Cuộc thi “Thiết kế nhà ở an toàn, cộng đồng bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu khu vực ven biển” này là một sáng kiến của dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” do Quỹ Khí hậu xanh (GCF), UNDP và Chính phủ Việt Nam hỗ trợ. Chàng sinh viên Kiến trúc với đôi bàn tay và khối óc tài năng – Nguyễn Trần Trường Giang là gương mặt mặt xuất sắc đạt giải khuyến khích trong cuộc thi “Thiết kế nhà ở an toàn, cộng đồng bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu khu vực ven biển” với phương án “Làng nổi trên cọc”.
Cuộc thi được phát động vào ngày 22/5/2019 đã thu hút sự tham gia của nhiều cá nhân, công ty tư vấn thiết kế và gần 600 sinh viên từ 14 trường đại học trên toàn quốc. Nhiều ý tưởng thiết kế nhà ở với ý tưởng độc đáo, giải pháp thiết thực và sáng tạo đã được đề xuất.
Sinh viên Nguyễn Trần Trường Giang vinh dự nhận bằng khen tại lễ trao giải
Chia sẻ về phương án “Làng nổi trên cọc”, Trường Giang cho biết: “Trong viễn cảnh biến đổi khí hậu vô cùng phức tạp như hiện nay ảnh hưởng hết sức nghiêm trọng đến đời sống của người dân, đặc biệt là những vùng đồng bằng ngập trũng như đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Cửu Long là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề bởi những tác động xấu trên. Vậy nên cần đưa ra một giải pháp cấp bách và thực tiễn để giải quyết những vấn đề này.”
Trong quá trình thực nghiệm và nghiên cứu vùng ven biển Gò Công Đông, có thể thấy ở đây có một hệ sinh thái vô cùng đặc trưng và đa dạng, có tiềm năng kinh tế và phát triển bền vững sinh thái. Nhưng trong quá trình chịu ảnh hưởng trực tiếp từ biến đổi khí hậu và các tác động xấu từ việc khai thác quá mức bãi bồi để phục vụ nuôi nghêu và phá hủy rừng để nuôi tôm và dưa hấu làm cho hệ sinh thái nơi đây đang chết dần đi, kèm theo đó là quá trình xâm thực sạt lở mạnh diễn ra ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, nơi ở của hàng trăm hộ dân nơi đây. Trong tương lai gần, nếu không đưa ra một giải pháp hữu hiệu thì sẽ mất hoàn toàn hệ thống rừng ngập mặn còn lại, bãi bồi cũng sẽ không còn và tình trạng sạt lở sẽ diễn ra mạnh và phức tạp hơn dẫn đến tình trạng không còn nơi để ở.
Vì thế giải pháp của Trường Giang là đưa ra một mô hình nhà ở trên cọc thích ứng và phát triển bền vững với biến đổi khí hậu, kiến trúc sinh thái thân thiện với môi trường.
Gắn liền với phương châm đào tạo của Trường Đọc Yersin Đà Lạt đó là đào tạo gắn liền với thực tiễn. Mô hình nhà ở theo lối kiến trúc cộng đồng, kết nối những con người lại với nhau tăng tính đoàn kết dân tộc, lưu giữ và phát huy những truyền thống, nét đặc trưng văn hóa dân tộc kèm theo đó là phát triển những làng nghề lâu đời của những người dân địa phương. Tái cấu trúc cảnh quan vùng, trồng rừng trên hệ thống bãi bồi đan xem với các hoạt động nuôi trồng và đánh bắt ở nơi đây để khôi phục lại hệ sinh thái vốn có của nó. Tạo thêm nguồn thu nhập lớn từ du lịch sinh thái, giáo dục ý thức của cộng đồng về việc bảo vệ và phát triển môi trường – hệ sinh thái tự nhiên.
Sinh viên Nguyễn Trần Trường Giang với phương án “Làng nổi trên cọc” đã giành được giải khuyến khích tại cuộc thi.
Hình ảnh bằng khen được ban tổ chức trao.
Mai Huyền