Đó là một chia sẻ vui của MC, Nhà báo Lại Văn Sâm sau khi anh vừa kết thúc đợt ghi hình vòng loại chương trình SV 2012 tại miền Nam.
Vẫn làn da rám nắng, vẫn chiếc áo phông, anh luôn giản dị và gần gũi như người anh người bạn của sinh viên. Trải qua hơn 10 năm gắn bó cùng sinh viên từ SV 96 đến nay, người ta vẫn thấy một Lại Văn Sâm hừng hực lửa và tràn đầy nhiệt huyết. SV 2012 trở lại cũng là lúc anh trở lại, để sống, để hết mình vì thế hệ sinh viên Việt Nam.
Nhân dịp vừa kết thúc vòng loại SV 2012 tại khu vực miền Nam, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với anh:
– Nhiều người cho rằng năm nay không bằng năm 96, anh thấy thế nào?
– Để giải thích điều này, tôi phải nhắc lại một câu chuyện. Năm 1975, khi tôi có dịp sang Trung Quốc ăn món rau muống xào với dầu mà cảm giác ngon kinh khủng và nghĩ rằng đây là món chỉ có vua chúa mới được ăn. Bởi vì lúc đó mình chưa từng được ăn rau muống. Còn bây giờ ăn lại món rao muống xào dầu của Trung Quốc thì tôi lại cảm thấy kinh khủng vì họ xào rất nhiều dầu. Cũng như chương trình SV, để đánh giá thì dựa vào hai tiêu chí. Một là chất lượng của sinh viên hai là chất lượng truyền hình. Tôi thấy các sinh viên bây giờ còn thông minh, năng động và có nhiều kỹ năng hơn xưa rất nhiều. Còn độ nghịch ngợm tếu táo của sinh viên thì ở đâu cũng có, thời nào cũng có. Về chương trình truyền hình thì SV 2012 đã được cải thiện rất nhiều và bắt nhịp với truyền hình hiện đại.
– Anh có tin là SV 2012 sẽ thành công? Anh dựa vào điều gì?
– Tôi tin SV 2012 sẽ thành công. Cũng như một cuộc thi hoa hậu, chỉ cần ở vòng loại nếu chúng ta thấy được những gương mặt sáng giá đủ khả năng để đăng quang thì có thể tin tưởng được cuộc thi đó thành công. Với SV năm nay, đến thời điểm này tôi đã nhìn thấy được nhiều ứng cử viên vô địch. Và số lượng ứng cử viên không ít nên chắc chắn sẽ tạo được nhiều kịch tính.
– Anh có những ấn tượng gì đặc biệt về các đội thi ở khu vực miền Nam?
– Nhìn chung, tôi ấn tượng nhất là sự cổ động nhiệt tình của các sinh viên ở miền Nam, có thể nói là hơn hẳn miền Trung và miền Bắc. Nó giúp tôi sống lại những năm 96 và 2000. Xét riêng thì trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng và Đại học Ngoại Thương cũng đã để lại cho tôi nhiều ấn tượng đẹp nhất qua phần thể hiện của mình. Tôi cũng cảm thấy rất tiếc cho hai đội là Đại học Lạc Hồng và Đại học Tây Đô đã không vào vòng trong dù phần dự thi rất hay nhưng bị trừ điểm do thời lượng quá dài.
-Về Ban giám khảo, theo nhìn nhận từ phía khán giả thì ca sĩ Phương Thanh khá có duyên và hợp gu với anh trong vai trò làm Ban giám khảo SV 2012, anh thấy thế nào?
– Giám khảo của SV thì không giống giám khảo của các chương trình khác phải có nhân vật này, nhân vật kia, đối đáp theo một kịch bản đã dựng sẵn, một ông chê, thì một ông phải khen. Riêng SV thì điều quan trọng là phải cảm được cái chất của sinh viên. Giám khảo SV cũng không phải là người đưa ra những nhận xét và yêu cầu rút kinh nghiệm. Và tôi thấy hài lòng với vai trò là giám khảo của ca sĩ Phương Thanh cũng như hầu hết các giám khảo của SV năm nay.
