Câu chuyện của Bác với trẻ em và ngành Giáo dục
16/05/2017

      Kính thưa: Quý thầy cô,



      Trong buổi chào cờ hôm nay, tôi xin đọc bài viếtCâu chuyện của Bác với trẻ em và ngành Giáo dục”.

 

      Bác Hồ yêu các cháu, hiểu các cháu, tin tưởng các cháu. Vì đó là tương lai của dân tộc. Đó là những mầm, những búp trên cành…

      Tình yêu đó thấm đậm chất người.

      Một sự tình cờ đầy ý nghĩa – sau Ngày sinh của Bác Hồ là sắp đến Tết Thiếu nhi Quốc tế 1-6.

      07 giờ ngày 27.

      Bác gọi chị Thu Trà đến hỏi về tình hình có một số cháu học sinh miền Nam nghịch ngợm, quấy phá mà Bác được nghe báo cáo. Việc đó là có thật.

      Nhưng Bác hỏi về khía cạnh khác: Các cô, các chú dạy dỗ thế nào? Bởi lúc ba má các cháu gửi ra ngoài Bắc thì các cháu đều ngoan và ba má các cháu đều tin tưởng ở hậu phương.

      Bác nhắc phải chú ý đến việc các cháu thiếu tình cảm gia đình, phải tìm cách bù đắp.

      Rồi Bác kết luận: Lỗi các cháu một phần thì lỗi của người lớn chúng ta mười phần.

      Quả nhiên, sau này đưa các cháu đến với sự chăm sóc của các gia đình cán bộ khác thì các cháu đỡ hẳn chuyện gây gổ, nghịch ngợm. Phần Bác cũng nhận chăm sóc một cháu trai, hai cháu gái, con đồng chí Nguyễn Hữu Thọ

      Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam.

      Bác luôn luôn coi trẻ em cũng là một nhân cách, một thực thể đáng tôn trọng, chứ không chỉ đáng yêu mến.

      Nhớ hồi năm 1957, một hôm Bác hỏi tôi chuyện riêng tư:

      – Chú Kỳ này! Có bao giờ chú đánh con không?

      Tôi ấp úng vì quả là lúc giận quá tôi cũng có đánh các cháu.

      Không dám giấu Bác, tôi thú thật:

      – Thưa Bác! Khi nóng giận cũng có lúc tôi đánh dọa vài roi ạ.

      Bác vẫn không cao giọng, nhưng nghe thấy nghiêm khắc hơn:

      – Thế là dã man đấy, chú ạ.

      Tôi suy ngẫm thấy rất đúng.

      Bác nhìn nhận khuyết điểm, nhược điểm của con người một cách bình tĩnh như hiểu cái lẽ tự nhiên “bàn tay có ngón dài ngón ngắn vậy”. Tấm lòng Bác mở rộng, bao dung cho tất cả…

      Bác không nói trẻ em hư, không nói con người hỏng, mà nhận xét có một số chậm tiến, có một số cụ thể có lúc nào đó, ở chỗ nào đó chưa tốt, chưa hay lắm. Cái chưa hay, chưa tốt ấy cần được uốn nắn một cách chân tình và kịp thời.

      Kính thưa: Quý thầy cô,

      Từ lâu, đạo học và truyền thống “tôn sư trọng đạo” đã trở thành một nếp văn hoá đi sâu vào tiềm thức của mỗi người dân Việt Nam. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám, đất nước ta phải đối đầu với ba thứ giặc“giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm”. Trong đó, giặc dốt là thứ giặc nội xâm vô cùng nguy hiểm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Do đó, vấn đề cấp thiết đặt ra là phải nhanh chóng tiêu diệt thứ giặc này và vai trò của những người làm công tác giáo dục, những người dạy chữ càng quan trọng hơn lúc nào hết. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định:“Không có thầy giáo thì không có giáo dục… không có giáo dục, không có cán bộ thì không nói gì đến kinh tế – văn hoá”. Trong thời kỳ hội nhập, những vấn đề về chất lượng giáo dục, đạo đức người giáo viên… đang đặt ra những vấn đề cần suy nghĩ. Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục một lần nữa soi đường cho thế hệ hôm nay tiếp bước.

      Trong cuộc đời của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những thời điểm trực tiếp là nhà giáo. Từ tháng 9 năm 1910 đến trước tháng 2 năm 1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành dạy học ở Trường Dục Thanh, Phan Thiết. Sau khi đến với chủ nghĩa Mác – Lê-nin, trong những năm 1925 – 1927, Nguyễn Ái Quốc về Quảng Châu (Trung Quốc), trực tiếp mở các lớp huấn luyện chính trị cho thanh niên, thiếu niên Việt Nam yêu nước, trực tiếp lãnh đạo và là giảng viên chính của các khóa học. Người là tấm gương sáng ngời về đạo đức, tinh thần tự học và sự sáng tạo để mọi người học tập và noi theo. Năm 1941, sau 30 năm bôn ba ở nước ngoài, Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Người luôn chăm lo việc đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cho cách mạng; tổ chức và chỉ đạo từng bước xây dựng nền giáo dục cách mạng, nhằm thực hiện công cuộc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước, giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ.

      Công cuộc đổi mới đất nước đang đặt ra nhiều yêu cầu cần nâng cao trình độ, năng lực, phẩm chất nhà giáo. Có được những thế hệ giảng viên tốt là điều khẳng định chắc chắn nhất sự đi lên của tri thức, trình độ phát triển giáo dục của dân tộc và góp phần quan trọng cho thắng lợi của công cuộc hội nhập quốc tế, xây dựng và phát triển đất nước hôm nay./.

      Xin chân thành cảm ơn sự chú ý lắng nghe của quý thầy cô.

      Kính chúc quý thầy cô có một tuần làm việc thật hiệu quả.

Cô Nguyễn Thị Hồng Hạnh

Giảng viên khoa Điều dưỡng

Trà My
Phòng tuyển sinh - Truyền thông trường Đại học Yersin Đà Lạt.
27 Tôn Thất Tùng, Phường 8, Tp. Đà Lạt
0911 66 20 22 - 0981 30 91 90

Tin tức liên quan