Cùng với sự phát triển của công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi thành phố, Ủy ban Kiểm tra Đoàn các cấp không ngừng tăng cường công tác bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác kiểm tra, tổ chức các đợt kiểm tra chuyên đề, kiểm tra đột xuất, tiếp nhận những thông tin của nhân dân, cán bộ, đoàn viên phản ảnh về những sai phạm của tổ chức, cán bộ và đoàn viên. Phần lớn những vụ việc xảy ra đều ra được phát hiện sớm và giải quyết triệt để, mang lại hiệu quả cho phong trào. Song ở một vài đơn vị vẫn còn tình trạng chưa giải quyết dứt điểm việc thi hành kỷ luật của tổ chức Đoàn. Người viết xin trình bày một số nội dung về nghiệp vụ công tác kiểm tra việc thi hành kỷ luật của tổ chức Đoàn như sau:
Về đối tượng và nội dung kiểm tra:
Đối tượng kiểm tra: Kiểm tra các tổ chức Đoàn cấp dưới có thẩm quyền thi hành kỷ luật theo quy định của Điều lệ Đoàn như: chi đoàn, Ban chấp hành Đoàn từ cấp Đoàn cơ sở trở lên.
Nội dung kiểm tra: Kiểm tra việc thực hiện phương hướng, phương châm, nguyên tắc, thủ tục và thẩm quyền thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đoàn và đoàn viên:
* Kiểm tra việc thực hiện phương hướng: Tập trung kiểm tra việc thi hành kỷ luật đối với những vi phạm quan trọng về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Điều lệ, chỉ thị, nghị quyết và các quy định của tổ chức Đoàn.
* Kiểm tra việc thực hiện phương châm: "Công minh, chính xác, kịp thời".
- Công minh: công bằng, bình đẳng trong việc thi hành kỷ luật.
- Chính xác: thi hành kỷ luật phải đúng người, đúng sự việc, đúng mức.
- Kịp thời: đảm bảo mọi vi phạm đều bị phát hiện, kỷ luật đúng thời điểm mà cán bộ, đoàn viên, tổ chức Đoàn vi phạm.
* Kiểm tra việc thực hiện nguyên tắc, thủ tục thi hành kỷ luật:
- Xem xét việc sử dụng thẩm quyền thi hành kỷ luật trong Đoàn, việc tiếp nhận, giải quyết các khiếu nại kỷ luật Đoàn...; Qui trình thi hành kỷ luật, chấp hành các quyết định, thông báo, kiến nghị về kỷ luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo của tổ chức Đoàn, cán bộ, đoàn viên vi phạm: Công bố quyết định kỷ luật, quyết định giải quyết khiếu nại về kỷ luật...
Về cách thức tiến hành: bao gồm
3 bước chuẩn bị cho kiểm tra:
Bước 1: Lập kế hoạch kiểm tra. Cần xác định rõ mục đích, yêu cầu, nội dung, đối tượng kiểm tra, thời gian, địa điểm và lịch chi tiết tiến hành kiểm tra. Chú ý thêm thành phần tham gia buổi kiểm tra (ngoài các thành phần đảm bảo cho buổi làm việc có thể có thêm tập thể Ban Thường vụ hoặc Thường trực, đại diện Cấp ủy...).
Bước 2: Thông báo cho Ban chấp hành và Ủy ban Kiểm tra nơi được kiểm tra về kế hoạch kiểm tra và xác định nội dung cần báo cáo gồm: tình hình cán bộ, đoàn viên chấp hành kỷ luật của Đoàn, tình hình thi hành kỷ luật của cấp bộ Đoàn, việc thực hiện và chỉ đạo thực hiện phương hướng, phương châm, nguyên tắc, thủ tục thi hành kỷ luật của đơn vị và các cơ sở Đoàn trực thuộc đơn vị, nhận xét ưu điểm, khuyết điểm, nguyên nhân và biện pháp phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, đề xuất, kiến nghị.
Bước 3: Yêu cầu tổ chức Đoàn nơi kiểm tra chuẩn bị hồ sơ liên quan đến công tác giải quyết khiếu nại kỷ luật, đến việc thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đoàn và đoàn viên.
6 bước tiến hành kiểm tra:
Bước 1: Làm việc với tổ chức Đoàn nơi được kiểm tra. Tại đơn vị được kiểm tra, tổ công tác thống nhất phương thức làm việc, chương trình làm việc, nêu một số yêu cầu về việc cung cấp thông tin đối với đơn vị. Nghe đại điện tổ chức Đoàn nơi được kiểm tra báo cáo về tình hình, trao đổi để làm rõ ưu điểm, khuyết điểm và những vấn đề cần nghiên cứu. Chú ý trước khi tổ trưởng (trưởng đoàn) kết luận buổi làm việc, nếu có sự tham dự của cấp ủy nơi được kiểm tra thì mời đại diện cấp ủy phát biểu trước để nắm chắc vấn đề kết luận.
