Thi đua là cùng nhau mang hết khả năng, năng lực nhằm thúc đẩy lẫn nhau đạt thành tích tốt trong công tác. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hết sức quan tâm đến công tác thi đua – khen thưởng. Người nói: “Thi đua khen thưởng là động lực phát triển và là biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới”.
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác thi đua – khen thưởng, Ban Giám hiệu Trường Đại học Yersin Đà Lạt đã ban hành Quyết định số 180/QĐ-DYD ngày 10 tháng 9 năm 2010 về Quy chế thi đua khen thưởng trong Nhà trường. Sự ra đời của Quy chế này đã tạo điều kiện quan trọng thúc đẩy phong trào thi đua trong Nhà trường trên mọi lĩnh vực hoạt động từ: hoạt động phong trào, cho đến hoạt động gảng dạy của giảng viên và học tập nghiên cứu khoa học của sinh viên…, góp phần quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của Nhà trường đề ra.
Đã có nhiều bài học kinh nghiệm được rút ra từ các phong trào thi đua như việc thường xuyên nâng cao nhận thức của các Chi ủy, Lãnh đạo các đơn về vị trí, vai trò công tác thi đua – khen thưởng. Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, thời gian qua Nhà trường đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa Đảng ủy, Ban Giám hiệu, Lãnh đạo các Khoa – Phòng và các Tổ chức đoàn thể nhằm tạo sức mạnh tổng hợp thúc đẩy phong trào thi đua…
Một trong những bài học kinh nghiệm qua tổ chức phong trào thi đua đó là: Nêu cao vai trò của người cán bộ trực tiếp làm công tác thi đua. Khi nói đến thi đua là nói đến phong trào. Chúng ta thường vẫn có câu: “Cán bộ nào phong trào đó” hàm ý đề cao về vai trò của người cán bộ trực tiếp làm phong trào. Đối với người làm công tác thi đua, ngoài việc nắm vững các chủ trương đường lối chình sách của Đảng và Nhà nước, kiến thức chuyên môn nghiệp vụ cần có lòng nhiệt tình với công việc và phải có năng lực trong tổ chức phong trào, gần gũi với mọi người, cụ thể, tỉ mỉ trong từng công việc để hướng cho mọi người trong tập thể phấn đấu đạt mục tiêu đề ra.
Một kinh nghiệm nữa trong công tác thi đua – khen thưởng đó là thực hiện việc khen thưởng công bằng, kịp thời. Tâm lý chung của mỗi người đều mong muốn được Lãnh đạo đánh giá đúng sự cố gắng, tích cực của bản thân mình. Mỗi lời động viên, khích lệ đúng lúc của người Lãnh đạo sẽ có tác dụng tích cực, làm cho người được khen có tâm trạng phấn khởi hơn và kết quả công việc đương nhiên sẽ tốt hơn. Trong một tập thể có nhiều người như thế sẽ tạo không khí vui tươi đoàn kết, hỗ trợ nhau để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Việc khen thưởng không nhất thiết phải đến kỳ sơ kết, tổng kết phong trào mới đưa bình xét mà cần phải tiến hành hàng ngày. Thực hiện tốt điều này là chúng ta đã duy trì được thường xuyên phong trào thi đua như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn “Thi đua yên nước phải được tiến hành thường xuyên, liên tục hàng ngày”./.
Thế Anh.
(Nguồn tham khảo: http://tuphaphatinh.gov.vn/home/default/explorer/news/68?folder_id=18)