Đầu tư mạnh mẽ vào Tây Nguyên
16/05/2017

 

       Ngày 17/5/2015 tại thành phố hoa Đà Lạt, Ban chỉ đạo Tây Nguyên phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và tỉnh Lâm Đồng, tổ chức “Hội nghị xúc tiến đầu tư và an sinh xã hội Tây Nguyên lần thứ 3”. Tham dự Hội nghị, có Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính Trị, Bộ trưởng Bộ Công an – Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên (chủ trì) và đại diện lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành Trung ương, các tỉnh Tây Nguyên và lân cận, các tổ chức tài chính, nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

 

Quang cảnh Hội nghị

 

       Hội nghị đã nghe báo cáo của Bộ Kế hoạch Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các Ngân hàng thương mại về thu hút vốn, cơ chế, chính sách, nhu cầu, định hướng và giải pháp thu hút đầu tư vào Tây Nguyên 2015 – 2018. Tại hội nghị, 13 Dự án được trao Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn 16.600 tỷ đồng, 8 Ngân hàng ký kết đầu tư vốn với 17 Doanh nghiệp vay 15.000 tỷ đồng, để đầu tư vào các lĩnh vực: Thủy điện, giao thông, nông nghiệp công nghệ cao, chăn nuôi… Phát biểu kết luận hội nghị, Đại tướng Trần Đại Quang khẳng định: Những năm qua, các tỉnh Tây Nguyên đã nỗ lực xúc tiến đầu tư, cải cách hành chính, tạo môi trường thông thoáng để thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước. Do vậy, đầu tư vào Tây Nguyên chuyển biến mạnh mẽ, đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, chưa có nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư uy tín, tiềm lực mạnh đầu tư vào các dự án lớn. Trong bối cảnh ngân sách Nhà nước còn hạn chế, việc nâng cao hiệu quả đầu tư vào Tây Nguyên là yêu cầu cấp thiết. Để Tây Nguyên phát triển nhanh, đồng bộ, bền vững rất cần sự quan tâm của Nhà nước, các Bộ, ngành, doanh nghiệp nhằm phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh toàn vùng.

 

Ký kết đầu tư

 

      Từ nay đến 2020, các tỉnh Tây Nguyên cần ưu tiên đầu tư vào các lĩnh vực: Phát triển kết cấu hạ tầng, giao thông, thủy lợi, thủy điện, thủy sản, bảo vệ môi trường sinh thái, nước sạch, điện khí hóa nông thôn. Tập trung phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, chế biến nông-lâm sản, vật liệu xây dựng và khai khoáng. Ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến cà phê, chè, cao su, ca cao, tiêu. Cần đa dạng hóa về quy mô, loại hình sản xuất, chế biến. Chú trọng phát triển các khu kinh tế cửa khẩu với Lào, Campuchia. Tăng cường hợp tác kinh tế biên giới, hành lang kinh tế Đông – Tây với các nước trong khu vực. Đẩy mạnh phát triển du lịch theo hướng phát huy tiềm năng, lợi thế về du lịch sinh thái rừng, núi, hang động, thác, hồ và văn hóa bản địa đạt tiêu chuẩn quốc tế. Quan tâm thu hút đầu tư phát triển giao thông vận tải, bưu chính, viễn thông, thương mại, ngân hàng, đào tạo nguồn nhân lực. Xây dựng các trung tâm thương mại, hợp tác xã dịch vụ ở thành thị, nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng căn cứ cách mạng. Củng cố các cơ sở thu mua hàng xuất khẩu, hàng đặc sản từng địa phương.

 

      Đại tướng Trần Đại Quang nhấn mạnh, các tỉnh Tây Nguyên cần đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách, môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất để thu hút càng nhiều nhà đầu tư, đến với Tây Nguyên hùng vĩ. Đêm giao lưu nghệ thuật “Khát vọng Đại Ngàn” tại Đà Lạt thật ấn tượng và ý nghĩa. Hơn 170 tỷ đồng của các ngân hàng, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã ủng hộ chương trình “An sinh xã hội” vì Tây Nguyên ngày càng giàu đẹp.

 

Hà Hữu Nết

Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng

Trà My
Phòng tuyển sinh - Truyền thông trường Đại học Yersin Đà Lạt.
27 Tôn Thất Tùng, Phường 8, Tp. Đà Lạt
0911 66 20 22 - 0981 30 91 90

Tin tức liên quan