https://admin.yersin.edu.vn//Uploads/files/2022-06/2.-logo-website01(4).png

Tin tức - Sự kiện

Trang chủ Tin tức - Sự kiện

Năng khiếu, sáng tạo và tài năng là điều kiện để bồi dưỡng nhân tài

Ngày đăng 18/10/2010 | Lượt xem: 4090

Con người vừa là mục tiêu,vừa là động lực phát triển kinh tế xã hội.Với những người có năng khiếu,có đầu óc sáng tạo,có tài năng có vai trò đặc biệt quan trọng.

Lễ trao giải thưởng Tài năng trẻ

và chung khảo cuộc thi HSSV tài năng thanh lịch của trường Đại học Yersin Đà Lạt

Ngày 15.05.2010

Con người vừa là mục tiêu,vừa là động lực phát triển kinh tế xã hội.Với những người có năng khiếu,có đầu óc sáng tạo,có tài năng có vai trò đặc biệt quan trọng.Ở Văn Miếu Hà Nội, văn bia còn ghi: “ Các bậc hiền nhân tài giỏi là yếu tố cốt tử đối với một chính thể.Khi yếu tố này dồi dào thì đất nước tăng tiến mạnh mẽ và phồn thịnh.Khi yếu tố này kém thì quyền lực đất nước suy giảm…Những người tài giỏi là một sức mạnh đặc biệt quan trọng đối với đất nước”

Để có những nhân tài giúp cho đất nước nói chung,cho địa phương nói riêng tăng tiến mạnh mẽ và phồn thịnh, cần tìm hiểu về năng khiếu,tính sáng tạo và tài năng,là điều kiện để bồi dưỡng nhân tài.

Ngay từ năm 1966,khi quốc hội bàn về cải cách giáo dục đã nêu rõ: “ Đối với các em học sinh có năng khiếu  cần phải có kế hoạch hướng dẫn riêng…”

Trong nghị quyết số:14/ NQ-TW(Khóa IV) của Bộ chính trị năm 1979 đã xác định: “ Trong hệ thống giáo dục phổ thông cần mở những trường lớp phổ thông cho những học sinh có năng khiếu đặc biệt…”

Khi nghiên cứu về năng khiếu,cần xác định một khái niệm: năng khiếu là nhân tố bên trong,dựa trên những tư chất bẩm sinh- di truyền được phát triển trong mổi con người,con người đó có khả năng giải quyết được những bài tập,những nhiệm vụ được giao nhanh hơn,tốt hơn những người khác cùng lứa tuổi,cùng môi trường sống.

Năng khiếu không thể tạo ra,mà chỉ được tìm thấy,phát hiện ra từ tuổi thiếu niên,thông qua các hoạt động học tập, vui chơi,làm việc hàng ngày.Khi đã phát hiện được những năng khiếu,nếu được bồi dưỡng kịp thời công phu sẽ có cơ hội trở thành tài năng.

Ở Lâm Đồng việc phát hiện, tuyển chọn,bồi dưỡng năng khiếu đã được lãnh đạo tỉnh và ngành giáo dục đào tạo quan tâm.Trường THPT chuyên Thăng Long thành lập và bắt đầu hoạt động từ tháng 7 năm 2003.Hiện nay trường có 31 lớp các khối 10,11,12 với 750 học sinh.Tỷ lệ học sinh của trường thi đậu đại học năm 2009 đạt 88,3% đứng thứ 49/200 THPT tốp đầu của cả nước,năm 2008 có 137 học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp tỉnh,19 học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp quốc gia,11 học sinh đạt giải toán máy tính khu vực,36 học sinh đạt giải Olimpic truyền thống,4 học sinh đậu thủ khoa kỳ thi tốt nghiệp THPT,1 học sinh đậu thủ khoa kỳ thi đại học,3 học sinh đạt giải 3 giai điệu tuổi hồng toàn quốc…Ngoài trường chuyên Thăng Long,nhiều trường THPT trong tỉnh tổ chức lớp chọn là một cách bồi dưỡng học sinh khá giỏi,xét về thực chất cũng là bồi dưỡng năng khiếu.Đó là bước đi vững chắc để đào tạo nhân tài của tỉnh nhà.

