https://admin.yersin.edu.vn//Uploads/files/2022-06/2.-logo-website01(4).png

Tin tức - Sự kiện

Trang chủ Tin tức - Sự kiện

“Cuộc thi viết tìm hiểu về di chúc của Bác”

Ngày đăng 16/05/2017 | Lượt xem: 288

Những điều tôi viết dưới đây, tôi trân trọng dành cho những người, đặc biệt là những thanh niên có tình yêu lớn đối với Tổ quốc và Bác Hồ.

Kính thưa quý thầy cô, các em sinh viên thân mến,

Sau đây tôi xin đọc 1 vài đoạn trích trong bài dự thi “Cuộc thi viết tìm hiểu về di chúc của Bác” mà tôi đã tham gia trong thời gian vừa qua:

Kính thưa quý thầy cô, các em sinh viên thân mến,

Để viết nên những cảm xúc và nhận thức sau đây, tôi đã suy nghĩ nhiều.

Hôm nay, tôi cầm bút chỉ bởi tôi muốn viết thành chữ tất cả những cảm nhận thiêng liêng mà tự tôi luôn nâng niu, nuôi dưỡng từ khi còn nhỏ tuổi. Những điều tôi sắp viết dưới đây, tôi trân trọng dành cho những người, đặc biệt là những thanh niên có tình yêu lớn đối với Tổ quốc và Bác Hồ. Tôi mong họ sẽ thấy lòng ấm áp hơn khi biết rằng quanh họ luôn sẵn có những người giống như họ, luôn dành phần trái tim thắm đỏ nhất cho Tổ quốc và Bác Hồ vĩ đại.

Cách đây không lâu, tôi đã nảy ra ý định viết di chúc để phân chia phần vật chất ít ỏi tôi dành dụm được cho người thân của tôi trong trường hợp chẳng may tôi qua đời. Nhưng đến nay, ý định đó đã trở nên đến nực cười sau khi tôi có cơ hội dành thời gian suy ngẫm về những điều sâu sắc trong bản di chúc Bác Hồ đã để lại cho dân tộc ta. Khi còn là học sinh, tôi đã được tìm hiểu về nội dung bản di chúc của Bác, nhưng hình như tôi chưa từng tìm hiểu cặn kẽ và phân tích sâu ý nghĩa to lớn của bản di chúc cho tới khi tham gia cuộc thi này. Tôi thực sự xúc động trước một bản di chúc chứa đựng nhiều của cải đến vậy.

Tôi vẫn luôn biết rằng chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cả cuộc đời của mình cho Tổ quốc và cho dân tộc mà hy sinh hạnh phúc riêng tư của bản thân – phần hạnh phúc to lớn mà đáng ra ai cũng có quyền được hưởng. Tôi vẫn luôn biết rằng theo một nghĩa nào đó, Bác chỉ có một mình, không có người thân nào bên cạnh, và theo một nghĩa nào đó, tài sản của Bác đơn sơ, ít ỏi đến xót xa lòng. Dù biết vậy nhưng chưa bao giờ tôi lại ý thức rõ về sự hy sinh của Bác và tình cảm vĩ đại mà Bác dành cho toàn thể tầng lớp nhân dân ta như lúc này. Chúng ta viết di chúc mong để lại những gì quý báu nhất cho những người chúng ta yêu quí nhất. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng vậy, Bác như người cha để lại lời dặn dò tâm huyết nhất cho các con mình trước khi qua đời. Đối với Bác, toàn thể dân tộc Việt Nam đều là người thân. Thông qua di chúc, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc ta đã để lại cho chúng ta một khối tài sản phi vật thể khổng lồ và vô giá, có ý nghĩa to lớn động viên tinh thần và định hướng, giáo dục đạo đức cho chúng ta.

Là một thanh niên, tôi đặc biệt quan tâm tới phần di chúc Bác viết riêng cho thanh niên. Đó là lời dặn dò vô cùng ý nghĩa mà mỗi thanh niên Việt Nam phải luôn ghi nhớ:

“Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”.

Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết ”.

Tư tưởng Hồ Chí Minh là di sản tinh thần to lớn của Đảng và dân tộc ta, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ, lớp người tiếp bước cha anh kế tục sự nghiệp cách mạng vẻ vang. Sinh thời Người nói: “Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh phần lớn do các thanh niên”. Trong thời kỳ cách mạng mới, quán triệt và vận dụng Tư tưởng Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ mang ý nghĩa chiến lược quan trọng. Tư tưởng của Bác về “hồng” và “chuyên” phản ánh những quan điểm cơ bản của Người về quá trình hình thành thế hệ con người mới đảm đương sứ mệnh xây dựng CNXH trên đất nước chúng ta.

