https://admin.yersin.edu.vn//Uploads/files/2022-06/2.-logo-website01(4).png

Tin tức - Sự kiện

Trang chủ Tin tức - Sự kiện

7 loài hoa thân gỗ độc đáo ở Đà Lạt

Ngày đăng 06/06/2016 | Lượt xem: 3091

Ở Đà Lạt có 7 loài hoa thân gỗ, thay phiên nở suốt 4 mùa, trang điểm nhan sắc Đà Lạt, luôn làm ngất ngây người dân và du khách thập phương.

Đà Lạt - trung tâm bảo tồn, sản xuất hoa lớn nhất nước, được Chính phủ công nhận là “Thành phố Festival Hoa Việt Nam”. Ở xứ ngàn hoa này, có 7 loài hoa thân gỗ, thay phiên nở suốt 4 mùa, trang điểm nhan sắc Đà Lạt, luôn làm ngất ngây người dân và du khách thập phương.

Mai Anh Đào: tên khoa học Prunus Cesacoides, chi chít hoa từ gốc đến ngọn, nở rực hồng phố núi, báo hiệu xuân về. Đây là loài hoa bản địa (được đặt tên đường Mai Anh Đào), trồng nhiều quanh hồ Xuân Hương, Tuyền Lâm, đèo Prenn, đường Lê Đại Hành, Trần Hưng Đạo, trong công viên, trường học. “Ai lên xứ hoa đàođừng quên mang về một cành hoa…”. Mai Anh Đào đã góp phần làm nên “Thương hiệu Đà Lạt”.

2. Phượng Tím: có nguồn gốc từ Nam Mỹ, du nhập vào Đà Lạt năm 1962. Kỹ sư Lương Văn Sáu (du học tại Pháp) mang hạt về ươm, trồng nhiều nhưng chỉ sống được 1 cây (trước Khách sạn Golf 3 bây giờ). Cây cổ thụ này (cao khoảng 14m), hàng năm có ra hoa, nhưng không đậu quả. Năm 1995, Tiến sĩ Hà Ngọc Mai mang hạt Phượng Tím từ Úc về ươm, được khoảng 3.000 cây “phủ sóng” nhiều đường phố Đà Lạt. Cứ mỗi độ xuân về (từ tháng 1 đến tháng 4) Phượng Tím nở “tím trời” Đà Lạt, đẹp đến nao lòng.

3. Mimosa: tên khoa học Mimosaceae, du nhập vào Đà Lạt gần 100 năm nay. Ở Việt Nam, duy nhất Mimosa trồng tại Đà Lạt nở hoa vào mùa khô, hoa hình cầu, màu vàng óng như tơ, từng chùm chi chít nụ, nở hết đợt này đến đợt khác. Ở Đà Lạt, có một con đường mang tên Mimosa, đó là đèo Mimosa dài 10km (song song với đèo Prenn). Mimosa, được trồng nhiều ven đường Mimosa, trong các Công viên, Khu du lịch, Dinh thự.

4. Chuông Vàng: tên khoa học Spathodea Campanulata Bean. Du nhập vào Đà Lạt năm 1960, nguồn gốc từ châu Phi, cây đầu tiên được trồng tại chùa Quan Thế Âm. Từ năm 1996, Công ty Đô thị Đà Lạt nhập giống mới, trồng nhiều hai bên đường Lê Hồng Phong, Phan Đình Phùng, hồ Hoàng Văn Thụ, các công viên. Là cây thân gỗ, hoa màu vàng cam (tựa quả chuông), nở thành chùm, suốt 4 mùa. Chuông vàng rực rỡ treo trên nền trời xanh, rất ấn tượng.

5. Vông Kê: nguồn gốc từ Trung Đông, tên khoa học là Erythrina cristagalli, du nhập vào Đà Lạt năm 1965. Hai cây đầu tiên, do KS Lương Văn Sáu trồng ở cổng sau Khách sạn Palace (cạnh mấy cây thông lớn, rất ít người biết), thường nở quanh năm. Đến nay, đã thành cổ thụ (cao khoảng 15m), thân-cành xù xì mốc meo, nhưng vẫn nở những chuỗi hoa dài, màu đỏ cam, rất bắt mắt. Từ năm 1993, Đà Lạt nhập loài Vông Kê mới (Osaka), được trồng nhiều trong các công viên, khu du lịch và cả nhà dân nữa.

6. Phượng Trắng: Đây là cây Phượng trắng duy nhất ở Việt Nam nở hoa (tại 75 Phù Đổng Thiên Vương), chưa nhân giống được. Năm 1998, Tiến sĩ Hà Ngọc Mai mang cây con từ Úc về trồng ở vườn nhà, 5 năm sau thì nở hoa tuyệt đẹp. Phượng trắng tên khoa học là White Jacaranda, nở hoa vào mùa xuân, từng chùm màu trắng muốt, thật dễ thương. Khi hoa rụng, trên mặt đất tạo thành một thảm hoa trắng, rất bắt mắt.

7. Hoa Ban: Năm 1995, Công ty Đô thị Đà Lạt nhập giống Hoa Ban từ miền Tây Bắc nước ta (chủ yếu màu trắng), về trồng hai bên đường Quang Trung, Trần Phú, các công viên. Vào mùa khô, vẻ đẹp hoang sơ, dịu dàng của những cánh Hoa Ban, luôn làm nao lòng bao lữ khách.

 Hà Hữu Nết

Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng

Đăng ký tư vấn