– Xuyên suốt chương trình, anh thường nhắc lại nhiều lần là, không có cái gì là tuyệt đối đúng hay sai, mà chỉ có thông minh nhất, dí dỏm nhất. Có phải đó là tiêu chí của chương trình và cũng là cách sống của anh?
– Rõ ràng là không có cái gì là đúng tuyệt đối, không có cái gì là đúng 100%. Tất cả mọi thứ đều cần xét ở mọi khía cạnh. Quan điểm sống của tôi là luôn tìm ra cái điểm sáng, điểm tốt ở mỗi con người, mỗi sự vật. Tôi cũng không tin có một cái gì tuyệt đối xấu. Chính vì vậy, trong phần nhận xét tôi thường không nói đến cái chưa được của các bạn sinh viên, tôi chỉ cố gắng tìm ra những cái tốt để khen ngợi. Không phải tôi mơn trớn sinh viên mà đơn giản là tôi muốn tìm ra những ẩn ý bên trong các bạn. Và tôi cũng muốn giúp khán giả hiểu sinh viên như tôi đã hiểu vậy.
– Xem SV 2012, khán giả vẫn được chứng kiến anh Lại Văn Sâm với hừng hực lửa như ngày nào. Có phải vì một tình yêu lớn với sinh viên giúp anh luôn tươi trẻ và luôn cháy cùng với chương trình SV như vậy?
– Thật tình là nhiều khi tôi đang ngồi dưới hàng ghế ban giám khảo mà muốn nhảy lên sân khấu. Đúng như vậy, từ năm 96 đến nay tôi không hề rời xa sinh viên dù nhiều khi tôi không trực tiếp làm việc với các bạn. Vì vậy, năm nay tôi rất vui và tận dụng cơ hội đến từng trường để tiếp xúc với các bạn qua vòng sơ loại. Nhưng tôi buồn vì ngày xưa sinh viên gọi tôi toàn bằng anh thôi còn giờ thì nào là chú, là bác (Cười).
– Khi anh đến trực tiếp với 96 trường trên cả nước, có kỷ niệm gì làm anh nhớ nhất?
– Đó là lần tôi đến với Đại học Yersin ở Đà Lạt. Lúc chia tay, các bạn sinh viên đã “túm” lấy, nâng tôi lên, biến tôi thành cái chày giã gạo rồi cứ thế… “cắc cùm cum”.
– Với các đội không may mắn được đi tiếp vào trong, anh có nhắn gửi gì đến với họ?
– Đã từng có một phóng viên hỏi tôi, giữa làm MC và làm ban giám khảo cho SV, anh thích vị trí nào nhất? Và tôi đã trả lời không do dự là MC. Vì MC không phải cho điểm (Cười). Việc cho điểm rất khó khăn và tiêu chí của chúng tôi là chọn được đội xứng đáng. Dù điểm số đôi khi hơn nhau không nhiều. Với các đội không vào vòng trong tôi hiểu cảm giác của các bạn. Có một sinh viên do đội mình không vào vòng trong đã nhắn tôi một cái tin vào lúc 3h sáng với nội dung: “Cả một tuần em không ngủ được vì thua”. Và tôi cũng chia sẻ rằng, trong mỗi cuộc thì đều chứa các yếu tố may rủi, xuất thần và người ta vẫn nói là học tài thi phận. Vì vậy, khi bị loại thì có thể là do yếu tố không may mắn, và đừng vì thế mà các bạn “đau đớn vật vã”. Và xét cho cùng thì SV cũng chỉ là một trong nhiều sân chơi của sinh viên mà thôi.
– Giữa ba miền, anh có dự định vòng chung kết SV sẽ tổ chức ở miền nào chưa?
– Như đã nói ở trên, tôi ấn tượng nhất là sự cổ động nhiệt tình của các sinh viên ở miền Nam. Đó cũng là lý do khiến tôi phải xem lại việc tổ chức vòng chung kết SV rất có thể là miền Nam thay vì miền Bắc hoặc miền Trung như dự kiến ban đầu. Vì cổ động viên cũng là yếu tố rất quan trọng quyết định thành công của một game show truyền hình.
MINH THUẬN (ZM)