Mùa xuân đang tràn ngập đất trời. Lúa đã đầy bồ, cà phê, chè, cao su, ca cao đã đầy kho. Khắp các buôn làng Tây Nguyên đang náo nức mở hội, đón tiếp, thết đãi bạn bè. Hãy đến với đại ngàn Tây Nguyên. Đến với “Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên” – Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại.
Tây Nguyên gồm 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng, với tổng diện tích 54.641 km2 (chiếm 16,5% diện tích cả nước). Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch phát triển vùng Tây Nguyên đến năm 2030. Theo đó, Tây Nguyên là vùng trọng điểm phát triển cây công nghiệp, du lịch và bảo tồn bản sắc văn hóa quốc gia, là đầu mối giao thương của các nước Tiểu vùng sông Mê Kông. Hiện tại, dân số Tây Nguyên hơn 5 triệu người, dự báo đến năm 2030 đạt khoảng 7,5 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa 41%. Định hướng phát triển không gian Tây Nguyên, phân thành các Tiểu vùng gắn với đô thị động lực, đô thị trung tâm và đô thị nhỏ. Cụ thể, Tiểu vùng Bắc Tây Nguyên (gồm Gia Lai và Kon Tum) tập trung phát triển thuỷ điện, du lịch sinh thái gắn với vườn quốc gia, tồn thiên nhiên. Tiểu vùng Trung Tây Nguyên (gồm toàn bộ tỉnh Đắk Lắk) phát triển công nghiệp và chế biến nông lâm sản. Tiểu vùng Nam Tây Nguyên (gồm Đắk Nông và Lâm Đồng) phát triển dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng, khai thác chế biến khoáng sản và nông nghiệp công nghệ cao. Các Dải hành hành lang kinh tế, gồm: Dải kinh tế phía Đông (gồm các huyện phía đông Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk) phát triển nông lâm nghiệp. Dải kinh tế Trung tâm (gồm cao nguyên Kon Tum, Pleiku, Đắk Lắk dọc hai bên đường Hồ Chí Minh) phát triển các loại cây công nghiệp phục vụ xuất khẩu. Dải kinh tế phía Tây (gồm các huyện phía tây Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk và toàn bộ tỉnh Đắk Nông) phát triển công nghiệp khai thác chế biến bauxite, luyện nhôm và thủy điện. Dải kinh tế Nam Tây Nguyên (gồm toàn bộ tỉnh Lâm Đồng) là vùng chuyên canh rau, hoa ôn đới công nghệ cao và du lịch. Từ nay đến năm 2030, vùng Tây Nguyên sẽ xây dựng 117 đô thị, 10 cửa khẩu, 24 khu công nghiệp và 74 cụm công nghiệp. Riêng về phát triển du lịch, vùng Tây Nguyên sẽ gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc bản địa, liên kết với miền Trung, thành phố Hồ Chí Minh và Nam bộ. Xây dựng các Trung tâm du lịch lớn tại thành phố Đà Lạt, Buôn Ma Thuột, Pleiku gắn với các Khu du lịch Quốc gia và thành phố du lịch Đà Lạt.
Để khai thác hiệu quả tiềm năng thế mạnh vùng Tây Nguyên, theo ông Trần Việt Hùng – Phó Ban chỉ đạo Tây Nguyên, 5 tỉnh Tây Nguyên phải liên kết xây dựng chiến lược quy hoạch vùng và từng ngành sản xuất hợp lý, phát triển bền vững cơ cấu kinh tế, xúc tiến đầu tư. Về kinh tế đối ngoại, đẩy mạnh hợp tác vùng “Tam giác phát triển”, xây dựng các khu thương mại tự do giữa Tây Nguyên và tiểu vùng sông Mê Kông, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng, thủy điện, chế biến – xuất khẩu nông sản. Tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại với các tỉnh vùng biên của Lào và Campuchia triển, khai thác hiệu quả kinh tế cửa khẩu. Chú trọng đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, nhất là hệ thống đường giao thông liên tỉnh, các tuyến quốc lộ nối với cảng biển, vùng kinh tế động lực, đẩy mạnh thông thương hàng hóa. Đồng thời, tập trung phát triển nguồn nhân lực, chú trọng đào tạo nghề cho thanh niên, tăng cường đầu tư ngân sách cho các trường đại học, cao đẳng và trung cấp nghề. Hiện đại hoá nền hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, loại bỏ thủ tục rườm rà, minh bạch thủ tục đầu tư, quy hoạch để thu hút mọi nguồn nhân lực phát triển Tây Nguyên.
Mùa xuân đang tràn ngập đất trời. Lúa đã đầy bồ, cà phê, chè, cao su, ca cao đã đầy kho. Khắp các buôn làng Tây Nguyên đang náo nức mở hội, đón tiếp, thết đãi bạn bè. Hãy đến với đại ngàn Tây Nguyên. Đến với “Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên” được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại từ năm 2005. Đến với quê hương của Sử thi và anh hùng Núp, với bạt ngàn cà phê, bạt ngàn cao su, bạt ngàn chè xanh, hòa cùng điệu múa, âm thanh Tây Nguyên, uống rượu cần với thịt nướng bên nhà rông, nhà dài, trong ánh lửa bập bùng. Xin đừng quá mê cưỡi voi, đua ngựa, leo núi, vào rừng, vượt thác, chèo thuyền. Đừng uống quá say và đừng đắm đuối trong ánh mắt “Sơn nữ Tây Nguyên” … kẻo lại quên đường về!
Hà Hữu Nết
Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng
2 Nguyễn Du, Đà Lạt – ĐT: 0918 423 435
Email: hahuunet@gmail.com