Để năng khiếu trở thành tài năng,cần phải tiếp tục bồi dưỡng,tuyển chọn,sàng lọc thông qua các kỳ thi,các hoạt động thực tiễn trong các ngành khoa học tự nhiên,khoa học xã hội,khoa học lãnh đạo,quản lý hoặc sản xuất kinh doanh v.v… mới bộc lộ được tài năng,mới thực sự cống hiến tài năng cho quá trình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Nghiên cứu về sáng tạo cho thấy,trước hết nói về từ sáng tạo,sáng tạo có nghĩa gốc là sản xuất ra,sinh ra cái mới.

Tính chất mới mẻ trong sản phẩm của tư duy là đặc trưng quan trọng nhất của tính sáng tạo.

Ví dụ: sản phẩm vang Đà Lạt,trà Atiso được công nhận là hàng Việt Nam chất lượng cao,cải tạo hệ thống cấp nhiệt để sản xuất mặt hàng mới như chè xanh xô,xanh olong xuất khẩu hoặc cải tiến máy cắt cỏ để gặt lúa gọn nhẹ,năng suất cao v.v..

Như vậy, tính chất mới mẻ của sản phẩm nêu trên được hình thành từ thành công của khoa học-công nghệ,trong sự thành công của khoa học-công nghệ được tích hợp tính sáng tạo của một tác giả hoặc một nhóm tác giả đã tạo ra sản phẩm mới.Vấn đề quan trọng là:người có đầu óc sáng tạo thường cố gắng phát triển những ý tưởng mới,độc đáo,khác lạ với những cách thông thường trong việc giải quyết một nhiệm vụ mới.Tuy nhiên tư duy sáng tạo và sản phẩm mới được tạo ra phải gắn với thực tiễn.Có như vậy,sản phẩm mới sẽ có tính khả dụng,phục vụ thiết thực cho đời sống xã hội.

Từ cách nhìn nhận như trên,có thể đi đến một khái niệm về sáng tạo như sau

Sáng tạo là một tổ hợp các năng lực cho phép con người trên cơ sở kinh nghiệm,sở trường của mình thực hiện những thành tựu mới,ở đó con người phát triển những kết quả đã có của bản thân hoặc của người khác để rạo ra kết quả mới bằng sản phẩm mới,đem lại lợi ích cho xã hội.

Từ khái niệm trên,liên hệ ở tỉnh nhà,được biết để thúc đẩy các hoạt động phát huy sáng kiến,sáng tạo,những năm vừa qua đã có sự phối hợp liên ngành giữa Sở khoa học-công nghệ,Liên hiệp các hội khoa học-kỹ thuật,Liên đoàn lao động tỉnh,Đoàn TNCS HỒ CHÍ MINH tỉnh đã tổ chức 3 hội thi sáng tạo kỹ thuật với hơn 30 giải pháp sáng kiến cải tiến kỹ thuật dự thi.Trong đó lần một trao 12 giải thưởng,lần hai trao 9 giải thưởng,lần ba trao 10 giải thưởng sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Và còn tổ chức nhiều cuộc thi khác:Hội thi sáng tạo khoa học-công nghệ,hội thi sáng tạo các sản phẩm công nghệ-tiểu thủ công nghiệp,thi tin học trẻ không chuyên của tỉnh đoàn Lâm Đồng,hội thi bàn tay vàng-Công ty thực phẩm Lâm Đồng,hội thi kiểm ngân giỏi,hội thi giáo viên giỏi các cấp…

Thông qua các cuộc thi đã động viên được năng lực trí tuệ,óc sáng tạo,tạo ra những sản phẩm mới,phát hiện ra những con người sáng tạo làm cho các ngành nghề trong tỉnh phát triển mạnh mẽ hơn.

