Minimalist hay chủ nghĩa tối giản là một trào lưu nghệ thuật đã thâm nhập vào các tác phẩm đương đại của hội hoạ cũng như kiến trúc, nội thất Việt Nam khoảng hai thập niên trở lại đây. Khi cuộc sống gấp gáp, chật chội và phức tạp thì một không gian tối giản càng có chỗ đứng mạnh mẽ.
Hình thái kiến trúc và nội thất phong cách tối giản chủ yếu phục vụ giới trẻ, được người châu Âu ứng dụng triệt để, từ việc phân chia không gian, màu sắc, vật liệu đến cách lấy gió và ánh sáng đều đạt sự nhất quán cao, qua đó giảm thiểu việc tiêu thụ năng lượng và đưa sinh hoạt thường nhật gần hơn với môi trường tự nhiên. Tuy đã thành trào lưu nhưng những căn hộ hoặc nhà phố đạt được phong cách minimalist ở Việt Nam còn vô cùng hiếm hoi. Nguyên nhân từ hai phía, thiết kế và chủ nhà, nhưng chủ nhà là yếu tố quyết định. Việc chủ nhà can thiệp quá sâu hoặc thay đổi ý tưởng liên tục là trở ngại lớn và kết quả sẽ là một công trình thiếu đồng nhất.
Không gian sử dụng nối liền giữa bếp – bàn ăn và bàn khách, làm việc. Ánh sáng được dùng theo từng khu vực cụ thể, tạo cảm giác cho không gian những khu chức năng rành mạch.
Là mẫu doanh nhân U40 khoáng đạt nhưng chỉnh chu và nghiêm túc trong công việc, anh Quang rất coi trọng tính thực dụng trong không gian sống. Vốn là người sống có đam mê, yêu cái đẹp và biết đánh giá đúng cái đẹp, điều anh muốn tránh trong cuộc sống là sự phù phiếm và những giá trị thừa của sự tiện nghi. Sống với cậu con trai, điều đó cũng lý giải tại sao anh Quang lựa chọn xu hướng minimalist cho căn hộ yên tĩnh của mình ở khu đô thị Ciputra (Hà Nội). KTS Christopher Đỗ đã đạt được sự đồng nhất và tin cậy của chủ nhà ngay từ lần đầu làm việc. Căn hộ với diện tích mặt bằng 135m2 đã được thay đổi thành một không gian thoáng, ít chi tiết, hữu dụng và tiện nghi. Không gian được chia lại để đạt sự tối giản trong thị giác và lấy tối đa ánh sáng tự nhiên. Căn hộ hai phòng ngủ có cửa sổ kính khá lớn chạy suốt cả ba mặt, phòng khách chung với phòng làm việc và phòng ăn. Không gian còn được phân chia bằng cách bố trí các vùng ánh sáng. Với chiều cao khiêm tốn 2,6m của trần nhà, giải pháp giật cấp khiến bề mặt trần “vui” hơn, các khoảng lõm kết hợp đèn âm tạo thứ ánh sáng phản chiếu êm dịu cho căn hộ, các vùng sáng được tăng cường bằng đèn rọi mang lại cảm giác mạch lạc vừa đủ của ánh sáng, làm trần nhà cao và thoáng hơn. Cách phân chia vùng sáng cũng phối hợp nhịp nhàng với các góc cắt trên trần.
- Ảnh bên : Sơ đồ mặt bằng sau cải tạo
Các vùng chức năng như tủ áo, góc nghe nhìn, kho,… đều được thiết kế âm tường nhằm tạo cảm giác thoáng nhất có thể. Đồ nội thất của căn hộ được thiết kế riêng chỉ với một tông màu gỗ đơn sắc có láy nhẹ chút xanh mát của mảng kính trong bếp và chút màu ấm của đá được dùng trang trí trong toilet. Không có sự ngăn cách không gian bởi việc dùng các vách kính linh hoạt khiến phòng vệ sinh và buồng tắm gần như nối liền với buồng ngủ.
Căn hộ là một minh chứng về khả năng thể hiện ý tưởng của kiến trúc sư khi đạt được đồng thuận cao với chủ nhà, bởi qua đó cái tôi của chủ nhà được kiến trúc sư thể hiện bằng chính ngôn ngữ kiến trúc nội thất.
trái: Góc phòng khách, các phương tiện giải trí được đặt trong các hốc thiết kế riêng, đảm bảo cho sự thuần nhất về hình khối đồ nội thất. Các đường cắt của trần và tường giao nhau nhịp nhàng ở các góc, tạo sự mạch lạc theo phong cách tối giản / phải: Phòng vệ sinh và tắm phụ.
trái: Khu vực bàn ăn liền kề bếp với tủ âm tường, kiến trúc sư dùng một tấm gương lớn áp tường, hiệu ứng nhân đôi không gian, tạo cho người ngồi cảm giác thoáng rộng / phải: Bếp với các thiết bị hiện đại được thiết kế trong không gian gọn và đủ cho cuộc sống độc thân
trái: Tủ sách cũng đặt âm tường, toàn bộ nội thất làm bằng gỗ Oak (sồi). Đèn trần ngoài tác dụng dịu mắt còn đem lại cho không gian vẻ đẹp hiện đại. / phải: Góc làm việc.
trái: Cách dùng rèm cửa nhẹ nhàng có tác dụng điều tiết ánh sáng tốt và thanh thoát, vách cửa vào kho được xử lý như một chiếc gương, tạo chiều sâu cho không gian. / phải: Phòng tắm được xử lý với tối giản màu, kính nối liền phòng ngủ khiến không gian mở
TRẦN QUỐC TUẤN