https://admin.yersin.edu.vn//Uploads/files/2022-06/2.-logo-website01(4).png

Tin tức - Sự kiện

Trang chủ Tin tức - Sự kiện

Người Hà Nội với những miền đất mới

Ngày đăng 11/10/2010 | Lượt xem: 1176

Từ bao đời rồi, Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội đã trở thành biểu tượng thiêng liêng của người Việt Nam.Người Việt Nam dù đi đâu,ở đâu vẫn ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long.

Từ bao đời rồi, Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội đã trở thành biểu tượng thiêng liêng của người Việt Nam.Người Việt Nam dù đi đâu,ở đâu vẫn ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long.Với những vần thơ trữ tình đằm thắm thiết tha,nhà thơ Tố Hữu đã nói lên sự gắn bó hòa quyện giữa thủ đô Hà Nội với đất nước,với dân tộc Việt Nam

Lòng ta chung một thủ đô,

Lòng ta chung một cơ đồ Việt Nam,

Và cũng từ bao đời nay,Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội đã cùng với cả nước viết nên biết bao trang sử hào hùng của dân tộc.Để viết nên những trang sử hào hùng ấy cũng cần ghi nhận và tôn vinh những người Hà Nội đã có công với những miền đất mới,góp phần tạo nên yếu tố “ địa lợi ” cho đất nước trong sự nghiệp chống giặc ngoại xâm,xây dựng và phát triển kinh tế xã hội.

Nghiên cứu về người Hà Nội với những miền đất mới,nhớ lại từ thời Lý,vào cuối thế kỷ XI.Một chàng trai họ Hoàng có tài bơi lặn,đã mò được xác công chúa bị chết đuối trong một chuyến dạo chơi bằng thuyền trên sông Đuống trước sự thán phục của quan quân kinh thành.Nhà vua đã ra lệnh thưởng tước lộc,ruộng đất cho chàng trai ấy.Chàng trai đã thản nhiên từ chối món quà thưởng rất hậu hĩnh của nhà vua,chàng chỉ có một ước nguyện được khai hoang lập ấp ở Miền Tây kinh thành để làm ăn sinh sống.Ước nguyện của chàng được nhà vua ân chuẩn.Chàng liền trở về chiêu mộ dân làng Lệ Mật Gia Lâm và các làng lân cận,đến Thăng Long khai hoang lập ấp.Thuở ấy,Miền Tây kinh thành Thăng Long là một vùng rộng lớn hoang vu toàn rừng rậm,đồng lầy,lau sậy ngập đầu,đầy muông thú,sông Tô Lịch nước mát trong lành cá tôm nhiếu vô kể…chàng trai họ Hoàng cùng với những người dân làng Lệ Mật chịu thương chịu khó,ra sức khai khẩn đất hoang,họ đã lập được 13 ấp,đó là các ấp:Vạn Phúc,Vĩnh Phúc,Đại Yên,Thủ Lệ,Ngọc Khánh,Ngọc Hà,Liễu Giai,Kim Mã,Hữu Tiệp,Giảng Võ,Cống Vị,Cống Yên,Đống Nước,Yên Biểu.Ngày nay, hầu hết các tên ấp nêu trên vẫn được giữ nguyên và trở thành những địa danh rất quen thuộc trong quận Ba Đình, gắn liền với sự hình thành và phát triển của Hà Nội.

Hiện nay ở Vĩnh Phúc,Quận Ba Đình vẫn còn đền thờ Thành Hoàng 13 ấp.Đó là sự ghi nhận công lao của chàng trai họ Hoàng dũng cảm, đã có công cứu được công chúa và chiêu mộ người dân làng Lệ Mật khai hoang lập ấp ở Miền Tây Kinh thành Thăng Long.

