https://admin.yersin.edu.vn//Uploads/files/2022-06/2.-logo-website01(4).png

Tin tức - Sự kiện

Trang chủ Tin tức - Sự kiện

Phải biết quan tâm tới mọi người hơn

Ngày đăng 16/05/2017 | Lượt xem: 2428

Người đã đi xa nhưng tư tưởng và tấm gương đạo đức ngời sáng của Người vẫn còn sống mãi với thời gian, sống mãi trong lòng dân tộc, sống mãi với non sông, đất nước Việt Nam.

 

Kính thưa quý thầy cô giáo,

Mỗi chúng ta đều hiểu rõ một điều: Tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là sự kết tinh truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại, là tài sản tinh thần vô giá của nhân dân ta. Mỗi người Việt Nam khi nhớ tới Bác là nhớ tới công ơn trời biển của người trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, giành độc lập, thống nhất đất nước và gắn liền với sự nghiệp đó là tư tưởng và tấm gương đạo đức sáng ngời của Người. Đạo đức Hồ Chí Minh không chỉ là tấm gương tu dưỡng các đức tính tốt, mà còn là tấm gương ứng sử theo truyền thống văn hóa ViệtNam. Đây là chuẩn mực đạo đức, mà những người con Phật chúng tôi luôn noi theo và lấy đó là kim chỉ nam cho mình trong cuộc sống.

Kính thưa quý thầy cô giáo,

Được tham gia kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, khi tìm hiểu và được nghe nhiều câu chuyện về Bác, tôi thật sự xúc động và thêm yêu kính Bác. Hôm nay, tôi xin được kể câu chuyện: “Phải biết quan tâm tới mọi người” theo cuốn “Bác Hồ với chiến sĩ”. Đó là một trong muôn vàn câu chuyện thường ngày về Bác, nhưng đã đẻ lại trong tôi những ấn tượng sâu sắc về tấm gương đạo đức của Người.

Chuyện kể rằng: Hồi trường Đảng Nguyễn Ái Quốc còn ở căn cứ Việt Bắc. Một lần, Bác Hồ đến dự lễ bế giảng của trường, khi xuống thăm nhà bếp, thấy làm cỗ có vẻ linh đình, Bác nói với đồng chí phụ trách trường: “Này! bế giảng chứ không phải bế bụng đâu nhé, kháng chiến còn khó khăn lắm đấy mấy chú ạ!”.

Đến bữa ăn, thấy mâm cơm chỉ có một bát, một đôi đũa, Bác hỏi: “Thế Bác ăn với ai”. Đồng chí phụ trách gãi đầu gãi tai: “Dạ, xin để Bác ăn riêng cho tiện…”. Bác ngắt lời: “Không tiện gì cả! Thế các chú muốn Bác ăn trên ngồi tróc à?”. Và Bác đồi bê các món ăn của cán bộ, nhân viên về nhà trường lên cho Bác xem, rồi Bác bảo kê thêm bàn ghế cho mọi người ngồi cùng ăn với Bác. Bố trí xong xuôi cả rồi, Bác mới vui vẻ bảo mọi người: “Ngồi cả vào đây, ăn chung với Bác, ăn một mình thì Bác ăn sao được?”.

Khi Bác lên nói chuyện với các học viên, đồng chí phụ trách trường giới thiệu: “Bác Hồ sẽ huấn thị chúng ta”. Bác cười mà bảo rằng: “Tôi nói chuyện với các đồng chí thôi, chứ có huấn thị gì đâu”.

Buổi tối, Bác ở lại trường để làm việc. Các đồng chí mang đến cho Bác một chiếc đèn tọa đăng rất sáng. Khoảng 9 – 10 giờ tối, Bác cầm đèn đó xuống văn phòng nhà trường và bảo rằng: “Đèn này to tốn dầu lắm! Bác còn làm việc khuya, một chiếc đèn con thôi cũng đủ, các đồng chí đổi cho Bác cây đèn khác”.

Sáng sớm hôm sau, trước khi Bác chia tay trường, đồng chí phụ trách lễ phép hỏi Bác, có điều gì căn dặn thêm về công việc của trường. Người ân cần nói: “Tôi chỉ mong các đồng chí đừng quan tâm tới tôi quá mà phải quan tâm tới mọi người hơn”.

