim tài liệu “Trái tim ông Năm” của đạo diễn Phạm Việt Tùng đã hoàn thành. Không chỉ khắc họa chân dung một bác sĩ luôn vì dân, bộ phim có thể được xem là tấm lòng tri ân của người dân Nha Trang đối với tài năng, đức độ của bác sĩ A. Yersin.

       Nhiều tư liệu quý về bác sĩ Yersin

       Theo dự kiến, bộ phim sẽ được phát trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam và công chiếu tại lễ kỷ niệm 150 năm ngày sinh và 70 năm ngày mất của bác sĩ A.Yersin. Với thời lượng hơn 25 phút, phim xoáy sâu vào khía cạnh tình cảm yêu thương đặc biệt của bác sĩ A. Yersin đối với người dân Nha Trang. Bộ phim được vào đề một cách giản dị với lời giới thiệu của nhà thơ Giang Nam về tên đường Yersin vẫn được lưu giữ qua bao nhiêu năm, trước những biến động của lịch sử. Điều đó phần nào nói lên được tình cảm yêu mến của người dân Nha Trang đối với bác sĩ A.Yersin – một người bạn, người thầy, người thân trong gia đình.

       Sử dụng thủ pháp đồng hiện, những hình ảnh, thước phim quý về “ông Năm” lần lượt xuất hiện trên màn ảnh, gợi cho người xem hình dung sự gần gũi, thân thiết của bác sĩ Yersin với mảnh đất và những người dân nghèo ở Nha Trang. Được sự giúp đỡ của Hội Những người theo dấu chân Yersin (Pháp), đạo diễn Phạm Việt Tùng lần đầu tiên đưa những hình ảnh về bác sĩ Yersin đi xe đạp được quay vào khoảng năm 1935 cùng rất nhiều hình ảnh tư liệu quý khác giới thiệu với khán giả. Ông đã khéo léo sử dụng những tư liệu cũ để chứng minh cho luận đề: Tình cảm của người dân Nha Trang đối với bác sĩ Yersin mãi trường tồn.

       Trái tim nhân hậu sống mãi

 

Cảnh “Ông Năm” Yersin đi xe đạp ở Nha Trang

       Vì sao bác sĩ Yersin – một người phương Tây, một ông quan Năm lại nhận được tình cảm sâu sắc của người dân Nha Trang như vậy? Lý giải cho điều đó, đạo diễn Phạm Việt Tùng dẫn dắt người xem đến những việc làm, những cống hiến của bác sĩ Yersin. Tất cả đều xuất phát từ trái tim yêu thương những con người yếu thế trong xã hội. Ông là người góp phần thành lập Trường Đại học Y Hà Nội và là Hiệu trưởng đầu tiên của trường. Từ đây, nền y học Việt Nam đã có những nhà khoa học, những bác sĩ giỏi như: Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Ngữ, Hồ Đắc Di… Bác sĩ Yersin đã sống với người dân bằng tình cảm chân thành, dám đứng ra bảo vệ họ trước sự áp bức, đe dọa của chính quyền thực dân; sẵn sàng hy sinh một phần thân thể để minh chứng cho tấm lòng trung thực của mình. Vì lẽ đó, ông đã nhận lại được sự tin tưởng, tin cậy của những người dân nghèo. Từ đây, ông có nhiều điều kiện hơn để thâm nhập thực tế, tìm hiểu những căn bệnh đang hoành hành người dân nghèo và giúp họ điều trị. Chính điều này càng làm tăng thêm mối quan hệ gắn bó khăng khít giữa người dân với bác sĩ Yersin. Ở góc độ của một nhà khoa học, ông không chỉ có công trong việc tìm ra vắc xin phòng, chống dịch hạch mà còn là người mở rộng và quản lý hệ thống Viện Pasteur ở Việt Nam. Ông còn giúp những ngư dân nghèo ở Nha Trang dự báo thời tiết để mỗi chuyến đi biển của họ được bội thu…

