https://admin.yersin.edu.vn//Uploads/files/2022-06/2.-logo-website01(4).png

Tin tức - Sự kiện

Trang chủ Tin tức - Sự kiện

Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ công nghệ thông tin trong trường Đại học

Ngày đăng 16/05/2017 | Lượt xem: 465

Thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về công nghệ thông tin

HƯỚNG DẪN

Thực hiện nhiệm vụ công nghệ thông tin trong trường Đại học

 

Kính gửi: Các phòng, khoa, đơn vị trực thuộc

 

Thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về công nghệ thông tin (CNTT) và công văn số: 6147/BGD-ĐT-CNTT ngày 27/9/2010 của Bộ giáo dục và Đào tạo về việc “Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ Công nghệ thông tin đối với các trường Đại học, Cao đẳng”; Khuyến cáo ngày 24/11/2011 của Thanh tra Bộ về “Chiến dịch hành động chống nạn vi phạm bản quyền các phần mềm bán lẻ”, trường Đại học Yersin Đà Lạt hướng dẫn các phòng, khoa, đơn vị thực hiện nhiệm vụ CNTT như sau:

A. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO CHUNG

Đẩy mạnh ứng dụng CNTT là nhân tố quan trọng hàng đầu, đảm bảo sự thành công của quá trình đổi mới đại học.

Không có CNTT thì không thể đổi mới một cách hiệu quả và hiện đại hóa quản lý giáo dục đại học, không thể đổi mới được nội dung, phương pháp dạy học và không thể hội nhập quốc tế.

B. CÁC NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

I. QUÁN TRIỆT VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT VỀ CNTT

Các phòng, khoa, đơn vị cần tổ chức quán triệt và nâng cao nhận thức, trách nhiệm để toàn thể cán bộ, giảng viên, nhân viên nắm được nội dung của 07 văn bản (Trong đó, đặc biệt chú ý đến 03 văn bản số 5, 6, 7)

1)       Quyết định số 698/QĐ-TTg ngày 1/6/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển nguồn nhân lực Công nghệ thông tin đến năm 2015 và định hướng đến 2020.

2)       Chỉ thị số 55/2008/CT-BGDĐT ngày 30/9/2008 của Bộ trưởng Bộ giáo dục Đào tạo về tăng cường giảng dạy, đào tạo và ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành giáo dục giai đoạn 2008-2012.

3)       Nghị định 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 của Chính phủ quy định về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước.

4)       Nghị định số 102/2009/NĐ-CP ngày 6/11/2009 của Chính phủ về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

5)       Thông tư số 07/2010/TT-BGDĐT ngày 01/03/2010 quy định về sử dụng thư điện tử và trang thông tin điện tử trong các cơ sở giáo dục đại học.

6)       Thông tư số 08/2010/TT-BGDĐT ngày 01/03/2010 quy định về sử dụng phần mềm tự do mã nguồn mở trong các cơ sở giáo dục.

7)       Công văn số 6147/BGDĐT-CNTT ngày 27/09/2012 về Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ CNTT đối với các trường ĐH, CĐ.

8)       Thống nhất sử dụng bộ mã tiếng Việt unicode TCVN 6909:2002; Chấm dứt sử dụng các phần mềm quản lý thi chứa các phông chữ ABC.

II. TRIỂN KHAI THƯ ĐIỆN TỬ (EMAIL) VÀ TRANG TIN ĐIỆN TỬ (WEBSITE)

Trường Đại học Yersin Đà Lạt giao đơn vị chức năng là Trung tâm Thông tin và Truyền thông xây dựng và quản lý trang tin điện tử của Trường theo Thông tư số 07/2010/TT-BGDĐT ngày 01/03/2010 quy định về sử dụng thư điện tử và trang tin điện tử trong các cơ sở giáo dục đại học.

Lãnh đạo các phòng, khoa, đơn vị cần:

1)       Tổ chức quán triệt cho cán bộ, giảng viên, nhân viên nắm Thông tư số 07/2010/TT-BGDĐT ngày 01/03/2010 quy định về sử dụng thư điện tử và trang tin điện tử trong các cơ sở giáo dục.

2)       Thiết lập và sử dụng hệ thống e-mail

Trường Đại học Yersin Đà Lạt sẽ triển khai hệ thống e-mail dạng: tên–hộp–thư@yersin.edu.vn hoàn toàn miễn phí, để cung cấp cho các phòng, khoa, đơn vị, cán bộ, giảng viên, sinh viên. Trên cơ sở đó, tăng cường khai thác các phương thức sử dụng e-mail để trao đổi thông tin học tập và quản lý của trường.

