Ngày 04/4/2015, nhiều người dân Việt Nam và một phần thế giới mãn nhãn, thưởng ngoạn Nguyệt thực toàn phần duy nhất trong năm 2015. Cụ thể, pha một phần lúc 17h15’, pha toàn phần lúc 18h57’ (cực đại 19h) kết thúc lúc 19h02’, pha một phần kết thúc 20h44’, Mặt Trăng ra khỏi vùng bóng tối lúc 21h59’ và kết thúc hoàn toàn sự kiện này.
* Nguyệt thực (Mặt Trăng máu) là hiện tượng thiên văn tự nhiên, khi Mặt Trăng đi vào vùng bóng tối của Trái Đất, đối diện với Mặt Trời. Khi Nguyệt thực toàn phần diễn ra, tia Mặt Trời trước khi đến Mặt Trăng đã chiếu vào chóp bóng Trái Đất và bị khí quyển khúc xạ. Các tia sáng bước sóng ngắn bị cản lại hết, chỉ còn các tia bước sóng dài (đỏ, cam) xuyên qua. Do đó, Mặt Trăng thường hiện ra với màu đỏ hoặc cam.
* 3 kiểu Nguyệt thực chính: Nguyệt thực toàn phần, khi Mặt Trăng đi vào vùng bóng tối toàn phần của Trái Đất, lúc này Mặt Trăng có màu đỏ đồng hoặc cam sẫm. Nguyệt thực bán phần, khi Mặt Trăng đi qua nửa tối Trái Đất, lúc ấy Mặt Trăng sẽ tối đi một nửa. Nguyệt thực một phần, khi Mặt Trăng đi vào một phần tối Trái Đất, khi ấy Mặt Trăng tối đi một phần.
* Quan niệm về Nguyệt thực: Người Ai Cập cổ đại nhìn Nguyệt thực như con lợn nái nuốt Mặt Trăng. Người Maya thấy như con chó đốm, người Trung Quốc thấy như con cóc 3 chân nuốt Mặt Trăng. Một số nước khác nghĩ rằng, Nguyệt thực như một con quỷ đang nuốt Mặt Trăng, có thể xua đuổi, nguyền rủa nó. Người Việt Nam xưa, quan niệm phải cứu Mặt Trăng, bằng cách gõ mõ để đuổi chó ngao ăn Mặt Trăng. Một số dân tộc, tôn giáo khác trên thế giới quan niệm, khi Mặt Trăng máu xuất hiện, sẽ có đại họa với loài người. Đây là những quan niệm sai lầm, thiếu căn cứ khoa học. Thực ra, Nguyệt thực chỉ là cái bóng của Trái Đất đang che khuất Mặt Trăng.
Hà Hữu Nết
Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng