Đứng đón tôi ở cửa phòng trọ là chàng trai với gương mặt thông minh và nụ cười rạng rỡ, hồn nhiên. Nếu chỉ nhìn gương mặt em khi cười thì không ai nghĩ em là một thanh niên tật nguyền.
Đó là Đặng Đình Quý, em bị căn bệnh bại não lại ở trong hoàn cảnh gia đình cũng vô cùng khó khăn và nay đang là sinh viên năm thứ 3 khoa Quản trị Du lịch trường Đại học Yersin Đà Lạt đồng thời em cũng là tác giả kịch bản phim “Những mùa hè đã qua” với hơn 1000 trang bản thảo viết tay và một kịch bản đang viết “Con đường mới”.
Quý được sinh ra ở một xã nghèo thuộc huyện Phủ Cừ, Hưng Yên. Chị Hoa – mẹ Quý kể: Lúc sinh ra Quý bị ngạt mãi ba ngày sau em mới khóc và một tuần sau Quý mới mở được mắt. Suốt hai mươi ngày đầu đời Quý đã không thể bú, bà và mẹ đã phải bón cho em từng thìa nước cháo. Ba tuổi rưỡi Quý vẫn không thể nâng được đầu mình chỉ nằm gọi mẹ. Gia đình đã đưa Quý đi khám bệnh ở viện Nhi Trung ương, các bác sĩ bảo rằng em bị bại não. Căn bệnh đó đã khiến đôi chân em đi lại vô cùng khó khăn. Sau một đợt phẫu thuật, bốn tuổi Quý mới tự đi được, nhưng vẫn để lại di chứng trên đôi tay không bình thường và khả năng phát âm rất khó khăn của em.
Mẹ ơi, mẹ đừng buồn
Do thể lực yếu nên bảy tuổi, Quý mới bắt đầu đi học, bù lại Quý có trí nhớ tốt và rất ham học. Nhưng con đường tới trường của em đầy gian khổ. Suốt những năm học tiểu học và PTCS cả khi đã đã đi được xe đạp, em luôn bị ngã, vì thế chân tay em lúc nào cũng đầy vết sẹo. Quý không sợ ngã cũng không sợ đau và rất ít khi cậu khóc. Chị Hoa rất xót xa mỗi khi con ngã và nhiều lần chị đã khóc vì thương con. Khi thấy mẹ khóc Quý thường nói: Mẹ đừng buồn, có gì mà mẹ phải khóc. Nhưng có một lần em đã khóc như mưa, như gió – Em kể với tôi – Lần đó, một bạn nói với em: “Mày là thằng ăn bám, sống như mày chỉ làm khổ bố mẹ mày thôi”.
Không đầu hàng số phận, Quý vẫn đến trường với ngón tay giữa của em đã chai sần thành cục vì cầm bút. Việc cầm bút với em là việc nhọc nhằn khó khăn hơn cả việc đi bộ tới trường. Đến bây giờ việc cầm bút với em vẫn không khá hơn được, chính vì vậy mà hai năm thi vào trường luật em đều thiếu một điểm, dù em rất tự tin vào kiến thức trong bài thi của mình.
Mẹ ơi ! Con sẽ bước tiếp
Năm 1997, Quý học lớp 6, bố mẹ đã đưa em đi chữa bệnh lần nữa. Sau lần phẫu thuật này em mới có thể tự đi xe đạp.
Do quá nghèo vì phải chạy chữa cho con, bố mẹ Quý đã để hai anh em ở nhà cùng bà và cô rồi vào định cư ở Lâm Hà, Lâm Đồng.
Học hết lớp 9, Quý và em trai mới vào ở cùng cha mẹ, khi đó gia đình em lại càng khó khăn hơn vì nợ nần do cà phê mất giá mà tiền đất chưa trả xong. Em kể với giọng hồn nhiên nhưng phát âm vẫn khó nghe: “Em đã ở nhà hai năm và đi câu cá. Bố em đã bàn với mẹ: Nó tàn tật cho nó học như thế đủ rồi, tới năm hai mốt tuổi lấy vợ cho nó, sau này mình già thì con nó cũng đã lớn, chăm sóc được nó, mình cũng yên tâm”.
Quý đã không theo sự sắp đặt của bố mẹ, em muốn tự mình vươn tới những ước mơ, tự mình vượt qua bệnh tật. Quý nghĩ: Phải học mới có thể tự lo cho bản thân được. Mẹ em cũng ủng hộ ý chí ham học của em.
Được một người quen của bố mẹ trên Đà Lạt cưu mang, Quý đã lên Đà Lạt học bổ túc hai năm ba lớp. Ban đêm em đi học, ban ngày em tới thư viện. Khí hậu Đà Lạt vào buổi tối sương xuống nhiều nên rất lạnh, đặc biệt là vào những ngày mưa, nhưng Quý vần đều đặn đạp xe 6 cây số mỗi tối về nhà người quen ở đường Thánh Mẫu. Quý còn hài hước: Tối nào em cũng đi qua nghĩa trang mà không gặp “cụ” nào cả. Cả tôi và em cùng cười.