Một cá nhân có thể quản lý nhiều hộp thư điện tử: Hộp thư cá nhân, hộp thư theo chức vụ, hộp thư theo tên đơn vị.

3)       Sử dụng thư điện tử trong công tác hành chính, điều hành

Các phòng, khoa, đơn vị, cán bộ, giảng viên, nhân viên cần phải dùng hộp thư điện tử theo tên miền riêng của trường Đại học Yersin Đà Lạt khi giao dịch công tác với các cơ quan, đoàn thể và cá nhân.

Cán bộ được giao quản lý các hộp thư điện tử của trường Đại học Yersin Đà Lạt có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, xử lý thông tin.

Không được gửi các loại văn bản mật qua hệ thống thư điện tử.

Người nhận thư cần có trách nhiệm xác thực lại nguồn gốc nội dung thư với người gửi qua các hình thức liên lạc khác như gọi điện thoại…

Văn bản được chuyển qua hệ thống thư điện tử theo đúng quy định của pháp luật, được đảm bảo xác thực trong giao dịch điện tử sẽ có giá trị pháp lý tương đương với văn bản giấy trong giao dịch và cơ quan gửi có thể không phải gửi thêm văn bản giấy.

III. KHAI THÁC WEBSITE CỦA BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Thường xuyên hướng dẫn, phổ biến cho cán bộ quản lý, giảng viên, sinh viên khai thác, sử dụng thông tin thời sự, văn bản quy phạm pháp luật và văn bản điều hành được công bố hàng ngày trên hệ thống website của Bộ GD&ĐT tại các địa chỉ:

www.moet.gov.vn     www.edu.net.vn.

Các trang web chuyên đề quan trọng là:

- http://vanban.moet.gov.vn: Cơ sở dữ liệu văn bản quy phạm pháp luật và văn bản điều hành quản lý giáo dục.

- http://cchc.moet.gov.vn: Các thủ tục hành chính của ngành giáo dục (bao gồm các thủ tục ở cấp Bộ, cấp Sở và cấp trường).

- http://ebook.moet.gov.vn: Thư viện giáo trình điện tử.

- http://edu.net.vn/media: Nguồn tài nguyên giáo dục, học liệu điện tử, các thư viện điện tử. Tải các phần mềm thông dụng, miễn phí và các học liệu về để dùng. Đồng thời khuyến khích các đơn vị và giảng viên đóng góp tài nguyên giáo dục vào hệ thống dùng chung.

IV. KHAI THÁC, SỬ DỤNG VÀ DẠY HỌC BẰNG MÃ NGUỒN MỞ

Quán triệt và triển khai Thông tư 08/2010/TT-BGDĐT ngày 01/03/2010 quy định về sử dụng phần mềm tự do mã nguồn mở trong các cơ sở giáo dục.

Nhà trường sẽ tổ chức tập huấn cho cán bộ, giảng viên biết cách cài đặt và sử dụng phần mềm tự do mã nguồn mở (Phần mềm tự do mã nguồn mở là phần mềm mã nguồn mở có bản quyền tác giả, có giấy phép sử dụng đi kèm với phần mềm, trong đó cho phép người sử dụng được quyền tự do sử dụng, tự do sao chép, tự do phân phối và tự do nghiên cứu, sửa đổi mã nguồn và phân phối lại các phần mềm dẫn xuất đã qua sửa đổi mã nguồn).

“Phần mềm thương mại mã nguồn đóng” là phần mềm được đăng ký thương hiệu, được bán trên thị trường theo bản quyền sử dụng, song tác giả không công bố mã nguồn và người sử dụng không được phép khai thác mã nguồn.

Những phần mềm được sử dụng trong máy tính theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo bao gồm:

1)       Các hệ điều hành trên nền Linux như Ubuntu (hiện nay hầu hết sử dụng hệ điều hành window không có bản quyền).

2)       Sử dụng bộ phần mềm văn phòng Open Office Org đáp ứng đầy đủ nhu cầu văn phòng và dạy tin học (hiện nay hầu hết sử dụng phần mềm ms office không có bản quyền).

3)       Trình duyệt web Google Chrome, Firefox.

4)       Bộ gõ tiếng Việt unikey phiên bản 4.0 trở lên.

5)       Sử dụng phần mềm Greenstone trong quản lý thư viện số.

6)       Phần mềm Moodle quản lý e-Learning.

7)       Phần mềm quản lý mạng lớp học Mythware, i-Talc của Intel.

Các phần mềm miễn phí là phần mềm mà người sử dụng không phải trả bất kỳ chi phí nào, không hạn chế thời gian sử dụng, có thể tải tự do về dùng từ Internet, có thể sao chép và sử dụng phần mềm đó.

