TTO – Yêu cầu tuyển dụng từ các công ty luôn là những ứng viên có khả năng làm việc chuyên nghiệp và hiệu quả. Vậy yếu tố chuyên nghiệp được các nhà tuyển dụng đánh giá như thế nào? Qua quá trình tuyển dụng, chúng tôi đã đúc kết được 4 nhóm kỹ năng quan trọng để thành công trong nghề nghiệp ở bất cứ lĩnh vực nào. Những kỹ năng này được chia thành 4 nhóm chính: 1. Kỹ năng cơ bản: § Kỹ năng tiếp nhận thông tin: là khả năng nghiên cứu và tự học, cụ thể như: đọc hiểu, lắng nghe, tra cứu tìm kiếm thông tin, biết đánh giá chọn lọc thông tin, nắm bắt nhanh và hiểu sâu rộng vấn đề cần nghiên cứu. § Kỹ năng truyền đạt thông tin: là khả năng diễn đạt hiệu quả và chính xác những điều mình muốn, cụ thể như: sử dụng nhiều ngôn ngữ để giao tiếp, viết hoặc vẽ ra các thông điệp cần truyền đạt, ghi chép nhanh, đầy đủ và chính xác; có khả năng diễn đạt rõ ràng, trôi chảy, thuyết phục bằng lời nói với ngôn ngữ, điệu bộ thích hợp tình huống và đối tượng lắng nghe. § Kỹ năng làm việc với con số: tính nhẩm nhanh chính xác để kiểm tra kết quả mà không cần sử dụng máy tính, nắm bắt nhanh ý nghĩa của những con số, sử dụng những con số để lượng hóa các vấn đề, biết sử dụng các phương pháp phân tích, thống kê, dự báo để xử lý dữ liệu, lập biểu đồ, đồ thị diễn tả quy luật và xu hướng biến động của những con số. § Kỹ năng lên kế hoạch và tổ chức công việc: có sự đầu tư suy nghĩ và chuẩn bị chu đáo cho mọi công việc cần làm, phân bổ thời gian, thứ tự hợp lý cho từng hoạt động, sắp xếp công việc một cách khoa học, giúp tiết kiệm được công sức, sử dụng tối ưu hóa các nguồn lực. § Kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông: sử dụng thành thạo máy tính, các phần mềm ứng dụng chuyên nghiệp, Internet… để phục vụ yêu cầu công việc. 2. Kỹ năng tư duy: § Kỹ năng tư duy logic và sáng tạo: có khả năng suy luận các vấn đề theo một trình tự hợp lý, có tính khoa học, đưa ra các ý tưởng mới và hữu ích, hoặc kết hợp các ý tưởng và thông tin theo những cách thức mới, có cách suy nghĩ khác với những lối mòn tư duy cũ, có khả năng mở rộng tư duy vượt mọi giới hạn. § Kỹ năng nhìn nhận khách quan và tư duy tích cực: suy xét đánh giá các vấn đề trên nhiều phương diện, tránh được những suy nghĩ chủ quan, nhìn nhận các vấn đề một cách lạc quan, nhờ đó có khả năng tự tạo động lực cho bản thân và truyền năng lượng tích cực cho người khác. § Kỹ năng giải quyết vấn đề: biết cách xác định chính xác vấn đề cần xử lý, giải quyết các vấn đề theo trình tự ưu tiên, tìm ra nguyên nhân cốt lõi của vấn đề để giải quyết triệt để và không để vấn đề lặp lại trong tương lai, phản ứng nhanh, linh hoạt, kịp thời trong những tình huống bất ngờ. § Kỹ năng ra quyết định: biết xác định các mục tiêu, đưa ra nhiều giải pháp để đạt được mục tiêu; cân nhắc những ưu và nhược điểm của từng giải pháp, tầm nhìn sâu rộng để lường trước những hậu quả có thể xảy ra, đưa ra lựa chọn tốt nhất, kịp thời, chính xác. 3. Kỹ năng làm việc với con người: § Kỹ năng giao tiếp ứng xử: biết cách thể hiện sự cảm thông, quan tâm, thiện chí của mình để tạo thiện cảm và ấn tượng tốt với người khác; biết cách tiếp nhận ý kiến, tâm tư tình cảm của người khác; biết cách cư xử hợp tình hợp lý trong mọi hoàn cảnh. Có khả năng thiết lập mối quan hệ mới, củng cố và phát triển mối quan hệ cũ. § Kỹ năng làm việc đội nhóm: có thái độ hợp tác, tích cực cho công việc chung, chịu trách nhiệm cao nhất đối với phần việc của mình, sẵn sàng hỗ trợ, động viên các thành viên hoàn thành nhiệm vụ tốt nhất, nghiêm túc tuân thủ những nguyên tắc làm việc của tổ chức. Dễ dàng hòa hợp, thích nghi tốt với môi trường làm việc đa văn hóa, am hiểu và tôn trọng những khác biệt của mỗi cá nhân để có cách hành xử thích hợp với từng đối tượng. § Kỹ năng đàm phán: có khả năng xác định mục tiêu chung giữa các bên, trình bày rõ ràng các yếu tố và lập luận của mình, đặt mình vào vị trí người khác và lắng nghe họ trình bày, đề xuất các phương án hợp lý hợp tình để đi đến thỏa hiệp. § Kỹ năng lãnh đạo: có khả năng xác định mục tiêu, thuyết phục, khuyến khích các thành viên cùng nỗ lực đạt đến, có khả năng tạo sự tin tưởng, ủng hộ, đồng thuận của mọi người. 4. Kỹ năng quản lý bản thân: § Kỹ năng nhận thức và hoàn thiện bản thân: có khả năng am hiểu sâu sắc về năng lực, nhu cầu của bản thân, xác định mục tiêu sống rõ ràng và thực tế, tự giám sát tiến trình thực hiện mục tiêu đã đề ra, tích cực trong việc trau dồi bản thân cả về thể chất lẫn tinh thần, có khả năng tự động viên tinh thần, củng cố niềm tin của bản thân, giữ thăng bằng cuộc sống và công việc, khả năng kiểm soát cảm xúc và hành vi. § Kỹ năng nhận lãnh trách nhiệm và thử thách: tự nhận thức được sứ mệnh của mình, phân định rõ phạm vi trách nhiệm và quyền hạn, chủ động tìm kiếm vấn đề để giải quyết, khó khăn thử thách để chinh phục, nỗ lực tối đa hoàn thành nhiệm vụ, luôn đặt lợi ích chung lên hàng đầu, sẵn sàng chịu trách nhiệm về những việc mình làm. § Kỹ năng tuân thủ đạo đức nghề nghiệp: biết phân định rạch ròi giữa đúng và sai, suy nghĩ và hành xử theo đúng những chuẩn mực đạo đức của nghề nghiệp, tổ chức, xã hội. Luôn trung thực, minh bạch, kiên quyết bảo vệ đến cùng những điều mình cho là đúng. |
http://chuyentrang.tuoitre.vn/