Bước 2: Nghiên cứu hồ sơ, tài liệu về việc thi hành kỷ luật, hồ sơ giải quyết khiếu nại về kỷ luật, giải quyết tố cáo đối với tổ chức Đoàn, đoàn viên, những tài liệu có liên quan khác để bổ sung thông tin cho nhận xét vấn đề.
Bước 3: Trao đổi ý kiến về kết quả bước đầu trong việc nghiên cứu hồ sơ, tài liệu với đơn vị được kiểm tra, nêu lên những vấn đề cần được giải đáp hoặc cần phải thẩm tra, xác minh thêm, thống nhất những việc cần làm tiếp.
Bước 4: Nếu cần thiết thì tổ công tác có thể tiến hành gặp một số người có liên quan (gián tiếp, trực tiếp) đến việc thi hành kỷ luật để thẩm tra, xác minh những nội dung cần thiết. Nghiên cứu các hồ sơ liên quan đến việc thi hành kỷ luật của tổ chức Đoàn và đoàn viên (nơi được kiểm tra). Vì những loại hồ sơ này đôi khi chứa đựng những yếu tố có liên quan chặt chẽ đến việc vận dụng thực hiện phương hướng, phương châm thi hành kỷ luật mà tổ công tác cần quan tâm xem xét.
Bước 5: Dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra, chú ý đánh giá đúng ưu điểm, khuyết điểm, nguyên nhân trong việc thực hiện phương hướng, phương châm, nguyên tắc, thủ tục thi hành kỷ luật của tổ chức Đoàn nơi được kiểm tra. Nêu rõ những trường hợp phải thi hành kỷ luật nhưng tổ chức Đoàn cấp dưới không thi hành những trường hợp phải thay đổi hoặc xóa hình thức kỷ luật, đề nghị cách giải quyết những trường hợp đó. Kèm theo các báo cáo này là các hồ sơ nêu những số liệu cụ thể, những sự việc điển hình để chứng minh cho nhận xét.
Bước 6: Trao đổi ý kiến với tổ chức Đoàn nơi được kiểm tra về dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra. Trường hợp có những điểm chưa được thống nhất thì cần tiếp tục nghiên cứu, làm rõ sự việc, đảm bảo có đủ căn cứ để kết luận.
5 bước kết thúc:
Bước 1: Tổ công tác báo cáo với Ủy ban Kiểm tra cấp mình về kết quả kiểm tra. Tập thể Ủy ban Kiểm tra kiểm tra xem xét, kết luận. Sau khi kết luận, nếu có trường hợp vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật nhưng tổ chức Đoàn cấp dưới không thi hành kỷ luật, những trường hợp thay đổi hoặc xóa bỏ hình thức kỷ luật... thì Ủy ban Kiểm tra cấp kiểm tra tiến hành làm việc với tổ chức Đoàn nơi được kiểm tra, yêu cầu tổ chức Đoàn đó ra quyết định thi hành kỷ luật hoặc thay đổi, xóa bỏ hình thức kỷ luật đã quyết định và thống nhất thời gian thực hiện. Trường hợp không có vấn đề gì quan trọng, có thể gởi thông báo kết luận.
Bước 2: Ủy ban Kiểm tra thông báo bằng văn bản kết quả kiểm tra đến cá nhân hoặc Ban Chấp hành nơi được kiểm tra, đến Ban Chấp hành và Ủy ban Kiểm tra cấp trên.
Bước 3: Ra thông báo kết quả kiểm tra để rút kinh nghiệm chung cho Ban Chấp hành và Ủy ban Kiểm tra các cấp nếu nhận thấy sự việc cần được thông tin và rút kinh nghiệm chung và được Ban Thường vụ, Ban Chấp hành cùng cấp chấp thuận.
Bước 4: Theo dõi, đôn đốc việc thực hiện những quyết định, kiến nghị của Ủy ban Kiểm tra (cấp kiểm tra) hoặc Ban Chấp hành Đoàn cấp trên đối với tổ chức Đoàn được kiểm tra.
Bước 5: Lập và lưu trữ hồ sơ. Các giấy tờ trong hồ sơ phải thu thập đầy đủ, có chọn lọc, loại bỏ các văn bản không cần thiết, đảm bảo hồ sơ có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đúng thể thức, mang tính chính xác và giá trị pháp lý, sắp xếp theo thứ tự thời gian hoặc theo diễn biến của sự việc và có bản mục lục ghi rõ, vị trí, nội dung, số thứ tự của từng văn bản.
TRẦN THÀNH CÔNG
Phó ban Kiểm tra Thành Đoàn