Giỗ tổ Hùng Vương (Di sản Văn hóa thế giới)
16/05/2017

 

     “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba”. Câu ca dao trên đã đi tiềm thức mỗi người dân Việt, được truyền từ đời này sang đời khác. Lễ hội Đền Hùng, từ xa xưa đã trở thành ngày Giỗ Tổ của nước Việt Nam ta. Năm 2009, Khu Di tích Đền Hùng Phú Thọ được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt. Năm 2012, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” được UNESCO công nhận là “Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”.

 

 

     Trên thế giới, hiếm có quốc gia nào có ngày Giỗ Tổ như Việt Nam. Vậy, nguồn gốc ngày Giỗ Tổ ở Việt Nam có hay không? Theo sử sách lưu lại cho thấy, hình thức sơ khai ngày Giỗ Tổ xuất hiện cách đây hơn 2000 năm. Thời Thục Phán (An Dương Vương), dựng Cột đá thề trên núi Nghĩa Lĩnh, ghi rõ: “Nguyện có đất trời lồng lộng chứng giám, nước Nam được trường tồn lưu ở miếu Tổ Hùng Vương. Xin đời đời trông nom lăng miếu họ Hùng, gìn giữ giang sơn mà Hùng Vương trao lại. Nếu nhạt hẹn, sai thề sẽ bị gió giăng, búa dập”. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, nhiều vị Vua mới lên ngôi, đã xác lập “Ngọc phả” thời đại Hùng Vương, khẳng định công lao các Vua Hùng đối với nước. Năm 986 triều Lê Đại Hành, có bản “Nam Việt Hùng Vương ngọc phả vĩnh truyền”, lần đầu tiên trong lịch sử ghi chép chi tiết 18 đời Vua Hùng, sau được sao lại vào năm Khải Định thứ 4 (1919). Bản ngọc phả thời Trần (1470) đời vua Lê Thánh Tông và vua Lê Kính Tông (1601) sao chép, đóng dấu kiềm để tại Đền Hùng, nói rằng: “Từ nhà Triệu, nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần đến triều đại ta bây giờ là Hồng Đức hậu Lê, vẫn cùng hương khói trong ngôi Đền ở làng Trung Nghĩa. Những ruộng đất sưu thuế từ xưa để lại, dùng vào việc cúng tế vẫn không thay đổi…”.

 

 

