Mùa hoa anh đào nở muộn
16/05/2011

Hoa anh đào Ðà Lạt năm nay nở muộn. Nghe nói, muộn nhất là ở Ðại học Yersin. Ðã muộn nhất, lại ít nhất. Chỉ một cây duy nhất ra hoa. Muộn còn hơn không. Thiên nhiên vốn công bằng, bù cho phần thua thiệt muộn màng, hoa anh đào mùa này lại kiều diễm hơn các mùa xưa.

Mùa hoa anh đào Ðà Lạt dài hơn mùa hoa đào Nhật Tân. Chập chờn nay ẩn mai hiện trong cõi sương sa, càng thêm nỗi hút hồn trần thế. Tiếng lành đồn xa. Nhiều người tìm đến. Nhiều du khách ghi hình chụp ảnh cùng hoa. Một hôm, đang giờ nghỉ trưa, có nhóm du khách chất giọng Liên khu Năm cũ, tầm tuổi bố mẹ sinh viên của nhà trường, xin vào thăm cây. Thấy lạ, anh bảo vệ cùng quê thi sĩ Hữu Loan Mầu tím hoa sim, đột xuất gọi số di động của thầy Hiệu trưởng Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Bá Phong. Cũng thấy lạ, thầy Hiệu trưởng quần áo chỉnh tề, lặng lẽ đi về phía cây anh đào bình thản nở hoa. Thầy mời đoàn khách lạ về phòng hàn huyên. Tưởng là ai, hóa ra khách vốn là nơi quen biết ở Phú Yên từ hồi Liên khu Năm kháng Pháp. Trong số đó, có người là bà con của Lê Trọng Lư, cử nhân Sinh học khóa 5 của nhà trường. Anh là sinh viên ‘năm tốt’ của Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam. Một trong 10 sinh viên tiêu biểu của đất nước.

Làm thế nào học sinh một trường trung học bình thường trên quê hương lắm lụt nhiều bão, vào học Ðại học Yersin Ðà Lạt, lại có thể đạt thành tích như vậy? Phải chăng nhà trường có những bí quyết thần kỳ? Xin thưa, trường Ðại học Yersin Ðà Lạt không có bí quyết gì. Chỉ có nét riêng là tất cả cán bộ, công nhân viên, tất cả thầy, cô giáo luôn tìm mọi cách đánh thức tiềm năng sinh viên tự học. Nhà trường đã liên kết với chính quyền, đoàn thể, các gia đình ở hai bên đường Tôn Thất Tùng, vòng quanh đường Vạn Kiếp, mở tỏa ra phường 8, thành phố Ðà Lạt, tìm nơi ăn chốn ở phù hợp, thuận lợi, thoải mái cho từng sinh viên. Ðặc biệt chú trọng sinh viên các dân tộc, vùng sâu vùng xa, kinh tế gia đình khó khăn. Tại đây, hầu như sinh viên ăn ở, sinh hoạt, hòa nhập gắn bó với gia đình như là con cái trong nhà.

Lần đầu tiên đi trọ học, anh sinh viên dân tộc Kờ Ho được gia đình gốc Bắc trồng rau, dành riêng cho căn phòng của con trai út đang lập nghiệp ở TP Hồ Chí Minh. Ngoài việc học tập, ngày nghỉ, ngày lễ, anh còn biết tưới rau, chăm sóc các loại rau. Biết thu hoạch, phân loại, đóng gói rau. Ba tháng hè, anh ở lại Ðà Lạt, làm việc thực thụ chuyên nghiệp ngay trong trang trại trồng rau của chủ nhà. Thỉnh thoảng anh lại theo xe rau đi Bình Dương, Sài Gòn, Cần Thơ. Anh đã được thực hành hơn mọi lớp thực tập ở các trường đại học công lập.

