Kính thưa quý thầy cô, các bạn sinh viên thân mến, trong buổi chào cờ đầu năm 2013 hôm nay, tôi xin đọc bài viết “Bác Hồ nói về việc sửa đổi lề lối làm việc”.
Kính thưa quý thầy cô, các bạn sinh viên thân mến,
Năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết cuốn “Sửa đổi lối làm việc”, tổng hợp và vạch rõ những căn bệnh bắt nguồn từ chủ nghĩa cá nhân có thể làm ảnh hưởng đến uy tín và danh dự, thậm chí phá hỏng cả sự nghiệp vẻ vang của Ðảng ta.
Theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một Nhà nước do Ðảng Cộng sản lãnh đạo là Nhà nước kiểu mới, khác về bản chất và tổ chức so với Nhà nước của các giai cấp bóc lột. Ðó là Nhà nước của dân, do dân, vì dân và nhân dân là người chủ thực sự. Ðảng Cộng sản cầm quyền là lực lượng chính trị lãnh đạo Nhà nước cùng toàn thể xã hội. Ðảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Ðảng có trách nhiệm vạch ra đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn để lãnh đạo Nhà nước và nhân dân cùng thực hiện, nhưng đồng thời, Ðảng cũng phải chịu trách nhiệm trước nhân dân về tất cả những kết quả đúng – sai, thành công – thất bại theo định hướng mà Ðảng đã đề ra.
Hiểu rõ bản chất và vai trò lãnh đạo của Ðảng nên từ năm 1947, Người đã viết cuốn Sửa đổi lối làm việc để xây dựng cách lãnh đạo và lề lối làm việc, làm cẩm nang cho cán bộ đảng viên trong điều kiện Ðảng cầm quyền. Sau khi tổng hợp và vạch rõ những căn bệnh bắt nguồn từ chủ nghĩa cá nhân có thể làm ảnh hưởng đến uy tín và danh dự, thậm chí phá hỏng cả sự nghiệp vẻ vang của Ðảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ đảng viên, trước hết là lãnh đạo chủ chốt thật sự có đức, có tài, tiêu biểu cho trí tuệ, danh dự, lương tâm của Ðảng Cộng sản. Qua thực tiễn hoạt động và những thành quả cách mạng đã đạt được, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên một số bài học mà chúng ta cần nghiêm túc nghiên cứu, áp dụng sáng tạo trong hoàn cảnh Ðảng ta đang kiên trì và nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ then chốt là xây dựng Ðảng, vững mạnh trên cả ba mặt: chính trị, tư tưởng và tổ chức.
1. Có cán bộ tốt, việc gì cũng xong
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém. Ðó là một chân lý nhất định”. Ngay từ khi chính quyền cách mạng nhân dân được thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời những nhân sĩ, học giả, trí thức của xã hội cũ ra làm việc và tham gia vào công tác chính quyền. Tất cả những ai có chuyên môn, cần dùng vào lĩnh vực nào nếu có nhiệt tâm đều được trọng dụng. Bên cạnh việc đào tạo và rèn luyện đội ngũ cán bộ cần kiệm liêm chính, chí công vô tư làm công bộc cho dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi các ngành các cấp và địa phương tìm và tiến cử nhân tài để kiến quốc. Nhờ sự góp sức đồng lòng của toàn dân, toàn quân mà cuộc kháng chiến trường kỳ của ta thắng lợi vẻ vang và sự nghiệp cách mạng của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Ðảng từng bước phát triển bền vững. Ngày nay, các thế hệ cán bộ của chúng ta được đào tạo cơ bản, đầy đủ, chính quy với số lượng đông đảo thường xuyên nhưng thực tế chất lượng cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, không ít cán bộ lãnh đạo sa vào tham nhũng, lãng phí, quan liêu khiến nhân dân bất bình, giảm lòng tin. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở: “Trong các ngành hoạt động của chúng ta, nào chính trị, kinh tế, nào quân sự, văn hóa, chắc không thiếu những người có năng lực, có sáng kiến. Nhưng vì cách lãnh đạo của ta còn kém, thói quan liêu còn nồng cho nên có những người như thế cũng bị dìm xuống, không được cất nhắc. Muốn tránh khỏi sự hao phí nhân tài, chúng ta cần phải sửa chữa cách lãnh đạo. Thí dụ: Bắt buộc cán bộ trong mỗi ngành phải thiết thực báo cáo và cất nhắc nhân tài”.