Nghiên cứu về tài năng,trước hết cần thấy rõ quan điểm của Đảng ta về vấn đề này

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lân thứ VI tháng 12 năm 1986,trong báo cáo chính trị đã nêu: “Nhân tài không phải là sản phẩm tự phát,mà phải được phát hiện bồi dưỡng công phu.Nhiều tài năng có thể mai một,nếu không được phát hiện và sử dụng đúng lúc,đúng chỗ…”

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII tháng 6 năm 1991,trong cương lĩnh xây dựng đất nước đã ghi: “ Bồi dưỡng nhiều người giỏi về khoa học-công nghệ,kinh doanh,quản lý kinh tế xã hội và nhiều công nhân lành nghề…” để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội.

Có thể nói việc phát hiện,bồi dưỡng,đào tạo nhân tài là một trong những việc quan trọng cần có sự quan tâm của lãnh đạo các cấp các ngành của nhà nước,của tỉnh Lâm Đồng.Tỉnh nhà đang cần nhiều người tài,cần có sự chung tay góp sức của nhiều ngành: ngành Giáo dục-Đào tạo, ngành Khoa học-Công nghệ, Liên hiệp các hội khoa học-kỹ thuật,Hội khoa học phát triển nguồn nhân lực nhân tài, Liên đoàn lao động tỉnh, các ngành kinh tế v.v…đế có một sức mạnh tổng hợp trong việc phát hiện,bồi dưỡng,đào tạo nhân tài vì sự phát triển bền vững của Lâm Đồng.

Để có nhân tài,cũng cần nghiên cứu xem tài năng được hình thành như thế nào?

Tài năng là tổng hợp nhửng yếu tố năng khiếu,thông minh,tính sáng tạo trong quá trình hoạt động của con người, để đạt được những thành tích và hiệu quả cao trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao.

Tài năng không phải do trời phú cho,mà phải thông qua bồi dưỡng,đào tạo,thông qua hoạt động thực tiễn mới bộc lộ tài năng.

Việc bồi dưỡng đào tạo,tổ chức hoạt động thực tiễn là môi trường rất cần thiết để tìm người tài.

Ví dụ: Tổ chức lớp chọn,trường chuyên trong tỉnh,các cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh,cấp quốc gia,thi học sinh sinh viên tài năng thanh lịch và bình chọn tài năng trẻ của Đại học Yersin Đà Lạt, hội thi tin học trẻ,hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp,hội thi bàn tay vàng v.v…

Khi có người tài rồi,việc sử dụng đúng lúc,đúng chỗ,liên tục giáo dục,bồi dưỡng công phu,thử thách trong thực tiễn…thì nhân tài mới phát huy hết tài năng cho công cuộc phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà.

Chính sách đối với hiền tài cũng là vấn đề cân quan tâm

-   Nhân tài cũng là một con người cụ thể,cần tạo điều kiện tốt cho họ sống,học tập nghiên cứu,làm việc,để họ toàn tâm toàn ý thực hiện tốt nhất nhiệm vụ được phân công.Người có cống hiến nhiều cho xã hội,phải được quan tâm đúng mức.

-   Ngoài sự quan tâm về vật chất,cần chú ý động viên,ghi nhận công lao đóng góp của nhân tài bằng việc khen thưởng,tặng các danh hiệu,các giải thưởng xứng đáng.

-   Đối với nhân tài có cống hiến đặc biệt cần có sự quan tâm đặc biệt.

Năng khiếu,tính sáng tạo và tài năng là tài sản quý giá của trí tuệ.Trí tuệ là động lực mạnh mẽ nhất mở đường cho xã hội phát triển.Biết phát hiện năng khiếu,bồi dưỡng đào tạo nhân tài,tổ chức hoạt động thực tiễn,giáo dục rèn luyện nhân tài,sử dụng nhân tài đúng lúc,đúng chỗ,trân trọng hiền tài,chiêu hiền đãi sĩ… là tích cực thúc đẩy xã hội phát triển, phù hợp với quy luật của muôn đời.Mong sao có nhiều nhân tài,trong nhiều lĩnh vực,để tỉnh nhà tăng tốc đột phá vươn lên đỉnh cao mới ■

 

ThS. Ngô Mạnh Phụng

Trường Đại học Yersin Đà Lạt

 

 

 

Đăng ký tư vấn