Một nữ sinh viên ngành du lịch trọ tại một gia đình có nhà hàng ăn uống gần hồ Than Thở. Ngày nghỉ, ngày lễ, và suốt cả ba tháng hè, được gia đình đưa đến cửa hàng làm việc. Con dâu cả của gia đình trực tiếp chỉ bảo, hướng dẫn từ việc nhỏ đến việc lớn, từ đơn giản đến phức tạp. Thử hỏi, có khóa thực tập nào liên tục, thường xuyên, chu đáo, thân tình, một thầy một trò, như ở đây. Cô sinh viên khoa điều dưỡng, ở trọ trong một gia đình, bà chủ nhà vốn là hộ lý bệnh viện đã về hưu. Vui công việc, tăng thu nhập, vừa giúp bệnh viện thiếu người, bà nhận hợp đồng chăm sóc bệnh nhân nội trú. Bà nhận thêm phần việc cho cô sinh viên như là con gái trong nhà. Chỉ chừng này thôi, cũng đủ lý giải vì sao 100% sinh viên tốt nghiệp khóa Một của nhà trường đều có việc làm. 100% làm việc đúng chuyên ngành đào tạo. Ra trường không lâu, có người đã là Trưởng phòng Kinh doanh, có người đã là Tổ trưởng bộ môn Du lịch Lữ hành.

Từ khi thành lập, Ðại học Yersin Ðà Lạt đã đặt mục đích đào tạo theo nhu cầu xã hội lên hàng đầu. Nhu cầu gần, Ðà Lạt, Lâm Ðồng. Xa hơn, Tây Nguyên. Xa hơn nữa, Trung Bộ. Xa ngoài biên giới, hạ Lào, đông bắc Cam-pu-chia. Nhà trường không hướng tới việc đào tạo đội ngũ các nhà khoa học cơ bản hàng đầu của đất nước. Chỉ chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ Cử nhân, Kỹ sư thực hành. Nhân khi bàn đến các giải pháp để duy trì và phát huy truyền thống sinh viên khóa Một tốt nghiệp ra trường dễ xin việc làm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Nguyễn Thiết Giáp vui vẻ tâm sự:    

– Nhà trường tìm mọi cách nâng cao hiệu quả tự học của sinh viên ngoài lớp học, ngoài giảng đường. Mặt khác, cố gắng hết mức sao cho có nhiều phòng học đạt chuẩn quốc gia. Như vậy, quá trình giảng dạy và tiếp thu bài giảng trong lớp đạt kết quả tốt hơn…

Tốt nghiệp Ðại học Nông nghiệp Hà Nội, ông Giáp vào tuyến lửa Quảng Bình. Tiếp theo là chặng đường Khai hoang kinh tế mới Thanh niên dài qua thời trai trẻ. Thời ấy, chốn ấy, đói khổ mà vui. Gian nan cùng cực mà sao tình đất tình người đằm thắm ngọt ngào. Kỷ niệm đẹp này đi suốt đời ông. Ði qua những ngày ông là Phó Chủ tịch huyện Lâm Hà. Ði qua thời Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh Lâm Ðồng.

Những ai, thuở thiếu thời từng qua khốn khó mới thấu hiểu cảnh sinh viên nghèo cắn răng chịu đựng nỗi cơ cực để học tập, để lập thân. Nhà trường tìm mọi cách giúp đỡ, tạo điều kiện sao cho các sinh viên nghèo vươn lên bằng chị bằng em. Lo mọi điều không tên. Nhà trường còn lo làm sao mời được những thầy cô giáo trải đời, lo đời, yêu thương sinh viên như thể con em ruột thịt của mình. Ðiều này không mua được bằng tiền. Chỉ có được trên nẻo đường đời Ðồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu. Nhiều nhà giáo lão thành đã nhận lời mời về giảng dạy ở