Trung tâm Thông tin và Truyền thông hỗ trợ các phòng, khoa, đơn vị trực thuộc cài đặt các phần mềm trên cho các máy tính đang sử dụng nếu có yêu cầu.

Phòng Đào tạo và các Khoa đưa các phần mềm mã nguồn mở nói trên vào chương trình dạy môn tin học chính khóa.

V. BẢN QUYỀN PHẦN MỀM

Việc cài đặt và phân phối phần mềm không có bản quyền là vi phạm pháp luật.

Trường Đại học Yersin Đà Lạt sẽ rà soát lại hệ thống CNTT và chuẩn bị các tài liệu chứng minh quyền sở hữu giấy phép đối với tất cả các phần mềm đang sử dụng.

Nhà trường khuyến khích các tập thể, cá nhân mua máy tính mới cần mua phần mềm cài đặt sẵn (OEM: Tức là phần mềm kèm theo máy do nhà sản xuất thiết bị gốc cung cấp), đây là hình thức mua phần mềm tiết kiệm và an toàn nhất.

Các cơ quan chức năng sẽ tiến hành các cuộc điều tra, kiểm tra đột xuất, được thực thi bằng biện pháp hành chính (mức phạt tối đa là 500.000.000 đồng). Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi xâm phạm quyền tác giả trên các căn cứ:

-     Quy mô và mục đích thương mại;

-     Gây thiệt hại vật chất cho chủ thể quyền tác giả từ 50.000.000 đồng trở lên;

-     Hàng hóa vi phạm có giá trị từ 50.000.000 đồng trở lên.

VI. ĐẨY MẠNH ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP DẠY VÀ HỌC

1)       Tổ chức hướng dẫn giảng viên tự triển khai việc tích hợp, lồng ghép sử dụng các công cụ CNTT vào quá trình dạy các môn học của mình nhằm tăng cường hiệu quả dạy học qua các phương tiện nghe nhìn, kích thích sự sáng tạo và độc lập suy nghĩ, tăng cường khả năng tự học, tự tìm tòi của người học.

2)       Tổ chức Diễn đàn, blog trên mạng để giảng viên và sinh viên thảo luận bài học một cách tích cực, chủ động.

3)       Các giảng viên cần tích cực, chủ động tham khảo và sử dụng các phần mềm ứng dụng tích hợp vào các môn học trên website http://edu.net.vn/media để cùng chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi học tập.

4)       Cần tránh nhầm lẫn khái niệm giáo án điện tử là các bài trình chiếu powerpoint. Tham khảo mẫu giáo án đã được đưa lên mạng giáo dục.

5)       Cần xác định CNTT là phương tiện hỗ trợ, nhằm nâng cao chất lượng dạy học nên hiệu quả của nó phụ thuộc chủ yếu vào cách thức sử dụng của giảng viên. Từ đó giảng viên cần tránh lạm dụng CNTT, gây phản tác dụng như không lựa chọn kỹ nội dung trình chiếu, thời gian trình chiếu quá nhiều, trình chiếu với âm thanh ồn ào và với chữ viết có mầu sắc loè loẹt, với chữ chạy nhảy mang tính biểu diễn kĩ thuật không cần thiết và kích thước chữ quá nhỏ.

 

VII. TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH CÔNG NGHỆ GIÁO DỤC VÀ E-LEARNING

Ứng dụng CNTT trong học tập và giảng dạy theo hướng lấy người học làm trung tâm; tập trung hướng dẫn, định hướng cho người học biết tự khai thác và ứng dụng CNTT vào quá trình học tập của bản thân, thay vì chỉ tập trung vào việc chỉ đạo giảng viên ứng dụng CNTT trong giảng dạy, trong tiết giảng.

1)       Triển khai chương trình thiết kế hồ sơ bài giảng e-Learning.

2)       Tạo thư viện học liệu mở: Huy động giảng viên tham gia đóng góp các bài trình chiếu, bài giảng e-Learning về trường đại học, cao đẳng. Nhà trường sẽ đánh giá, tuyển chọn và gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo (qua Cục CNTT) để tổ chức đánh giá và đưa lên mạng chia sẻ. Theo đó, sinh viên có thể khai thác thư viện bài giảng e-Learning để tự học.

3)       Tích cực triển khai soạn bài giảng điện tử bằng các phần mềm công cụ e-Learning. Hướng dẫn giảng viên chuyển các bản trình chiếu soạn bằng MS powerpoint sang bài giảng điện tử e-Learning theo chuẩn quốc tế SCORM để chia sẻ dùng chung. Khai thác sử dụng phần mềm hệ thống quản trị dạy học điện tử e-Learning (LMS: Learning Management System) bằng mã nguồn mở Moodle.

