Đà Lạt, 11h trưa – thời gian mà tất cả mọi người nghỉ ngơi sau 1 buổi sáng làm việc và học tập mệt mỏi, căng thẳng. Riêng chúng tôi – những sinh viên tình nguyện trường Đại học Yersin Đà Lạt bắt đầu cho một buổi trưa tình nguyện của mình. Hôm nay, Câu lạc bộ Sinh viên tình nguyện có hẹn sẽ tới thăm và nhận giúp đỡ cho 4 em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn tại trường tiểu học Nam Thiên, thành phố Đà Lạt.
Tập trung đông đủ, chúng tôi bắt đầu xuất phát. Từ cổng trường Đại học, chạy qua bao con phố lớn ngập tràn sắc hoa, chúng tôi đi vào một con hẻm nhỏ, dài và dốc. Dừng chân cuối con hẻm, chúng tôi bước vào một căn nhà nhỏ, chật hẹp. Anh chị chủ nhà đón tiếp chúng tôi bằng nụ cười tươi rạng rỡ. tôi nhận ra một bên chân chị chủ không còn, thay vào đó là chiếc chân giả và đôi nạng gỗ, còn chồng chị bị teo cả 2 chân, anh đón chúng tôi bằng những bước đi lê bằng tay khó nhọc, nhưng trên môi vẫn nở 1 nụ cười tươi rạng rỡ…
Đây là gia đình em Minh Nhân. Khi chúng tôi đến cũng là lúc em vừa đi học về. nét vui vẻ, hồn nhiên và đáng yêu hiện rõ trên khuôn mặt em khi đón chúng tôi. Trò chuyện với gia đình Minh Nhân được một lúc, đại diện câu lạc bộ Sinh viên tình nguyện chúng tôi tặng quà cho em rồi chào tạm biệt, chúng tôi không quên hứa sẽ quay lại kèm em học tập.
Minh Nhân và gia đình vẫy tay chào chúng tôi bằng một nụ cười tươi hạnh phúc…
Đoàn xe chúng tôi ra khỏi con hẻm nhỏ, đến với một góc phố nghèo sâu trong lòng thành phố. Bước qua 1 dãy trọ chật hẹp và không mấy làm ngăn nắp,chúng tôi đến thăm gia đình em Minh Đức.
Mẹ em đón chúng tôi bằng đôi mắt đỏ hoe, ướt lệ.chị kể cho chúng tôi nghe về những bất hạnh cuộc đời, nhữngkhó khăn chồng chất mà chị phải một mình gánh vác trên vai để nuôi nấng bé Minh Đức. Những câu chuyện chị kể nghe sao thật xúc động, khiến đôi mắt những sinh viên tình nguyện cũng thấy cay cay. Món quà chúng tôi gửi tặng Minh Đức không lớn, nhưng hi vọng nó xóa đi phần nào những vất vả trên vai mẹ em và để động viên em gắng hơn trong học tập.
Rời khu nhà ọp ẹp ấy, mang tâm trạng nao nao, thoáng chút buồn vì thông cảm và tiếc thương, chúng tôi tiếp tục đến với gia đình thứ 3, gia đình em Hoàng Anh.
Hoàng Anh không có ba mẹ, em ở cùng ông bà trong một căn phòng tối tăm và chật chội đến mức một “nhiếp ảnh gia” nghiệp dư với chiếc điện thoại camera 2.0 megapixel của tôi dù đã cố gắng hết sức vẫn không thể chụp được những tấm hình sắc nét.
Rất cảm thông cho hoàn cảnh Hoàng Anh, chúng tôi ngồi trò chuyện, dặn dò em phải cố gắng học hành, tặng em 1 món quà là những cuốn vở trắng tinh với mong muốn nó sẽ luôn đồng hành cùng em để học tập nên người. Rời nhà Hoàng Anh khi đã gần 1h chiều, những chiếc xe của chúng tôi lại lăn bánh, tiếp tục cuộc hành trình.
Xa thành phố dần, chúng tôi đang đi vào 1 con đường đất cát và sỏi vụn quanh co, khúc khuỷu, hai bên đường là những rừng thông xanh vi vu trong gió.
Gia đình em Văn Thương –Nơi mà chúng tôi đến nằm ở phía cuối con đường ấy. Đón tiếp chúng tôi là một đôi vợ chồng còn khá trẻ – cha mẹ của Thương. Nghe họ kể rằng, khi Thương vừa được sinh ra, em đã mang dị tật môi hở hàm ếch. Ông bà nội thấy cháu mình như vậy thì không quan tâm nữa và đã ruồng bỏ. cha mẹ em đành rời quê hương tới xứ xa sinh sống. Nhờ chương trình “Vì nụ cười trẻ thơ” của chính phủ, Thương đã được phẫu thuật. Nhưng trong lần phẫu thuật thứ 2, em lên cơn sốt nên không thể phẫu thuật được, thêm vào đó, do phải sử dụng nhiều thuốc gây mê đã làm trí não của em bị ảnh hưởng, khả năng nhớ và tiếp thu giảm. Vì thế, kết quả học tập của em cũng xuống dần.
Thương em, những sinh viên tình nguyện chúng tôi hứa sẽ tới giúp đỡ em học tập để em ngày càng có thành tích cao hơn, hòa mình vào xã hội và dần trở thành người có ích cho xã hội này.
Chúng tôi trở về khi đồng hồ chỉ gần 2h chiều. mắt hoa, chân tay run, bụng sôi lên vì đói, toàn thân mệt rã rời, nhưng trong lòng chúng tôi ngập tràn bao hạnh phúc. Vì chúng tôi biết rằng, trong cuộc sống này, niềm hạnh phúc lớn lao nhất chính là manh lại hạnh phúc cho người khác.
Nguyễn Thị Mơ – Thành viên câu lạc bộ Sinh viên tình nguyện
TS