Thực hiện di chúc của Bác, thanh niên chúng tôi phải không ngừng tự rèn luyện về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, sức khỏe… để tạo dựng cho mình bản lĩnh cách mạng vững vàng. Đó chính là chúng tôi thực hiện chữ “hồng” theo lời dặn của Bác. Bên cạnh đó, chữ “chuyên” đạt được thông qua việc không ngừng phấn đấu học tập, nâng cao tri thức khoa học, chuyên môn nghiệp vụ cho bản thân phải được thực hiện đồng hành với chữ “hồng” thì mỗi thanh niên mới có thể trở thành những con người vừa có đức, vừa có tài. Trong thời đại mới, “hồng” và “chuyên” càng thể hiện rõ tầm quan trọng của nó đối với mỗi cá nhân, đặc biệt là thanh niên, khi mà những yêu cầu về nhân cách đạo đức và trình độ chuyên môn ngày càng được coi trọng. Xã hội Việt Nam ngày một phát triển và hội nhập, đòi hỏi nguồn nhân lực phải vừa có tay nghề cao, phải vừa có đức.

Hưởng ứng các phong trào do Tỉnh Đoàn Lâm Đồng phát động, Đoàn trường Đại học Yersin Đà Lạt đã luôn hăng hái tham gia các phong trào như phong trào “4 đồng hành với thanh niên trên con đường lập thân, lập nghiệp”, “5 xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, “Tiếp lửa truyền thống, mãi mãi tuổi 20”; đặc biệt là việc triển khai cuộc vận động “Tuổi trẻ Lâm Đồng học tập và làm theo lời Bác”. Các phong trào này liên tục được tổ chức và đổi mới hình thức hoạt động như hình thức thi kể chuyện, viết cảm tưởng, tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị, tuyên truyền các tài liệu học tập tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cho đoàn viên, thanh niên… Những hoạt động và phong trào này đã phát huy nhiều tác dụng tốt đối với đoàn viên thanh niên trong nhà trường.

Đạt được những thành tích trên, trong những năm qua, Đoàn Thanh niên trường Đại học Yersin Đà Lạt thật sự may mắn vì luôn nhận được sự chỉ đạo và tạo điều kiện từ phía Đảng ủy và Ban giám hiệu nhà trường. Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường luôn quan tâm bồi dưỡng và phát triển đội ngũ thanh niên, chú trọng việc giáo dục đoàn viên thanh niên trở thành những con người sống có ích cho xã hội, có lối sống đẹp, các gương điển hình tiên tiến, các gương “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác” thường xuyên được tuyên dương để làm gương cho thanh niên phấn đấu noi theo.

Kính thưa quý thầy cô, các em sinh viên thân mến,

Nhìn chung, trong những năm qua, thái độ và ý thức chính trị của thanh niên Việt Nam có chuyển biến tích cực, có sự quan tâm và có trách nhiệm hơn với sự phát triển của quê hương, đất nước, tích cực tham gia các hoạt động do Đoàn, Hội tổ chức. Ý thức lập thân, lập nghiệp của thanh niên cao hơn trước. Thanh niên có khả năng tiếp thu nhanh nhạy những thành tựu khoa học, công nghệ, kỹ thuật và quản lý hiện đại, năng động, sáng tạo, ham học hỏi, chủ động vươn lên tiếp cận với cái mới. Lòng nhân ái, tinh thần xung phong, tình nguyện, tương thân, tương ái của thanh niên ngày càng được khơi dậy và phát huy. Thanh niên ngày càng tự tin và chủ động hơn trong công cuộc hội nhập quốc tế. Vai trò, vị trí của thanh niên trong xã hội tiếp tục được đề cao và nhận được sự quan tâm nhiều hơn của Đảng, Nhà nước và các lực lượng xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi và xu hướng tích cực, một bộ phận không nhỏ thanh niên còn hạn chế về trình độ học vấn, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức kinh tế, quản lý, kiến thức pháp luật, ý thức chấp hành luật pháp. Xu hướng chạy theo bằng cấp, nhận thức lệch lạc về định hướng nghề nghiệp còn khá phổ biến. Điều này dẫn đến tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm, hoặc việc làm không ổn định và thu nhập thấp. Bên cạnh đó, không ít thanh niên còn thụ động, ỷ lại, chưa tích cực vươn lên tự tạo việc làm, còn ngại khó, ngại khổ, ngại về nông thôn, miền núi công tác. Một bộ phận thanh niên thiếu ý thức rèn luyện, non kém về nhận thức chính trị, chưa xác định được lý tưởng sống đúng đắn, buông thả, thực dụng, thờ ơ, ngại tham gia vào các hoạt động chính trị - xã hội.