Kính thưa quý thầy cô giáo,

Câu chuyện đã khép lại, nhưng mỗi lời nói, việc làm của Bác để lại trong tôi một ấn tượng chẳng thể nào quên. Nếp sinh hoạt của Bác thật giản dị, thanh cao, Người không cho phép mình lãng phí của dân, của nước dù chỉ một bữa ăn hay một cây đèn dầu, tự hạn chế mình trong ham mê vật chất nhưng lại luôn quan tâm lo lắng cho dân, cho nước từ những điều nhỏ nhất như bát cơm manh áo… Suốt đời tâm niệm là công bộc của dân, lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ, Bác Hồ của chúng ta luôn hòa mình vào cuộc sống chung của đồng bào, đồng chí, mà không nhận bất cứ một sự ưu tiên nào người khác dành cho mình. Hình ảnh của Người vui vẻ cùng cán bộ, nhân viên nhà trường bên bàn ăn, cho ta thấy một nhân cách hòa đồng, gần gũi, một trái tim nhân hậu, một tình thương vô bờ bến chỉ có ở người lãnh tụ cách mạng, một vĩ nhân. Sự bao dung bình dị, tình cảm yêu thương chân thành của Bác đã xóa đi khoảng cách người lãnh tụ và quần chúng nhân dân. Bác không đặt mình vào địa vị Chủ tịch nước hay một lãnh đạo cấp cao, không “Quan liêu, hách dịch” như chúng ta thường gặp đâu đó trong xã hội ngày nay, mà với mọi người Bác thật gần gũi, thân thương biết nhường nào. Như nhà thơ Tố Hữu đã viết:

“Người là Cha, là Bác, là Anh

Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ”

Chúng ta như còn nghe vang vọng đâu đây giọng nói ấm áp, hiền hòa: “Tôi nói chuyện với các đồng chí thôi chứ có huấn thị gì đâu!”. Đúng thế, những câu chuyện cởi mở, bình dị của Bác luôn là bài học sâu sắc, nhưng Bác không cho đó là mệnh lệnh bắt mọi người phải làm theo, mà đó chỉ là những chia sẻ trong cuộc sống, những gợi mở chí lý, chí tình. Bác không thích lối nói khoa trương, văn vẻ, mỗi bài diễn văn, mỗi câu chuyện nhỏ của Người hết sức giản đơn nhưng lại là bài học đạo đức sâu sắc, thu phục cảm hóa lòng người.

Không thể nào quên, khi câu chuyện kết lại bằng lời nhắc nhở nhẹ nhàng nhưng thật thấm thía, xúc động của Bác: “Tôi chỉ mong các đồng chí đừng quan tâm đến tôi quá mà phải quan tâm tới mọi người hơn”. Đúng là Bác không muốn mọi người quan tâm đến Bác, điều Bác mong muốn ở một người lãnh đạo cách mạng là sự giúp đỡ, quan tâm tới cuộc sống của tất cả mọi người. Một người cán bộ phải có trách nhiệm đối với bản thân mình, không tự mãn, không kiêu ngạo mà phải siêng năng cần kiệm… Đối với đồng chí mình phải thân ái, yêu thương, không ganh ghét, đó kỵ, phải bỏ lối hiếu danh, hiếu vị. Đối với nhân dân thì phải hiểu rõ dân tình, nắm vững dân tâm, quan tâm cải thiện dân sinh, nâng cao dân trí, muốn cho dân phục phải được dân tin, muốn cho dân tin phải thanh khiết. Vâng, đây chính là điều mong muốn mà Người đã nguyện phấn đấu hy sinh cả cuộc đời mình: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Điều ham muốn này ở Bác Hồ kính yêu của chúng ta, thể hiện sự vĩ đại của một con người nhân ái, vị tha, khoan dung, nhân hậu hết lòng vì mọi người, vì dân tộc. Có phải vì thế mà nhà thơ Tố Hữu đã thốt lên trong nghẹn ngào:

“Bác ơi! Tim Bác mênh mông thế

Ôm cả non sông, mọi kiếp người”

Kính thưa quý thầy cô giáo,

Những lời dạy của Bác không cao xa mà vô cùng giản dị, giản dị như chính cuộc đời Người vậy. Thật dễ dàng nhận thấy mục đích lý tưởng của Bác Hồ với mục đích xây dựng một “Tịnh độ” ngay trên thế gian của Phật giáo có những điểm tương đồng, bởi cả hai đều mong muốn con người có đạo đức, có giá trị nhân bản. Chúng ta có thể thấy điều này rõ hơn khi Hồ Chủ tịch nói về Phật giáo: “Tôn chỉ mục đích của Đức Phật, nhằm xây dựng cuộc đời thuần mỹ, chí thiện, bình đẳng, yên vui và no ấm”. Nếu cốt lõi cuẩ đạo Phật là Từ - Bi - Hỷ - Xả - Vô ngã - Vị tha, cứu khổ, cứu nạn; thì nội dung cơ bản của tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh cũng là Cần - Kiệm - Liêm - Chính - Chí công - Vô tư, cứu nước, cứu dân. Đó chính là điểm tương đồng của hai nền đạo đức, hai tư tưởng lớn, mặc dù xa cách hơn 2000 năm, nhưng lại là một nhân duyên gặp gỡ hội tụ soi đường cho nhân loại hướng tới Chân - Thiện - Mỹ. Dân tộc Việt Nam thật may mắn khi có một vị lãnh tụ như Người, đạo đức như Người. Người đã đi xa nhưng tư tưởng và tấm gương đạo đức ngời sáng của Người vẫn còn sống mãi với thời gian, sống mãi trong lòng dân tộc, sống mãi với non sông, đất nước ViệtNam.

Đăng ký tư vấn