Hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên khoa CNSH năm 2010
16/05/2010

Khoa Công nghệ sinh học – Đại học Yersin Đà Lạt, bên cạnh việc cung cấp các kiến thức lý thuyết chuyên ngành thì việc nâng cao năng lực thực hành và khả năng nghiên cứu khoa của sinh viên luôn được chú trọng. Thông qua các đợt thực tập, thực tế và tham gia nghiên cứu khoa học tại trường và các cơ sở sản xuất thuộc ngành Công nghệ sinh học, sinh viên được trực tiếp tiếp cận và làm việc trong môi trường thực tế, qua đó đúc kết được nhiều kinh nghiệm thực tiễn, kết hợp được lý thuyết với thực hành. Những đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên được tập hợp trong hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2010 bao gồm:

1.      Đề tài: “Khảo sát mức độ nhiễm khuẩn của một số thuốc đông duợc đang lưu hành trên địa bàn tỉnh Lâm đồng”.

Kết quả đề tài xác định thử giới hạn nhiễm khuẩn trên 48 mẫu thuốc cho thấy tỷ lệ không đạt trung bình của các mẫu thuốc là 3.48%, đây là một tỷ lệ thấp hơn so với tỷ lệ trung bình của cả nước 9.69%. Thuốc không đạt chất lượng có thể là do các cơ sở hay nhà thuốc không chấp hành những qui định của GMP (Good Manufacture Practive) hoặc GSP (Good Storage Practive). Do đó công tác kiểm tra chất lượng thuốc cần phải được thực hiện để phát hiện thuốc không đạt tiêu chuẩn, thuốc giả, thuốc kém phẩm chất… để xử lý và giúp người sử dụng dùng được các thuốc đảm bảo chất lượng, đạt hiệu quả sử dụng cao.

2.      Đề tài: “Bước đầu nghiên cứu quá trình nuôi cấy invitro hạt lan hồ điệp (Phalaenopsis amibilis)”.

Lan Hồ Điệp (Phalaenopsis amibilis) là một loại hoa lan nổi bật với các đặc tính hoa đa dạng, màu sắc phong phú, hoa lâu tàn được dùng trong trang trí, có thể chuyên chở xa mà không ảnh hưởng đến chất lượng hoa. Kết quả nghiên cứu cho thấy ở giai đoạn tạo vật liệu khởi đầu từ cơ quan sinh sản hữu tính, môi trường tốt nhất là môi trường gồm khoáng đa lượng Hyponex, vi lượng MS, than hoạt tính và đường. Môi trường tốt nhất cho quá trình nhân nhanh zygotic protocorm là môi trường có bổ sung nước dừa và than hoạt tính, trong khi môi trường tốt nhất cho giai đoạn tạo cây con hoàn chỉnh là môi trường có bổ sung dịch chiết khoai tây và dịch chiết chuối.

3.      Đề tài: “Nghiên cứu loài Beauveria bassiana phát hiện tại Đà lạt”.

Nấm Beauveria là tác nhân sinh học kiểm soát côn trùng gây hại có hiệu quả. Trong nghiên cứu này, mẫu nấm Beauveria thu được trong tự nhiên tại Đà Lạt được xác định tên khoa học tới mức độ loài dựa trên trình tự ITS-DNA và bước đầu tìm hiểu đặc điểm sinh lý của loài nấm Beauveria này.

4.      Đề tài: “Nghiên cứu xây dựng quy trình sản xuất một số loại rau mầm­­­­­­  

Rau mầm chứa  nhiều chất dinh dưỡng giúp cơ thể dễ dàng hấp thụ và rất có lợi cho sức khỏe con người. Vì thế một xu thế mới nổi lên trong những năm gần đây là sử dụng phương pháp trồng rau mầm. Đề tài này được thực hiện có ý nghĩa quan trọng với mục đích tìm ra giá thể tốt nhất cho sự phát triển của cây rau mầm và mong muốn bước đầu có thể ứng dụng quy trình này cho các hộ gia đình có thể tự trồng rau mầm để cải thiện bữa ăn và có thể đưa vào sản xuất đại trà.

