Thực hiện Chỉ thị số: 01 CT/TWĐTN ngày 17 tháng 5 năm 2013 của Ban Thường vụ Trung ương Đoàn, Ban Thường vụ Đoàn trường Đại học Yersin Đà Lạt xây dựng quy định những điều cán bộ Đoàn, Hội nên làm và không nên làm như sau:
Nên làm: Xung kích; Trách nhiệm; Gương mẫu; Trung thực; Sáng tạo; Thân thiện; Thường xuyên học tập; Tích cực rèn luyện kỹ năng.
Không nên làm: Phát ngôn không đúng; Làm việc hình thức, đối phó; Quan liêu, hành chính hóa; Thiếu khiêm tốn và không cầu thị; Không chấp hành kỷ luật; Thiếu tinh thần đoàn kết; Thiếu ý chí đấu tranh; Thiếu chuẩn mực trong lối sống.
Cụ thể như sau:
I. NHỮNG ĐIỀU NÊN LÀM
1. Xung kích
Xung kích đảm nhận thực hiện việc mới, việc khó, nhiệm vụ quan trọng của tổ chức Đoàn, Hội cấp Khoa, cấp Trường;
Xung kích trong học tập nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ;
Xung kích thực hiện nếp sống văn hóa mới, nhất là trong việc cưới, việc tang, tổ chức và tham gia lễ hội.
2. Trách nhiệm
Với bản thân: nghiêm khắc với chính mình, giữ gìn phẩm chất trong sáng, lối sống đẹp; thường xuyên rèn luyện thể chất, giữ gìn sức khỏe để học tập, công tác.
Với công việc: tiếp nhận đầy đủ chủ trương công tác; suy nghĩ tích cực, toàn diện và thận trọng; tham mưu hoặc chỉ đạo triển khai công việc đến nơi đến chốn; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, đánh giá; nêu cao trách nhiệm trong bảo vệ và sử dụng hiệu quả tài sản, phương tiện làm việc chung.
Với đồng nghiệp và đoàn viên, thanh niên: giữ gìn đoàn kết nội bộ; tôn trọng danh dự, phẩm chất, năng lực của người khác, có tình đồng chí; tôn trọng và giữ lời hứa.
3. Gương mẫu
Gương mẫu chấp hành quy định của Đảng, Nhà nước, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các tổ chức, đoàn thể mà mình tham gia;
Gương mẫu tự phê bình và phê bình trong mọi công việc và mọi sinh hoạt chính quyền, đoàn thể; nói đi đôi với làm; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; chấp hành nghiêm túc thời gian, bảo đảm tiến độ công việc.
4. Trung thực
Trung thực trong công việc, đặc biệt là trong báo cáo, thi đua, khen thưởng và thành tích cá nhân mình đạt được;
Trung thực trong lời nói và hành động;
Trung thực trong cuộc sống: công tâm, khách quan, có chính kiến, sống ngay thẳng.
5. Sáng tạo
Sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của bản thân và cơ quan, đơn vị;
Sáng tạo trong tổ chức các hoạt động của Đoàn; tích cực hiến kế, đóng góp các giải pháp nâng cao chất lượng công tác đoàn và phong trào thanh niên.
Nhạy bén trong nắm bắt tình hình thời sự, chính trị trong nước và thế giới; năng động, kịp thời xác định phương châm hành động cho bản thân và tập thể của mình.
6. Thân thiện
Xây dựng phương pháp giao tiếp hòa đồng với thanh niên, gần gũi, lắng nghe, tôn trọng và thấu hiểu thanh thiếu nhi;
Thường xuyên gặp gỡ, nắm chắc tình hình thanh niên tại nơi công tác, học tập, sinh sống; định kỳ tham gia sinh hoạt chi đoàn, đi cơ sở, tham gia hoạt động với đoàn viên, thanh niên, sẵn sàng giúp đỡ thanh thiếu niên chậm tiến.
7. Thường xuyên học tập
Xây dựng thói quen thường xuyên đọc sách, báo và các tài liệu phục vụ yêu cầu công tác;
Tích cực học tập lý luận, đúc rút thực tiễn, trau dồi kiến thức lý luận chính trị và chuyên môn, nghiệp vụ;
Chủ động, tích cực và cầu thị trong học hỏi cán bộ lớp trước, đồng chí, đồng nghiệp về vốn sống, kinh nghiệm, thực tiễn công tác;
Tích cực học tập ngoại ngữ, tin học, kiến thức xã hội; thường xuyên nắm bắt, tìm hiểu, học tập các mô hình, cách làm hay trong công tác đoàn và phong trào thanh niên.