     Như vậy, từ thời hậu Lê trở về trước, các triều đại đều quản lý Đền Hùng theo cách giao thẳng cho dân sở tại trông nom, sửa chữa, cúng bái, làm Giỗ Tổ và họ được miễn nộp thuế 500 mẫu ruộng, miễn đóng sưu, miễn đi phu đi lính. Vậy, việc mở hội Đền Hùng – Giỗ Tổ Hùng Vương vào mùng Mười tháng Ba có từ bao giờ? Hiện nay, các bia kí, nhất là hai tấm bia ở Đền Thượng trên núi Hùng, nói rõ về lịch sử ngày Giỗ Tổ. Tấm “Hùng miếu điển lệ bi” lập năm Khải Định thứ 8 (1923) chép lại công văn của Bộ Lễ triều Nguyễn: “Xã Hy Cương, phủ Lâm Thao có Miếu lăng phụng thờ Hùng Vương ở núi Hùng, trải các năm, cả nước đến tế, thường lấy kì mùa thu, chọn vào ngày tốt làm lễ, chưa có việc định rõ ngày, mà tục lệ của dân xã đó lấy ngày Mười Một tháng Ba, làm lễ riêng… (Sự thể này dẫn tới chỗ) thường hứng bất kì, hội họp cũng lãng phí theo sở thích, còn lòng thành thì bị kém đi… (Vì thế) cẩn thận định lại rằng, từ nay về sau, lấy ngày Mùng Mười tháng Ba, phụng mệnh kính tế trước một ngày so với ngày hội tế của bản hạt, khiến nhân sĩ mọi miền đến đây có nơi chiêm bái”. Phần hai của văn bia, quy định: “Nay phụng mệnh theo Bộ Lễ, chuẩn định ngày quốc tế tại miếu Tổ Hùng Vương là ngày Mùng Mười tháng Ba. Chiều ngày Mùng Chín tháng Ba hằng năm, các quan liệt hiến trong tỉnh, cùng các quan viên trong cả phủ huyện của tỉnh, đều phải mặc phẩm phục, tề tựu túc trực tại nhà Công quán. Sáng hôm sau, tới miếu kính tế…”. Theo tấm bia “Hùng Vương từ khảo” đang đặt ở Đền Thượng trên núi Hùng, lập năm Bảo Đại thứ 15 (1940) viết: “Trước đây, ngày quốc tế lấy vào mùa thu làm định kỳ. Đến năm Khải Định thứ 2 (1917), Bộ Lễ ấn định ngày Mùng Mười tháng Ba hàng năm làm ngày quốc tế, tức trước ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đời thứ 18 một ngày. Còn ngày Giỗ (Mười Một tháng Ba) do dân sở tại làm lễ”. Kể từ đây, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, Mùng Mười tháng Ba âm lịch hàng năm, được chính thức hóa bằng luật pháp. Những năm hội chính, phần lễ gồm: Tế lễ của Triều đình, sau đó là phần lễ của dân. Còn phần hội, gồm các trò chơi dân gian và đặc biệt là các đêm Hát Xoan, Hát Ghẹo là hai làn điệu dân ca độc đáo của vùng đất Phong Châu. Sau Cách mạng tháng Tám (1945), Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm tới Đền Hùng – Giỗ Tổ. Ngày 18/2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 22 về những ngày nghỉ Tết – Lễ, trong đó có ngày Giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm. Sinh thời Bác Hồ đã hai lần về thăm Đền Hùng (1954 và 1962). Ngày 19/9/1954 tại Đền Hùng, Người đã căn dặn cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên phong, trước khi về tiếp quản thủ đô: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Những lần về thăm Đền Hùng, Bác thường căn dặn: “Phải chú ý bảo vệ, trồng thêm hoa, cây cối để Đền Hùng ngày càng trang nghiêm, đẹp đẽ, thành Công viên Lịch sử cho con cháu sau này đến tham quan”. Từ năm 2007, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra thông báo, Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày Lễ lớn trong năm; Quốc hội đã phê chuẩn Luật Lao động, cho người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương; Chính phủ đã ban hành Nghị định về Nghi lễ Nhà nước, quy định về quy mô tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương. Theo các văn bản này, lễ Giỗ Tổ được tổ chức vào ngày Quốc giỗ Mùng Mười tháng Ba âm lịch, tại nơi thờ tự chính thức các Vua Hùng – Khu Di tích Lịch sử Đền Hùng (xã Hy Cương, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ). Trong ngày Lễ này, nhân dân trong nước và ngoài nước có thể hành hương về Đất Tổ để cúng Giỗ. Còn tại các Đền thờ Vua Hùng, cộng đồng người Việt trong nước và nước ngoài, tùy điều kiện, tổ chức nghi thức Giỗ Vọng, hướng về Đất Tổ, để tưởng nhớ tổ tiên và cội nguồn dân tộc.  

 

 

      Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương không phải một tôn giáo, mà là biểu trưng của lòng thành kính, tri ân công đức các Vua Hùng có công dựng nước Văn Lang. Từ xa xưa, Giỗ Tổ Hùng Vương đã trở thành ngày Lễ trọng đại của cả dân tộc Việt Nam. Dù ở bất kỳ nơi đâu, cứ đến Mùng Mười tháng Ba âm lịch hàng năm, mọi người dân Việt Nam đều nhớ về Đất Tổ. Giỗ Tổ Hùng Vương – điểm hội tụ văn hóa tâm linh của người Việt, là biểu tượng của khối Đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam.

 

Những hình ảnh tại buổi lễ:













Hà Hữu Nết

Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng

Trà My
Phòng tuyển sinh - Truyền thông trường Đại học Yersin Đà Lạt.
27 Tôn Thất Tùng, Phường 8, Tp. Đà Lạt
0911 66 20 22 - 0981 30 91 90

Tin tức liên quan