5.      Đề tài: “Ảnh hưởng của EC, pH, giá thể lên hệ số nhân giống của cây dâu tây (Fragaria ananassa duch.) ở giai đoạn ex vitro”.

Phương pháp cấy mô tạo ra cây sạch bệnh, với số lượng lớn, kích thước đồng đều, trẻ hóa và thời gian sinh trưởng kéo dài hơn là cây dâu tây nhân giống bằng phương pháp truyền thống từ hạt hoặc thân bò. Nhân giống bằng hình thức thủy canh sẽ giữ được nguồn gen của cây mẹ, chất lượng đảm bảo, không nhiễm các vi sinh vật gây hại. Môi trường dinh dưỡng trong thủy canh rất quan trọng ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng sinh trưởng và phát triển của cây. Với EC = 2, pH = 6,5 trong phương pháp thủy canh bằng dung dịch cho hệ số nhân giống cao nhất cho ra số lượng 13 cây con/1 cây mẹ ở tuần thứ 7. EC = 2, giá thể  xơ dừa 75% + trấu đốt 25% cho hệ số nhân giống 9 cây con/ 1 cây mẹ cây con ở tuần thứ 7. 

6.      Đề tài:  “Đánh giá sự đáp ứng miễn dịch khi ghép đồng loại  và dị loại tế bào gốc trung mô trên chuột nhắt trắng (Mus musculus var.albino)”.

 Khi tiến hành ghép đồng loại và dị loại tế bào MSCs trên chuột nhắt trắng cho thấy: Sự đáp ứng miễn dịch khi ghép đồng loại tế bào gốc trung mô trên chuột nhắt trắng (Mus muculus Var. Albino) xảy ra sau 3 ngày ghép và kéo dài đến hết thời gian thí nghiệm là 15 ngày và chỉ thấy sự thay đổi rõ rệt nhất ở tế bào basophil. Còn khi ghép dị loại tế bào gốc trung mô người trên chuột nhắt trắng, sự đáp ứng miễn dịch xảy ra ngay sau 5h ghép nhưng lại chấm dứt sau 5 ngày ghép. Tức là thời gian đáp ứng ngắn hơn. Sự thay đổi số lượng nhận thấy rõ nhất ở tế bào Neutrophil và Lymphocyte. Đối với chuột được làm suy giảm miễn dịch bằng dung dịch Bysulfan, khi tiêm MSCs người, đến ngày 15 vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi hệ miễn dịch trong khi chuột tiêm dung dịch muối sinh lý có dấu hiệu hồi phục sau 15 ngày 

7.      Đề tài: “Khảo sát khả năng phân giải cellulose của một số chủng vi sinh vật phân lập từ đất”.

Từ các mẫu đất trồng mía, bắp, đậu tại các địa phương trong tỉnh Lâm Đồng, chúng tôi đã phân lập và tuyển chọn được 4 chủng vi sinh vật có khả năng phân giải cellulose tốt nhất. Hai trong bốn chủng được lựa chọn để sản xuất thu sinh khối. Kết quả kiểm tra độ sống từ các loạt sinh khối thu được đạt giá trị trung bình là 2 x 1011 CFU/g.  

8.      Đề tài: “Nghiên cứu một số điều kiện nuôi cấy chủng tụ huyết trùng lợn Pasteurella multocida”.

Bệnh tụ huyết trùng là bệnh gây nguy hiểm cho đàn lợn, thường xuất hiện ở những vùng ẩm thấp, khí hậu nhiệt đới nóng ẩm. Vắc xin tụ huyết trùng đã được sản xuất từ rất lâu xong hiệu quả chưa cao vì vậy hiện nay để tìm ra được loại vắc xin đạt hiệu quả hơn vẫn đang là vấn đề cần tìm hiểu. Trong quá trình sản xuất vắc xin thì khâu kiểm tra chất lượng chủng giống và đặc tính sinh hóa là bước đầu tiên và không kém phần quan trọng.

Trà My
Phòng tuyển sinh - Truyền thông trường Đại học Yersin Đà Lạt.
27 Tôn Thất Tùng, Phường 8, Tp. Đà Lạt
0911 66 20 22 - 0981 30 91 90

Tin tức liên quan