8. Tích cực rèn luyện kỹ năng
Rèn luyện kỹ năng thanh vận, nói, viết, thuyết trình; kỹ năng làm việc nhóm; kỹ năng thiết kế, tổ chức các hoạt động tập thể; kỹ năng quản lý, điều hành.
II. NHỮNG ĐIỀU KHÔNG NÊN LÀM
1. Phát ngôn không đúng
Nói, viết không đúng nội dung cương lĩnh chính trị, Điều lệ, Nghị quyết, Chủ trương của Đảng, của Đoàn;
Nói, viết không đúng bản chất sự thật, phát ngôn về những việc mình chưa nắm rõ;
Nói, viết, góp ý về công việc, về người khác thiếu tính xây dựng, không đúng lúc, không đúng chỗ; hoặc ngược lại, bàng quan không thể hiện chính kiến trước vấn đề cần tham gia.
2. Làm việc hình thức, đối phó
Triển khai công việc không sát sao, có hoạt động nhưng không rõ hiệu quả;
Triển khai các chương trình, mô hình công tác một cách rập khuôn, máy móc, không phù hợp với tổ chức Đoàn cấp Khoa, cấp Trường;
Vì thành tích nên báo cáo chung chung, thiếu kiểm chứng và đánh giá thiếu nghiêm túc, bưng bít thông tin, thiếu dân chủ, thiếu minh bạch;
Chọn việc dễ nổi tiếng, cốt để khẳng định cá nhân mà ít chú ý đến chiều sâu và tính thiết thực.
3. Quan liêu, hành chính hóa
Ban hành nhiều văn bản, giấy tờ, nặng về tổ chức hội họp mà ít trực tiếp đôn đốc, kiểm tra, giám sát công việc;
Ưa dùng mệnh lệnh, sai khiến cấp dưới, cán bộ, đoàn viên; kiêu căng, tự mãn, tự đặt mình lên trên người khác; không lắng nghe ý kiến tập thể, thiếu kỹ năng phối hợp làm việc nhóm;
Đánh giá, tham mưu chỉ dựa trên báo cáo của cấp dưới, thiếu cơ sở thực tiễn; thiếu quan tâm, gần gũi, lắng nghe ý kiến của đoàn viên, thanh niên.
4. Thiếu khiêm tốn và không cầu thị
Làm được việc nhỏ mà tự cho là thành công lớn, hay khoe khoang, thích được khen, ngại phê bình;
Tự thỏa mãn với bản thân; không chịu học hỏi đồng chí, đồng nghiệp; thiếu ý chí phấn đấu, rèn luyện.
5. Không chấp hành kỷ luật
Đi làm muộn, về sớm; tham gia hoặc điều hành cuộc họp thiếu nghiêm túc; làm việc riêng trong giờ hành chính; chấp hành không nghiêm túc quy định về không uống rượu, bia trước và trong giờ làm việc và các quy định khác trong nội quy, quy chế của Trường, Lớp;
Thiếu tôn trọng điều lệ, kỷ cương, kỷ luật của Đoàn, tổ chức sinh hoạt đoàn không đúng nề nếp, dễ dãi trong công tác quản lý đoàn viên và trong đánh giá cán bộ.
6. Thiếu tinh thần đoàn kết
Không có tinh thần hợp tác; định kiến với những người có đức có tài, hẹp hòi, kèn cựa, không ưa người khác hơn mình;
Chỉ vì lợi ích cá nhân hoặc đơn vị nhỏ của mình mà không xem xét toàn thể đến lợi ích chung lớn hơn;
Kéo bè, kéo cánh gây chia rẽ tập thể, a dua, xu nịnh, che đậy lẫn nhau hoặc dèm pha, nói xấu, đơn thư nặc danh… nhằm hạ uy tín người khác.
7. Thiếu ý chí đấu tranh
Không dám phê bình đồng chí trước mặt, trong các sinh hoạt tập thể nhưng lại nói sau lưng;
Nghe dư luận không đúng cũng không định hướng, không trao đổi trở lại;
Thấy việc có hại cho tổ chức, cho đoàn viên cũng để mặc, không ngăn cản hoặc không đấu tranh đúng phương pháp, có phản ứng tiêu cực, không hợp lý.
8. Thiếu chuẩn mực trong lối sống
Lạm dụng việc uống rượu, bia; tham gia hoặc tổ chức đánh cờ, đánh bài ăn tiền; vui đùa quá mức mà thiếu giữ gìn chuẩn mực trong quan hệ nam nữ;
Trang phục thiếu nghiêm túc hoặc nghi lễ thái quá, không phù hợp với hoàn cảnh công việc;
Ứng xử chung thiếu văn hóa, văn minh, không phù hợp với chuẩn mực đạo đức và thuần phong mỹ tục, truyền thống dân tộc.