       Thấu hiểu được tình cảm của “ông Năm”, người dân Nha Trang – Khánh Hòa đã coi ông như người thân trong gia đình. Khi ông qua đời, người dân đã tổ chức tang lễ trang trọng, nhiều gia đình lập bàn thờ ông. Trong một số ngôi chùa, di ảnh của ông được đặt ngang với các vị bồ tát. Chia sẻ về lý do thực hiện bộ phim tài liệu “Trái tim ông Năm”, đạo diễn Phạm Việt Tùng cho biết: “Qua nghiên cứu về cuộc đời, sự nghiệp của bác sĩ A.Yersin, tôi nhận thấy ở ông có một tình cảm gắn bó đặc biệt, rất hiếm gặp với những người dân nghèo Nha Trang. Gần cả cuộc đời, ông đã dành cho đất và người Nha Trang – Khánh Hòa, để đến tận bây giờ, lòng kính trọng ông vẫn luôn hiện hữu trong tình cảm của mỗi người dân nơi đây. Để xây dựng được tình cảm bền vững đó phải bắt nguồn từ chính trái tim độ lượng, nhân ái; từ đức tính giản dị, chân thành của “ông Năm”.

       Nhân dịp Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2) và 110 năm ngày khởi công xây dựng Trường thuốc Đông Dương (27/2/1902), vào 21h30 ngày 25/2 VTV sẽ công chiếu bộ phim tài liệu Trái tim ông Năm. Bộ phim phản ánh cuộc đời, sự nghiệp của nhà bác học Alexandre Yersin (1863-1943) – Hiệu trưởng sáng lập Trường thuốc Đông Dương (tiền thân Đại học Y khoa Hà Nội và Đại học Dược Hà Nội), Tổng Giám đốc các viện Pasteur Đông Dương…

       Alexandre Yersin sinh năm 1863, người Thụy Sĩ, quốc tịch Pháp, ông mồ côi cha từ khi chưa lọt lòng. Năm 1882, ông nhận bằng tú tài văn khoa. Năm 1888, sau khi tốt nghiệp trường y Paris, ông chính thức nhập quốc tịch Pháp. Cũng trong thời gian này, ông tham gia vào nhóm nghiên cứu của Louis Pasteur (1822-1895), trở nên nổi tiếng qua nhiều công trình tiên phong do nhóm nghiên cứu của bác sĩ Louis Pasteur tiến hành.

       Năm 1888, Alexandre Yersin (25 tuổi) đã có thành công vang dội với việc bảo vệ luận án tiến sĩ y khoa tại Paris, đề tài: “Nghiên cứu sự phát triển chứng nhiễm trùng huyết của bệnh lao thực nghiệm” được Đại học y khoa Paris tặng huy chương đồng. Sau đó, Alexandre Yersin tìm ra độc tố của vi trùng bệnh bạch hầu, khiến tên tuổi của ông càng thêm lừng lẫy.

Nhà bác học Alexandre Yersin sinh năm 1863 ở Thụy Sĩ, quốc tịch Pháp và mất năm 1943 ở Nha Trang, Việt Nam; được người dân Nha Trang gọi thân mật là ông Năm.

       Năm 1894, sau nhiều kỳ công nghiên cứu tìm tòi thí nghiệm, Alexandre Yersin đã tìm ra vi trùng dịch hạch, nghiên cứu bào chế thuốc điều trị và phòng bệnh dịch hạch. Thành tựu này được Chính phủ Pháp tặng Huân chương Bắc Đẩu bội tinh.

Đến năm 1896 lúc bệnh dịch hạch tái phát tràn lan ở Trung Quốc, Hồng Kông, Quảng Đông…, 80% người bệnh được cứu sống nhờ loại thuốc của bác sĩ Alexandre Yersin bào chế. Bệnh dịch hạch vốn đã giết chết trên 50 triệu người trên thế giới, từ đó không còn là bệnh nan y.

       Tại Hội nghị Vi sinh vật thế giới lần thứ 10 năm 1970, các nhà khoa học đã quyết định cho vi khuẩn dịch hạch mang tên người khám phá ra nó là Yersinia Pestis.