Ðại học Yersin Ðà Lạt, phần nhiều là ở Sài Gòn. Những năm trước, các thầy ở khách sạn, xe cộ đưa đón cách trở. Bây giờ mọi việc ổn thỏa. Cùng lúc xây hai khối nhà bốn tầng ở cổng sau, ngay tại cổng trước, khu nhà khách hai tầng đã đưa vào sử dụng. Phía sau là vườn thông, phía trước là đồi thông. Hành lang thoáng mát. Bốn bề tĩnh lặng. Phòng rộng hơn phòng đôi khách sạn ba sao. Hai giường, hai bàn hộp. Tủ đứng hai ngăn. Căn phòng chan hòa ánh sáng thiên nhiên, hiu hiu gió trời. Vừa là nơi làm việc, vừa là chốn nghỉ ngơi thư giãn. Từ ngày có nhà khách đến nay, cả hai phía chủ và khách đều thuận tiện, thoải mái, vui vẻ. Thầy vui, bài giảng sẽ thêm phần tự nhiên, sinh động, hấp dẫn, dễ hiểu. Sinh viên rất vui. Có lẽ, vui nhất là thầy Phó Hiệu trưởng phụ trách đào tạo, Thạc sĩ Phan Nam. Theo lời thầy kể, những năm qua, nhà trường đã chuyển đổi từ  đào tạo theo niên chế sang đào tạo theo học chế tín chỉ. Ðã hoàn thành sáu bộ chương trình đào tạo hệ thống tín chỉ cho các ngành: Tin học, Khoa học môi trường, Công nghệ sinh học, Quản trị kinh doanh, Du lịch, Tiếng Anh. Ðã tin học hóa toàn bộ hoạt động của nhà trường. Những năm qua, nhà trường không ngừng mở rộng quy mô đào tạo. Gồm có, đại học chính quy, tại chức. Trung cấp chuyên nghiệp, trung học phổ thông. Ngoài ra còn có hệ đào tạo thường xuyên. Chính hệ này đã góp phần nâng cao trình độ đồng đều về tin học và tiếng Anh cho sinh viên, nhất là sinh viên dân tộc. Trình độ tin học và tiếng Anh của sinh viên tốt nghiệp ra trường khóa Một đã làm hài lòng các cơ quan tuyển dụng.

Từ chuyện hệ đào tạo thường xuyên, chúng tôi chuyển sang việc học tiếng Anh lúc nào không hay. Vốn dĩ xưa nay điềm đạm, thầy Trưởng khoa Ngoại ngữ, Thạc sĩ Tạ Tất Thắng khẽ khàng tâm sự:

– Sinh viên tốt nghiệp ra trường khóa Một đều thạo tiếng Anh. Thêm một lý do vì sao dễ xin việc làm…

Trường Ðại học Yersin Ðà Lạt có cách dạy và học tiếng Anh riêng. Ðồng loạt buổi sáng, từ 7 giờ đến 9 giờ, toàn trường học tiếng Anh. Buổi chiều, từ 13 giờ đến 15 giờ. Những sinh viên chưa đạt yêu cầu, học thêm ở hệ đào tạo thường xuyên. Dày công như vậy mới có toàn bộ sinh viên, kể cả sinh viên dân tộc, thạo tiếng Anh. Vốn gốc Hà Nội, thầy Tạ Tất Thắng học đại học tiếng Anh tại Ô-xtrây-li-a. Nhiều lần tu nghiệp tại Mỹ. Thầy nhận xét, nhiều sinh viên yếu tiếng Anh từ phổ thông. Nhiều sinh viên dân tộc tiếng Việt chưa chuẩn, tiếp thu tiếng Anh qua tiếng Việt lại càng khó khăn. Phải ân tình, tế nhị giúp đỡ nhiều hơn. Nếu không tế nhị, lắm khi phản cảm, phản tác dụng. Tế nhị xếp các em ngồi cạnh bạn giỏi tiếng Anh. Tế nhị tìm nhà trọ cho các em, trong gia đình có người, nhất là chủ nhà thạo tiếng Anh. Việc tuy nhỏ, hiệu quả lại rất lớn. Học ngoại ngữ, nghe và nói, vô cùng quan trọng. Dần dà, mưa lâu thấm đất. Hiện tại nhà trường có một chuyên gia nghe, nói người Mỹ dạy theo chương trình Fulbright. Sinh viên rất thích lên lớp kiểu này. Sau tiết học tiếng Anh cuối cùng, cũng là lúc mây tan, những tán thông cổ thụ bừng xanh sắc nắng. Mọi người ùa ra sân trường, vườn trường. Ðây đó la đà mầu sắc. Ðâu đó lãng đãng hương thơm. Nhóm chúng tôi quây quần bên cây anh đào. Bà Nguyễn Thị Rạng, Ðảng ủy viên, Chủ tịch Công đoàn, sau khi chụp ảnh, như chợt nhớ ra điều gì, liền nói với anh Nguyễn Thanh Sơn, Bí thư Ðoàn trường:

