Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ý nghĩa to lớn đối với lịch sử dân tộc và thời đại
16/05/2017

 

Từ cuối thế kỷ XIX, sau khi xâm lược Việt Nam, thực dân Pháp đã thi hành chính sách thống trị thâm độc và tàn bạo, thẳng tay chém giết những người Việt Nam yêu nước, cướp đoạt ruộng đất, tài nguyên, bóc lột tàn bạo và thực hiện chính sách ngu dân đối với người dân Việt Nam; chúng chia cắt Việt Nam thành 3 kỳ nhằm xóa tên nước Việt Nam trên bản đồ thế giới. Nhưng, thực dân Pháp luôn vấp phải sự phản kháng mạnh mẽ của nhân dân Việt Nam. Các cuộc khởi nghĩa và phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân Việt Nam đã liên tiếp nổ ra. Tuy vậy, sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc chưa thể thành công vì các lực lượng đấu tranh và những người yêu nước thiếu một hệ tư tưởng cách mạng, một lập trường đúng đắn về độc lập, tự do và phát triển xã hội, tiêu biểu cho nguyện vọng chung của cả dân tộc, đáp ứng xu thế tiến hóa của quốc gia dân tộc trong thời đại mới.

 

Cách mạng tháng 8 – Bước ngoặt trong lịch sử dân tộc

 Trước đòi hỏi bức thiết của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đó là Nguyễn Ái Quốc đã nhận sứ mệnh lịch sử tìm một con đường mới cho sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc. Trên cơ sở nguồn giá trị văn hóa tư tưởng và truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kế thừa và nghiên cứu học hỏi, chọn lọc, tiếp thu nguồn giá trị văn hóa tư tưởng phương Đông và phương Tây, của các cuộc cách mạng tiêu biểu ở Mỹ, Pháp, đặc biệt là kinh nghiệm của Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga- cuộc cách mạng mở ra nội dung mới của thời đại – thời đại quá độ của nhân loại từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội. Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch ra được một hệ tư tưởng cách mạng sáng tạo mang tầm vóc một học thuyết giải phóng và phát triển vì độc lập tự do của các dân tộc bị áp bức. Chủ nghĩa Mác – Lê-nin là nền tảng tư tưởng trực tiếp để Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam (ngày 3-2-1930) – là kết quả của sự kết hợp chủ nghĩa Mác-Lê-nin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, một đội cách mạng tiên phong của dân tộc có đủ khả năng quy tụ, đoàn kết toàn dân tộc thành một khối, đấu tranh giành lại quyền độc lập tự do cho dân tộc Việt Nam.

 Khi phát-xít Nhật tấn công Ðông Dương (tháng 9-1940), thực dân Pháp đầu hàng Nhật, nhân dân Việt Nam từ đó phải chịu hai tầng áp bức của quân phiệt Nhật và thực dân Pháp. Tháng 6-1941, Liên Xô tuyên chiến với phát -xít Đức. Sau đó, phe Đồng minh quốc tế chống phát-xít gồm Liên Xô, Trung Quốc, Anh, Mỹ ra đời. Thắng lợi của Hồng quân Liên Xô và phe Đồng minh đập tan trục phát- xít Đức- Ý- Nhật là cơ hội, là điều kiện khách quan thuận lợi để nhân dân Việt Nam vùng lên giành chính quyền. Có một thực tế lịch sử là vào lúc đó, tháng 8-1945, khi mà điều kiện khách quan nhìn chung thuận lợi như nhau, nhưng chỉ có Việt Nam làm cách mạng thành công nhanh chóng và triệt để trong vòng 15 ngày, còn hầu hết các nước khác trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói chung, Đông Nam Á nói riêng, đã không thể đứng lên làm cách mạng, giành chính quyền.

 Cách mạng Tháng Tám thành công do nhiều nguyên nhân, nhưng một trong những nguyên nhân thành công của Cách mạng Tháng Tám là Đảng Cộng sản Việt Nam và lãnh tụ Hồ Chí Minh đã biết kết hợp điều kiện khách quan thuận lợi từ bên ngoài với những điều kiện chủ quan trong nước đã được chuẩn bị và phát triển qua ba cao trào cách mạng: 1930-1931 và Xô-viết Nghệ Tĩnh, phong trào dân chủ 1936-1939 và cao trào giải phóng dân tộc 1939-1945 với sức chiến đấu ngoan cường và hy sinh to lớn của biết bao đảng viên cộng sản, chiến sĩ và đồng bào yêu nước đã ngã xuống vì độc lập tự do cho dân tộc. Trong bản Tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố ngày 2-9-1945, Người khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy.”

 Nhưng sau ngày độc lập, đất nước Việt Nam lại phải đương đầu với sự phản kích điên cuồng của thực dân, đế quốc và các thế lực thù địch khác. Nhà nước cách mạng non trẻ đứng trước nhiều thử thách, khó khăn chồng chất, thù trong giặc ngoài… Tình thế đất nước cam go ví như “ngàn cân treo sợi tóc”. Nhưng với thế và lực mới được tạo ra từ Cách mạng Tháng Tám, với một nhà nước kiểu mới và dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam lại kiên cường bước vào cuộc trường chinh dài suốt 30 năm đầy hy sinh, gian khổ, lập lên chiến thắng Điện Biên Phủ (năm 1954) và Đại thắng mùa Xuân năm 1975 với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Đất nước thống nhất và bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

 


Tổng khởi nghĩa tại Hà Nội

Lịch sử tuy đã lùi xa nhưng ý nghĩa lịch sử và giá trị những bài học của Cách mạng Tháng Tám cũng như thành quả 70 năm xây dựng đất nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) vẫn mãi là hành trang, nguồn cổ vũ lớn lao để chúng ta tiếp bước trên con đường xây dựng một nước Việt Nam: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Trích Báo ĐCSVN

Trà My
Phòng tuyển sinh - Truyền thông trường Đại học Yersin Đà Lạt.
27 Tôn Thất Tùng, Phường 8, Tp. Đà Lạt
0911 66 20 22 - 0981 30 91 90

Tin tức liên quan