       Năm 1902, Alexandre Yersin làm Hiệu trưởng đầu tiên của Trường thuốc Hà Nội, nay là Đại học Y khoa Hà Nội. Ông là Giám đốc viện Pasteur Đông Dương, gồm cả Viện Pasteur Nha Trang và viện Pasteur Sài Gòn. Kế thừa thành tựu của ông, ngày nay, các Viện Pasteur Việt Nam vẫn đang phát huy hiệu quả việc phòng, chữa bệnh cho nhân dân.

       Alexandre Yersin còn say mê nghiên cứu khoa học trên nhiều lĩnh vực. Ngoài y học, ông còn thành công trong việc nghiên cứu trên các lĩnh vực khác như: Sinh học, Nông học, Thiên văn học, Vật lý. Ông đã đưa vào trồng và thử nghiệm thành công cây cao su ở Việt Nam, cây Canhkyna ở Hòn Bà, Dran, ở cao nguyên Lang Biang để bào chế thuốc chữa bệnh sốt rét rất hiệu quả. Ông còn nuôi các loại gia súc đặc biệt là ngựa để lấy nguyên liệu sản xuất Vacxin phòng bệnh dịch hạch.

       Tại Nha Trang, Alexandre Yersin đã xây dựng Viện Pasteur mang tên người thầy của ông. Kể từ đó phần lớn thời gian ông ở trong phòng thí nghiệm Viện Pasteur, xóm Cồn, Suối Dầu. Ông có nhiều thời gian gần gũi với người xung quanh mình. Ông yêu mến trẻ con, giúp đỡ người già đau yếu, hướng dẫn cho mọi người ăn ở vệ sinh. Ông còn quan tâm đến đời sống sinh hoạt tinh thần của người dân địa phương. Thỉnh thoảng ông chiếu phim tại sân nhà cho nhân dân xem những phim tài liệu về thế giới, khoa học…

Người dân thường gọi ông bằng tên gọi thân mật là ông Năm, xem ông là ân nhân, là vị thần hộ mệnh qua các công việc ông làm cho mọi người như: Bác sĩ chẩn trị, dược sĩ bán thuốc, nhà từ thiện, nhà giáo dục, người chở che…

       Khi ông mất, người dân thương khóc ông và đi tiễn đưa rất đông. Có nhiều người lập bàn thờ và thắp hương cho ông theo phong tục của người Việt Nam. Vùng đất này đã gắn liền với phần lớn cuộc đời ông. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, ông đã để lại di chúc: “Tôi muốn được chôn ở Suối Dầu, yêu cầu ông Bùi Quang Phương giữ tôi lại Nha Trang, đừng cho ai đem tôi đi nơi khác. Mọi tài sản còn lại xin tặng hết cho Viện Pasteur Nha Trang và những người cộng sự lâu năm. Đám tang làm giản dị, không huy hoàng, không điếu văn”.

 

 
          Ngôi mộ nhà bác học Yersin ở Suối Dầu, Nha Trang, Khánh Hòa

 

       Phim tài liệu Trái tim ông Năm (28 phút, kịch bản: Phạm Việt Tùng – Đỗ Trí Dũng) có nhiều đoạn phim nhựa tư liệu sống động hết sức quý giá về cuộc đời và tang lễ A.Yersin ở Nha Trang, Khánh Hòa cách nay trên dưới 70 năm.

       Đạo diễn Phạm Việt Tùng cho biết: “Phim muốn chuyển đến khán giả thông điệp: không chỉ với tài năng khoa học sáng chói cống hiến trọn đời cho người dân Việt Nam và toàn thể nhân loại, Yersin còn được người dân địa phương mãi mãi tôn kính tri ân, thờ phụng như bậc thánh nhân, bởi trái tim vô cùng nhân hậu với người dân nghèo khổ lạc hậu, một nhân cách cao cả, giản dị, khiêm nhường hiếm có”.

Thanh Thanh

Trà My
Phòng tuyển sinh - Truyền thông trường Đại học Yersin Đà Lạt.
27 Tôn Thất Tùng, Phường 8, Tp. Đà Lạt
0911 66 20 22 - 0981 30 91 90

Tin tức liên quan