2. Chính sách thì đúng, cách làm thì sai
Những đường lối, chính sách của Ðảng và Nhà nước ban hành hoàn toàn đúng, nhưng xuống đến các địa phương thì bị thực hiện sai lệch hoặc thực hiện không đến nơi đến chốn, đánh trống bỏ dùi. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận xét nguyên nhân của sự việc là vì chúng ta không xét đến nguyên nhân cơ bản: trách nhiệm và năng lực của những người thi hành chính sách, một điều rất đơn giản: “Tức là vô luận việc gì, đều do người làm ra, và từ nhỏ đến to, từ gần đến xa, đều thế cả”. Như vậy, những người cụ thể điều hành và chỉ đạo chính sách thực tế ở cơ sở cũng quan liêu, không kiểm tra, kiểm soát sát sao, mà cũng có thể do chủ quan, kế hoạch không ăn khớp với hoàn cảnh, lý thuyết áp dụng chéo chân, cốt lấy thành tích cho xong chuyện, kết quả là công sức, tiền của, chất xám, thời gian đổ vào đầu tư đều phí phạm. Thí dụ, khẩu hiệu dạy tốt – học tốt của ngành giáo dục. Chủ trương thì đúng nhưng thực tế là rất nhiều trường chạy đua lấy thành tích cao, lấy tiếng trường điểm nên đối phó, nâng điểm, chữa điểm, dễ dãi trong thi cử và ghi học bạ theo yêu cầu cho nên học sinh mất gốc, giáo viên biến chất. Thậm chí tại một trường PTTH chuẩn của thành phố Hà Nội, người ta còn sửa điều cuối trong 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng thành: Tăng cường rèn luyện sức khỏe để phục vụ cho phong trào thể dục thể thao nhà trường! Ngoài ra, một số địa phương cũng chạy theo thành tích, tất cả vì thành tích và danh hiệu cho nên thi đua ồ ạt, đã thiếu kinh nghiệm lại thêm nóng vội kết quả cố đấm ăn xôi, xôi lại hỏng. Cũng vì thế nên Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Bất kỳ việc gì, chúng ta phải bắt đầu từ gốc, dần dần đến ngọn, từ ít đến nhiều, từ hẹp đến rộng, chớ nên tham mau, tham nhiều trong một lúc”.
3. Phải nâng cao sáng kiến và lòng hăng hái
Trong tiến trình phát triển của cách mạng nước ta, trải qua các cuộc kháng chiến trường kỳ anh dũng, chúng ta đã nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến đấu và sản xuất, phát huy nhiều sáng kiến và khích lệ tinh thần hăng hái cống hiến của quân và dân ta. Trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thì dường như những sáng kiến và sự hăng hái không bằng thời kỳ trước. Cũng có nhiều cá nhân và tập thể doanh nghiệp đưa ra nhiều công trình, phát minh trong lĩnh vực khoa học, công nghệ vì nhu cầu thực tế và phát triển kinh doanh nhưng trong các cơ quan hành chính sự nghiệp thì phần nhiều ý tưởng tự phát chứ chưa phải tự giác. Muốn phát huy được sáng kiến và lòng hăng hái thì phải đầu tư điều kiện phát triển về cả tinh thần và vật chất mà trong đó, như Chủ tịch Hồ Chí Minh vạch rõ rằng, chính cách lãnh đạo không được dân chủ và công tác tư tưởng không được tích cực là nguyên nhân cản trở sáng kiến và làm nguội nhiệt tình. Hiện tượng này cụ thể là: “Ðối với những người lãnh đạo, các đảng viên và các cán bộ dù có ý kiến cũng không dám nói, dù muốn phê bình cũng sợ, không dám phê bình. Thành thử cấp trên với cấp dưới cách biệt nhau… Trên thì tưởng cái gì cũng tốt đẹp. Dưới thì có gì không dám nói ra”. Chính vì những ấm ức, bức xúc để bụng nên cán bộ không thoải mái hăng hái đưa ra sáng kiến, họ sẽ dùng nhiều thời gian vàng ngọc xả bớt những chán nản dồn nén, sinh ra hiện tượng không nói trước mặt, chỉ nói sau lưng và nhiều thói xấu khác nữa. Ðể giải quyết triệt để hiện tượng này thì cấp trên cũng nên thỉnh thoảng trưng cầu ý kiến phê bình của cấp dưới và đồng thời người lãnh đạo: “Phải biết cách phê bình sáng suốt, khôn khéo, như chiếu tấm gương cho mọi người soi thấu những khuyết điểm của mình, để tự mình sửa chữa”. Khi đã thoải mái, hăng hái rồi ắt sẽ có sáng kiến. Bên cạnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng cho rằng hai chữ sáng kiến không nên sử dụng một cách mênh mông không thiết thực, chỉ nêu ra để đấy hoặc không khả thi, làm không mang lợi chỉ thêm tốn tiền của công sức tập thể sẽ trở thành tối kiến. Chúng ta cũng nên xác định rằng: “Sáng kiến không phải cái gì kỳ lạ. Nó chỉ là kết quả của sự nghiên cứu, suy nghĩ trong những hoàn cảnh, trong những điều kiện rất tầm thường, rất phổ thông, rất thiết thực”. Cách hữu hiệu nhất để phát huy sáng kiến và lòng hăng hái là mở rộng dân chủ, khuyến khích cán bộ đảng viên ham học hỏi, nghiên cứu sáng tạo và lãnh đạo cần phải khen ngợi đúng người đúng việc.
Ðại hội toàn quốc lần thứ XI của Ðảng đã thống nhất quyết tâm tạo chuyển biến rõ rệt về công tác xây dựng Ðảng, để Ðảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, đoàn kết nhất trí, gắn bó mật thiết với nhân dân, có phương thức lãnh đạo khoa học, có đội ngũ cán bộ đảng viên đủ phẩm chất và năng lực. Chính vì vậy, trong giai đoạn cách mạng quan trọng này, chúng ta càng phải đi sâu nghiên cứu những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh để áp dụng vào quá trình đổi mới và hội nhập, đặc biệt là một số bài học trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc của Người sẽ giúp cán bộ đảng viên càng hiểu rõ trách nhiệm của mình, ra sức rèn luyện và phấn đấu để: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Ðảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
Xin chân thành cảm ơn sự chú ý lắng nghe của quý thầy cô và các bạn sinh viên.
Xin kính chúc quý thầy cô và các bạn sinh viên có một năm mới thật mạnh khỏe, đạt được thật nhiều thành tích trong giảng dạy và học tập, phấn đấu nâng cao chất lượng dạy và học của trường Đại học Yersin Đà Lạt.