Nhà Quý cách trường bổ túc hơn 70 km. Mỗi lần về thăm nhà, khi trở lại trường hai mẹ con phải đi từ ba giờ đêm để đón xe lên Đà Lạt. Từ nhà hai mẹ con chỉ mặc quần áo bẩn, ra tới quốc lộ mới thay đồ sạch, vì phải qua toàn đường đất đỏ.
Tôi hỏi Quý: Điều gì đã thôi thúc em viết kịch bản phim “Những mùa hè đã qua”? Quý đáp: Em đã xem phim “Bao giờ cho đến tháng mười” của đạo diễn Đặng Nhật Minh vài lần. Một hôm, ở thư viện em tìm được một cuốn sách văn học có nhiều kịch bản trong đó có kịch bản văn học “Bao giờ cho đến tháng mười”. Xem phim rồi, em tò mò đọc kịch bản, đọc xong em nghĩ: Mình cũng sẽ viết được/.
Đúng! Quý đã viết được bằng niềm tin vào chính mình. Kịch bản phim “những mùa hè đã qua” với 1026 trang viết tay với 40 nhân vật. Quý đã sống trong tâm trạng của 40 nhân vật với 40 tính cách và hoàn cảnh khác nhau. Có lẽ chỉ có niềm tin cộng với ý chí sắt đá mới thôi thúc người ta làm nên những điều tưởng như khó có thể làm được với một người tật nguyền, đến cầm bút cũng vô cùng khó khăn/.
Ước mơ và lòng nhân ái
Tôi bị cuốn hút bởi lối nói chuyện dí dỏm nhưng tự tin của em. Ở em toát lên niềm lạc quan yêu đời, em cũng là người rất giàu lòng nhân ái.
Nhiều người khuyết tật thường mặc cảm, buồn chán về số phận của mình, nhưng với Quý, tôi thấy ở em thái độ lạc quan vui sống và tin ở tương lai. Khi tôi hỏi về ước mơ của em, Quý tâm sự: Tình cờ em đọc mẩu chuyện về Abraham Lincoln. Ông nhận bào chữa cho một thân chủ giàu có. Thay vì cãi cho thân chủ thắng kiện thì ông lại khuyên thân chủ của mình hãy để cho người ta thắng vì họ nghèo quá. Sau này em mới biết Abraham Lincoln là tổng thống thứ 16 của Mỹ và là người có công chấm dứt nội chiến Mỹ, giải phóng chế độ nô lệ miền Nam nước Mỹ, thống nhất hai miền đất nước. Em ước mơ trở thành luật sư từ đó, luật sư để bào chữa cho người nghèo. Quý dự định sẽ học tiếp để trở thành luật sư, sau khi tốt nghiệp cử nhân Quản trị Du lịch.
Học ngành Quản trị Du lịch, em tin vào kiến thức của mình vì em có một phương pháp học: Tư duy tích cực, nghiên cứu sáng tạo chứ không thụ động học thuộc những kiến thức ghi được trên giảng đường. Hàng ngày Quý dành ra 6 đến 8 tiếng để tìm kiếm và khai thác những “hạt ngọc kiến thức” trong “đại dương” Internet. Quý không thích la cà ở các quán cà phê, em miệt mài bổ túc kiến thức cho mình hàng ngày qua mạng.
Gia đình và bạn bè cùng lớp, cùng khoa của em đều nói: Em sống rất tình cảm và giàu lòng nhân ái. Tiếp xúc với em tôi cũng nhận ra điều đó. Mẹ em cho biết: Khi em trai của Quý thi đậu vào khoa Du lịch Đại học Đà Lạt, năm đó Quý cũng đủ điểm vào trường đại học nhưng kinh tế gia đình còn khó khăn nên em đã nhường em trai vào đại học trước, còn em để tới năm sau. Kinh tế gia đình em giờ đã khá hơn với 7 ha cà phê, phải thuê thêm lao động. Quý vẫn nói với mẹ: Người ta nghèo hơn mình nên mới đi làm thuê, mình nên tôn trọng họ. Nay mẹ có thể cho Quý nhiều tiền hơn để ăn học, nhưng em quen sống giản dị nên luôn dành dụm để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Nói chuyện với tôi mẹ em cho biết: Chị rất tự hào về Quý vì dưới mắt mọi người Quý không còn là người tàn tật.
Tôi cũng như các thầy cô giáo, các bạn sinh viên trường Đại học Yersin Đà Lạt luôn nghĩ rằng Đặng Đình Quý là con người mạnh mẽ, bằng niềm tin mãnh liệt vào chính mình, bằng nghị lực và niềm vui sống lạc quan em đã vượt qua mọi trở ngại của hoàn cảnh và số phận.
Cô Nguyễn Thị Rạng – Cán bộ phòng Công tác sinh viên