–  Chiến dịch Mùa hè xanh năm nay, Ðoàn trường nên mở rộng để Công đoàn, Phụ nữ, Cựu chiến binh cùng tham gia…

–  Ðoàn trường rất hoan nghênh. Bà chị lo sớm thế. Ðang mùa hoa anh đào. Chiến dịch Mùa hè xanh năm nay, Ðoàn trường xin kính mời các bác, các cô, các chú  Công đoàn, Phụ nữ, Cựu chiến binh cùng tham gia. Cùng trở về căn cứ địa Khu Sáu năm xưa…

Năm nào cũng vậy, các đoàn thể của nhà trường liên kết với nhau tổ chức nhiều hoạt động bổ ích, lý thú, nhằm làm đẹp thêm tâm hồn sinh viên. Nghe nói, sang năm sẽ phát động thi đua trồng thêm anh đào ở cơ sở một Tôn Thất Tùng, cơ sở hai hồ Chiến thắng, cơ sở ba Bảo Lộc. Nếu vậy, mai đây trọng tâm mùa hoa anh đào Ðà Lạt sẽ nghiêng về phía nhà trường. Cũng mai đây, theo xu thế chung, trường Ðại học Dân lập Yersin Ðà Lạt sẽ chuyển đổi thành trường Ðại học Tư thục Yersin Ðà Lạt. Sẽ có nhiều mô hình đưa ra bàn bạc, đệ trình cấp trên xét duyệt. Có thể, sẽ có ý tưởng đặt lợi nhuận lên hàng đầu. Mục đích đào tạo trí thức trẻ sẽ thành thứ yếu. Trong lúc chuyện trò thoải mái, ông Trương Thành Trung, Phó Hiệu trưởng kiêm Bí thư Ðảng ủy, nói vui:

– Dù chuyển đổi theo mô hình tư thục nào đi chăng nữa. Ba khu đất cơ sở của nhà trường vẫn là Mảnh đất nuôi ta thành Dũng sĩ…

Ông nói vui mà nói thật. Năm xưa, mảnh đất này nuôi dạy tuổi trẻ thành dũng sĩ. Nay tiếp tục nuôi dạy đào tạo trí thức trẻ, trong đó có trí thức các dân tộc, góp phần làm giàu Lâm Ðồng, làm giàu Tây Nguyên. Thế cũng là làm đẹp thêm, hồng tươi thêm, mùa hoa anh đào Ðà Lạt thân thương.

Bút ký của Lê Đình Cánh

Đăng trên Báo Nhân dân cuối tuần (Số 21 (1164) / 22.05.2011).

 

TS

Trà My
Phòng tuyển sinh - Truyền thông trường Đại học Yersin Đà Lạt.
27 Tôn Thất Tùng, Phường 8, Tp. Đà Lạt
0911 66 20 22 - 0981 30 91 90

Tin tức liên quan