Nông dân đi học để làm giàu
16/05/2017

 

            Đào tạo nghề cho nông dân đang được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Nông dân được dạy nghề để có công ăn việc làm, tạo thu nhập ổn định đời sống. Có nhiều lớp dạy nghề cho nông dân đã được mở ở nhiều địa phương trong tỉnh Lâm Đồng như lớp dạy nghề mây tre đan, lớp dạy may công nghiệp, dạy đan móc len. Nhưng có một lớp học được rất nhiều người quan tâm đó là lớp dạy nghề trồng chăm sóc cà phê cho chính người dân trồng cà phê bao đời nay tại xã Xuân Trường, thành phố Đà Lạt

            Lớp sơ cấp nghề trồng cà phê đã được Trung tâm Dạy nghề Đại học Đà Lạt phối hợp với Phòng Lao động thương binh và Xã hội thành phố Đà Lạt tổ chức cho bà con nông dân tại xã Xuân Trường. Học viên của lớp học này, già có trẻ có, nam có nữ có nhưng họ có một điểm chung là tất cả đều là những người dân trồng cà phê tại địa phương. Họ đến với lớp học không phải để có công ăn việc làm mới, hay tạo thu nhập xóa đói giảm nghèo cho bản thân gia đình, mà họ đi học để làm giàu. Bởi vì cây cà phê đã gắn bó với họ bao đời nay, đã  cho họ ổn định thu nhập đời sống. Nhưng nay, họ đến với lớp học nghề này là để tiếp thu những kỹ thuật canh tác mới thay cho kiểu canh tác truyền thống lâu nay và áp dụng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Để từ đó giảm được ngày công lao động, chi phí đầu tư mà lại nâng cao được hiệu quả thu nhập. Và lớp sơ cấp trồng và chăm sóc cây cà phê đã phần nào đáp ứng được điều đó. Lúc đầu, khi mới nghe tên của lớp học nhiều người đã cho rằng đây là một việc là thừa, và trồng cà phê thì ai cần đi học. Nhưng khi lớp học được tổ chức vài buổi thì người dân tham gia ngày một đông. Đến với lớp học, người dân đã được tiếp cận với nhiều kiến thức bổ ích từ việc chọn giống, làm đất, thời điểm trồng, mật độ trồng, phân bón thuốc bảo vệ thực vật, kỹ thuật tỉa cành, thu hái và phơi sấy… ” Để dạy nghề trồng cà phê cho bà con nông dân trồng cà phê, chúng tôi đã chuẩn bị giáo trình rất kỹ càng. Những nội dung kiến thức về cây cà phê đẫ được chúng tôi nghiên cứu thu thập, tập hợp rất khoa học với những giảng viên giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp. Chúng tôi cũng đã nghiên cứu khảo sát rất kỹ về cây cà phê của địa phương nơi đây. Tôi dám khẳng định rằng nếu bà con nông dân làm theo đúng quy trình phương pháp trồng cà phê của giáo trình chúng tôi truyền dạy thì năng suất hiệu quả tăng lên gấp bội”, ông Đinh Quý Lân – Giám đốc trung tâm dạy nghề Đại học Yersin Đà Lạt, Ban tổ chức lớp học chia sẻ.

            Hiện nay lớp sơ cấp trồng chăm sóc cà phê đầu tiên tại Xuân Trường sau hơn 3 tháng đã kết thúc với gần 300 học viên đã tốt nghiệp. “Có công mài sắt có ngày nên kim”, hiện nay có nhiều học viên đã áp dụng thành công những kiến thức của lớp học vào vườn rẫy của mình. Anh Phạm Văn Dũng – một học viên của lớp học cho biết: “Tôi là một người trồng cà phê lâu năm, nhưng đến với lớp học này, tôi thực sự đã tiếp thu được nhiều kiến thức mới mẻ mà những người trồng cà phê truyền thống không hề biết. Chúng tôi vừa học vừa thực hành trên rẫy cà phê của gia đình và thấy hiệu quả rõ rệt. Trước đây, chúng tôi thường trồng cà phê catimo với mật độ thưa và sử dụng nhiều loại phân bón và thuốc bảo vệ thực vật rất tốn kém. Nhưng sau khi được hướng dẫn cách trồng dày hơn để tạo độ tán xạ ánh sang cho cây. Những cây trưởng thành chúng tôi bón phân đúng thời điểm và bón những loại phân có chất dinh dưỡng mà cây cần, nên hạn chế được chi phí đầu tư mà cây vẫn tốt”. Không chỉ học trên sách vở mà Ban tổ chức lớp học còn cho các học viên đi tham quan các mô hình trồng cà phê tiêu biểu ở các địa phương trong tỉnh để học hỏi kinh nghiệm. Các giáo viên cũng đã dạy cho các học viên thực hành ngay trên vườn cà phê của mình, nên người dân tiếp thu rất nhanh và vận dụng rất thành công những kiến thức đã học.

            Dẫn chúng tôi tham quan những mô hình trồng cà phê của các học viên vừa tốt nghiệp khóa học, nhìn những vườn cà phê xanh mơn mởn trĩu quả, ông Lê Thìn – Chủ tịch hội nông dân xã Xuân Trường vui vẻ nói: “Bà con nông dân chúng tôi trồng cà phê là chủ yếu. Mấy vụ trước đây cà phê của bà con thường bị rụng lá và tỉ lệ đậu trái không cao. Nhưng từ khi tham gia lớp học và được hướng dẫn trồng chăm sóc cà phê theo phương pháp mới thì cà phê của bà con phát triển rất tốt và đang báo hiệu một vụ mùa bộn thu”. Không chỉ học cho mình mà những học viên tham gia lớp học cũng đã tuyên truyền phổ biến những kiến thức đã tiếp thu được tại lớp học ho bà con nhân dân địa phương học tập và làm theo.

           Xã Xuân Trường hiện nay có 1.270ha đất nông nghiệp, trong đó có hơn 1 ngàn ha trồng cà phê. Hy vọng việc vận dụng thành công những kiến thức khoa học mới vào sản xuất cà phê theo hướng nông nghiệp công nghệ cao sẽ nâng cao thu nhập làm giàu cho gia đình và xã hội.

Tác giả Duy Danh

 

 

Trà My
Phòng tuyển sinh - Truyền thông trường Đại học Yersin Đà Lạt.
27 Tôn Thất Tùng, Phường 8, Tp. Đà Lạt
0911 66 20 22 - 0981 30 91 90

Tin tức liên quan