4)       Triển khai hướng dẫn giảng viên tham gia viết Edublog.

VIII. ĐẨY MẠNH ỨNG DỤNG CNTT TRONG ĐIỀU HÀNH VÀ QUẢN LÝ GIÁO DỤC

Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác điều hành và quản lý hành chính. Cụ thể:

1)       Triển khai tin học hoá quản lý theo hướng áp dụng các hệ thống phần mềm quản lý trực tuyến (online), hệ thống đào tạo theo tín chỉ.

2)       Tuyển chọn và tổ chức công bố công khai các thủ tục hành chính trên website để giảng viên, sinh viên và phụ huynh sử dụng.

3)       Tổ chức thông báo miễn phí trên website của trường và qua e-mail kết quả học tập môn học và rèn luyện của sinh viên.

IX. TẬP HUẤN, BỒI DƯỠNG VỀ CNTT CHO GIẢNG VIÊN, CÁN BỘ QUẢN LÝ CƠ SỞ GIÁO DỤC

1) Nhà trường sẽ cung cấp tất cả chương trình và tài liệu đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, giảng viên công khai trên website của trường để cán bộ, giảng viên có điều kiện tham khảo và tự đọc.

Khuyến khích cán bộ, giảng viên tự nghiên cứu, tự bồi dưỡng thông qua các tài liệu được cung cấp.

2) Trong công tác tuyển dụng giảng viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, cần  kiểm tra kiến thức và kĩ năng tối thiểu về CNTT bằng khả năng đáp ứng được yêu cầu công việc thực tế; không áp dụng theo hình thức kiểm tra việc có hay không có chứng chỉ tin học ứng dụng ABC.

X. TĂNG CƯỜNG ĐẦU TƯ HẠ TẦNG CƠ SỞ CNTT

Tăng cường đầu tư hạ tầng thiết bị CNTT phục vụ cho ứng dụng CNTT và giảng dạy một cách hiệu quả và thiết thực. Cụ thể:

a) Thường xuyên tham khảo về giá và cấu hình máy tính trong trường học tại địa chỉ http://edu.net.vn/media, mục Thiết bị.

b) Tăng cường công tác bảo dưỡng, bảo trì định kỳ hệ thống máy tính thực hành và hệ thống máy tính, thiết bị điện tử toàn bộ cơ sở giáo dục, định kỳ một lần/học kỳ để đảm bảo tuổi thọ của thiết bị máy tính và thiết bị điện tử.

c) Bảng thông minh tương tác: Triển khai mô hình bảng thông minh tương tác (Interactive SmartBoard – ISB) do Trung tâm đào tạo khu vực của SEAMEO – RETRAC tại Việt Nam, với giá dưới 50 USB/bảng hoặc các hệ thống tương đương để triển khai đại trà, thay vì phải dùng các bảng có giá đắt hàng nghìn USD.

C. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Đổi mới kiến thức, kỹ năng và công nghệ sẽ góp phần rất quan trọng vào việc nâng cao chất lượng giáo dục Đại học. Các phòng, khoa, đơn vị cần nhanh chóng tổ chức phổ biến, quán triệt nội dung của hướng dẫn này đến toàn thể cán bộ, giảng viên, nhân viên trong Trường.

Giao Trung tâm Thông tin và Truyền thông hỗ trợ, phối hợp với các phòng, khoa, đơn vị liên quan để thực hiện hướng dẫn này. Tiến hành cài đặt các phần mềm tự do mã nguồn mở cho các phòng, khoa, đơn vị khi có yêu cầu.

Phòng Quản trị – Vật tư nghiên cứu hướng dẫn này để thực hiện việc trang bị phần mềm, thiết bị theo đúng quy định.

Phòng Đào tạo và các Khoa liên quan đưa các phần mềm mã nguồn mở nói trên vào chương trình dạy môn tin học chính khóa.

Các Khoa phổ biến cho cán bộ, giảng viên để từng bước nâng cao trình độ giảng dạy có ứng dụng công nghệ thông tin.

Trong quá trình triển khai, nếu có thắc mắc liên hệ với Trung tâm Thông tin và Truyền thông để được giải thích rõ hơn theo địa chỉ:

TT. Thông tin và Truyền thông – Phòng làm việc N2.15.

Số điện thoại: 0633 552 111 (1006). Email: daihocyersin@gmail.com.

Đăng ký tư vấn