Theo tôi, để phát huy vai trò của tuổi trẻ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cần tập trung triển khai tốt nội dung giáo dục thế hệ trẻ vừa “Hồng”, vừa “Chuyên” theo tư tưởng của Bác Hồ với những nội dung, giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục đổi mới công tác giáo dục l‎ý tưởng cho thanh niên bằng những hình thức và nội dung phù hợp hơn với thanh niên. Việc bồi dưỡng này phải được tiến hành khoa học, thường xuyên, để tư tưởng Hồ Chí Minh thấm đượm trong tư tưởng, lý tưởng của thanh niên, góp phần củng cố niềm tin của thanh niên vào sự nghiệp đổi mới.

Thứ hai, việc giáo dục lý tưởng cho thanh niên phải gắn với cộng đồng, với các tấm gương điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt. Bên cạnh đó, phải có tuyên dương và phê bình đúng người, đúng lúc.

Thứ ba, đẩy mạnh phong trào thi đua học tập trong đoàn viên thanh niên, với nhiều hình thức phong phú, đa dạng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học nhằm phát huy trí tuệ, lòng say mê và khả năng sáng tạo của tuổi trẻ trên các lĩnh vực khoa học và xã hội. Đồng thời khuyến khích đoàn viên thanh niên tăng cường nghiên cứu khoa học để có thể ứng dụng khoa học vào cuộc sống công nghệ hiện đại.

Cuối cùng, để là lời kết cho tất cả những quan điểm, nhận thức và cảm xúc trên, tôi muốn một lần nữa khẳng định rằng, bản di chúc của chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại là những lời căn dặn vô cùng sâu sắc đối với mọi thế hệ người Việt Nam hiện nay và mãi mãi về sau. Bằng những lời giản dị nhưng chứa đựng nhiều ý nghĩa, bản di chúc khiến cho dân tộc Việt Nam chúng ta càng thêm tự hào, tin tưởng ở tương lai tươi sáng hơn của đất nước.

Những lần đọc di chúc Bác viết, lòng tôi không sao nén được xúc động, với niềm kính yêu vô vàn dành cho Bác. Khi đọc đến đoạn "Cuối cùng tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn Đảng, toàn dân, cho toàn thể Bộ đội, cho các cháu thanh niên nhi đồng" là tôi lại muốn trào nước mắt, bởi câu văn đó hàm chứa tình thương bao la của Người đối với chúng ta. Chúng ta phải sống - lao động - học tập và cống hiến sao cho xứng đáng với lòng mong mỏi của Người. Bác đã từng nói: "Một năm bắt đầu bằng mùa xuân, cuộc đời bắt đầu bằng tuổi trẻ, tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội". Tôi thấy rằng, để "tuổi trẻ thực sự là mùa xuân của xã hội" thì hơn bao giờ hết chúng ta phải sống có ước mơ, có lý tưởng, luôn có hoài bão và thực hiện nó. Đại diện cho tuổi trẻ, chúng ta – những thanh niên Việt Nam hãy thắp sáng lên niềm tự hào vinh quang Việt Nam. Hãy biến những ước mơ tốt đẹp của chúng ta trở thành hiện thực. Lớn lao hơn, chúng ta hãy cho thế giới biết đến Việt Nam không chỉ là đất nước kiên cường bất khuất trong chiến tranh mà đang vươn lên mạnh mẽ trong thời bình.

Tôi tiếc mình không được sinh ra sớm hơn, ngày Bác còn trên cõi đời này để được một lần nhìn thấy Bác, nghe tiếng Bác, và được Bác căn dặn những lời thiết tha. Tự hứa với lòng trước anh linh Bác, tôi nguyện suốt đời phấn đấu làm theo lời Bác để không hổ thẹn là con cháu Bác Hồ.

Tôi xin được kết thúc phần trình bày tại đây.

Tôi xin cảm ơn sự lắng nghe của quý thầy cô và các em sinh viên.

 

 

Đăng ký tư vấn