Gần 9 thế kỷ sau,người Hà Nội lại có mặt ở một miền đất mới,cách kinh thành Thăng Long đến 1495 km đường bộ.Đó là năm 1938 ấp Hà Đông được thành lập nằm ở phía Tây thành phố Đà Lạt.Theo lịch sử thành phố Đà Lạt,ấp Hà Đông được thanh lập,nhờ công lao của ông quản đạo Trần Văn Lý,ông Hoàng Trọng Phu,ông Lê Văn Định và một số viên chức có thế lực can thiệp với chinh phủ thực hiện di dân từ Miền Bắc vào Đà Lạt.Những người dân đầu tiên đến lập ấp Hà Đông chỉ vẻn vẹn có 33 người thuộc các làng:Ngọc Hà,Quảng Bá,Nghi Tàm,Xuân Tảo,Tây Tựu,Vạn Phúc.Đến đây,lại thấy xuất hiện những tên làng Ngọc Hà,Vạn Phúc…đã có từ cuối thế kỷ XI.Phải chăng những người dân lập ấp Hà Đông vẫn mang trong mình dòng máu của tổ tiên đã từng lập ấp ở Miền Tây kinh thành Thăng Long xưa?Trong chương trình hướng tới đại lễ kỷ niệm 1000 Thăng Long Hà Nội,Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức “ Lễ công nhận làng hoa Hà Đông ” vào ngày 01 tháng 01 năm 2010.Đó cũng là sự ghi nhận công lao người Hà Nội đã mở ra nghề trồng hoa ở thành phố Đà Lạt từ gần giữa thế kỷ XX, ngày nay trồng hoa công nghệ cao ở Thành phố Đà Lạt đã cung cấp cho thị trường sản phẩm hoa nhiều chủng loại chất lượng cao, phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước có giá trị kinh tế cao.

Đến cuối thế kỷ XX người Hà Nội lại có mặt ở miền đất mới.Ngày 24 tháng 10 năm 1987 Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã ký quyết định số:157/QĐ-HĐBT về việc thành lập huyện Lâm Hà thuộc tỉnh Lâm Đồng.

Để hình thành được huyện Lâm Hà như ngày nay,ngay từ năm 1976 người dân Hà Nội đã nghe theo tiếng gọi của Đảng và Nhà nước,tình nguyện vào Lâm Đồng xây dựng vùng kinh tế mới.Với bản chất cần cù nhẫn nại, người Hà Nội đã vật lộn với núi rừng hoang sơ đầy cỏ tranh,lau sậy,thú dữ…trên cao nguyên,điều kiện thời tiết lại khác xa Miền Bắc.Khởi nghiệp ở miền đất còn hoang sơ ấy,người Hà Nội hướng vào việc khai thác tiềm năng đất đai,huy động sức người sức của,được sự hỗ trợ tích cực của thành phố Hà Nội và tỉnh Lâm Đồng,với mô hình nông lâm nghiệp kết hợp,phát triển mạnh cây công nghiệp trà cà phê, cây ăn trái,cây dược liệu quý… cho sản lượng ngày càng lớn.Việc khai thác chế biến sản phẩm nông lâm nghiệp,dược liệu… phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu ngày càng khởi sắc.Hệ thống điện,đường,trường,trạm được đầu tư xây dựng đã khá hoàn chỉnh.Kinh tế của huỵên liên tục tăng trưởng ngày càng ổn định và vững chắc.

Hiện nay,huyện Lâm Hà là một đơn vị hành chính của tỉnh Lâm Đồng,có 2 thị trấn,17 xã,trong đó có những tên xã như :xã Gia Lâm,Mê Linh, Hoài Đức,Đan Phượng,Phúc Thọ…thân thương và gần gũi như các quận huyện của Hà Nội đang hiện diện ở Lâm Đồng.Hai chữ LÂM và HÀ là biểu hiện tình cảm gắn bó,đoàn kết giũa Lâm Đồng với Hà Nội.

Thăng Long đã nghìn năm tuổi,người Hà Nội ở những miền đất mới:Miền Tây kinh thành Thăng Long xưa,Miền Tây thành phố Đà Lạt như ấp Hà Đông,huyện Lâm Hà, luôn tự hào đã chung tay góp sức xây dựng Lâm Đồng ngày càng giầu mạnh góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước,tô thắm cho truyền thống của thủ đô Hà Nội,cho Tổ quốc Việt Nam ngày càng tươi đẹp hơn. 

ThS Ngô Mạnh Phụng

Trường Đại học Yersin Đà Lạt

 

 

 

 

 

Đăng ký tư vấn